“Nóng” vấn đề văn hoá ứng xử trên mạng xã hội trong tranh biếm họa

Thứ bảy - 12/01/2019 21:44
Theo Ban tổ chức, mặt trái của mạng xã hội đã được các họa sĩ biếm thể hiện bằng những hình ảnh trực quan, sống động, khiến người xem phải giật mình. Đó là chuyện “câu like”, nói xấu nhau hay chuyện "ném đá" người khác trên facebook…

Chiều ngày 11/1, giải biếm hoạ báo chí Việt Nam - cúp Rồng tre lần thứ V-2018 với chủ đề “Ứng xử văn hoá; Xã hội văn minh” tổ chức lễ trao giải. Theo Ban tổ chức, sau 8 tháng phát động (từ 4-2018 đến 12-2018), cuộc thi đã thu hút khoảng 400 tác phẩm dự thi. Trong số đó, có tới trên 30% số tranh dự thi đã chọn đề tài văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Điều đó đã phản ánh rất chính xác nỗi lo lắng của toàn xã hội trong thời gian này.

 

“Nóng” vấn đề văn hoá ứng xử trên mạng xã hội trong tranh biếm họa

Phải di chuyển từ TP HCM ra Hà Nội, tác giả Lê Diệu Bang (giải Nhất) vừa kịp có mặt tại Trung tâm thông tấn quốc gia trước giờ khai mạc triển lãm.

 

Ông Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hoá - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, năm nay giải thưởng tranh biếm hoạ Cúp rồng tre lấy chủ đề “Ứng xử văn hoá; xã hội văn minh” được xem là sát với cuộc sống. Nhiều vấn đề ứng xử trong cuộc sống được khơi gợi trúng vào chỗ rất bức xúc trong xã hội hiện nay như: Văn hóa ứng xử trong giao thông, y tế, trong học đường... Đặc biệt, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, internet trong năm 2018 này chính là những chủ đề nóng bỏng.

Theo Ban tổ chức, mặt trái của mạng xã hội đã được các họa sĩ biếm thể hiện bằng những hình ảnh trực quan, sống động, khiến người xem phải giật mình. Đó là chuyện “câu like”, nói xấu nhau hay chuyện "ném đá" người khác trên facebook…

“Nóng” vấn đề văn hoá ứng xử trên mạng xã hội trong tranh biếm họa - Ảnh minh hoạ 2

"Dê đen và dê trắng" của HS Trần Hải Nam - giải Ba.

 

Với số lượng lớn các tác phẩm gửi về nói về ứng xử trên mạng xã hội, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác phẩm “Chực chờ” của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo). Hoạ sĩ Thành Chương cho rằng, tác phẩm này đã đề cập đến vấn đề hợp thời là mạng xã hội. Trong đó, hình tượng thể hiện trong tác phẩm mang nhiều tính dự báo. “Nếu văn hoá không ứng xử đúng sẽ gây hậu quả khôn lường. Nếu chúng ta thờ ơ với những ứng xử xấu thì nó sẽ giống như một quả bom gây ra những thiệt hại lớn”, hoạ sĩ Thành Chương nhận định về tác phẩm giành giải cao nhất.

 

“Nóng” vấn đề văn hoá ứng xử trên mạng xã hội trong tranh biếm họa - Ảnh minh hoạ 3

Giải Nhất (kèm tiền thưởng 15 triệu đồng) được trao cho tác phẩm "Chực chờ" của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo).

 

Đánh giá về giải biếm hoạ báo chí Việt Nam 2018,  nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho biết, chủ đề của cuộc thi năm nay đã thể hiện được đúng vấn đề mà toàn xã hội quan tâm. Ứng xử có văn hoá là điều rất cần thiết để xây dựng một xã hội hiện đại. Bởi thế, giải biếm hoạ báo chí năm nay đã góp phần “chữa trị căn bệnh xã hội theo cách riêng của mình”.

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức cũng triển lãm hơn 60 tác phẩm tranh biếm hoạ tại số 5 Lý Thường Kiệt. Triển lãm sẽ tiếp tục được tổ chức tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong 2 ngày 12- 13/1.

 

Kết quả giải biếm hoạ báo chí Việt Nam – Cúp Rồng tre lần thứ V - 2018:

Giải Nhất: Tác phẩm “Chực chờ” của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo)

2 Giải Nhì:

- Tác phẩm: “Chung sức” của họa sĩ Đỗ Anh Dũng (bút danh DAD)

- Tác phẩm: “Khi đời tư cũng thành …món ăn nhanh” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Tiến

2 Giải Ba:

- Tác phẩm: “Dê đen và Dê trắng” của họa sĩ Trần Hải Nam (bút danh N9)

- Tác phẩm: “Trật tự đô thị” của họa sĩ Nguyễn Minh Đông (bút danh điop)

4 Giải Khuyến khích:

- Tác phẩm: “Lịch chăm mẹ ốm” của họa sĩ Nguyễn Đức Trí

- Tác phẩm: Không lời của họa sĩ Nguyễn Duy Sơn

- Tác phẩm: “Nhào Dzô…” của họa sĩ Nguyễn Hữu Lộc (bút danh H.Lộc)

- Tác phẩm: Không lời của họa sĩ Lê Đức Hùng (bút danh DINGO)

 

Tác giả: Nguyễn Hằng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây