Không phải ngẫu nhiên mà giả gái lại là yếu tố bị dư luận lên án đầu tiên ở các chương trình truyền hình nhảm đến mức các nghệ sĩ phải xem xét lại về vấn đề này. Mới đây, nghệ sĩ Minh Nhí và Gia Bảo đã khẳng định sẽ không giả gái trong game show Sao nối ngôi và Tiếu lâm tứ trụ. Ban tổ chức những chương trình này cũng xác nhận họ sẽ phối hợp với các nghệ sĩ không giả gái trong chương trình.
Mở tivi là thấy giả gái
Không chỉ chương trình hài mà cả các chương trình ca hát, nhảy múa, tìm kiếm tài năng… các loại, cứ như mở truyền hình lên là thấy giả gái: Ơn giời! Cậu đây rồi, Cặp đôi hoàn hảo, Gương mặt thân quen nhí, Cùng nhau tỏa sáng, Cười xuyên Việt, Bí mật đêm Chủ nhật, Hội ngộ danh hài, Hội quán tiếu lâm, Cặp đôi hài hước…
Có thể điểm mặt gần hết các nghệ sĩ hài nổi tiếng hay được công chúng quen mặt tham gia game show đều giả gái như Minh Nhí, Hoài Linh, Chí Tài, Đại Nghĩa, Trường Giang, Hứa Minh Đạt, Gia Bảo… Những nghệ sĩ trẻ mới thành danh gần đây như Huỳnh Tiến Khoa, Lê Dương Bảo Lâm, Don Nguyễn, La Thành, Dương Thanh Vàng, Hải Triều, Cô giáo Khánh, BB Trần… đều giả gái. Các diễn viên trẻ, nhóm hài trẻ như Buffalo, Xém cười, X-Pro… giành quán quân nhiều cuộc thi hài trên truyền hình cũng nhờ nhiều tiết mục giả gái.
Nhiều ca sĩ như Long Nhật, Ngô Kiến Huy, Mai Quốc Việt, Hoài Lâm, Thanh Duy Idol… cũng làm khán giả truyền hình phát mệt vì sự giả gái tràn lan. Người xem đếm được chín lần Thanh Duy Idol giả gái để tiến đến danh hiệu quán quân Gương mặt thân quen. Ca sĩ Hoài Lâm cũng có tần suất giả gái không kém Thanh Duy mấy và cũng giành vị trí quán quân chương trình bằng một tiết mục biến thành nghệ sĩ Thanh Nga.
Đáng nói là rất hiếm hoi những tiết mục giả gái hợp lý, có ý nghĩa, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem. Còn lại khán giả bị ấn tượng xấu bởi những hình ảnh phản cảm như Trấn Thành ẻo uột giả Phi Thanh Vân trong Bí mật đêm Chủ nhật. Trường Giang, Chí Tài thô lậu trong bộ váy tứ thân ỡm ờ giỡn hớt. BB Trần, Hải Triều, Cô giáo Khánh… liên tục ẻo uột trong các vai đồng bóng. Quan trọng nhất, việc giả gái nhiều đến mức khán giả đặt câu hỏi phải chăng một số diễn viên chỉ diễn được vai giả gái? Phải chăng một số chương trình không biết làm gì ngoài giả gái? Có cần thiết phải giả gái hoài như vậy?...
Người trong cuộc nói gì?
Trước khi Minh Nhí và Gia Bảo nói không với giả gái, danh hài Hoài Linh cũng tuyên bố anh không giả gái nữa. Diễn viên trẻ Cô giáo Khánh cũng từng bày tỏ sẽ không giả gái và lấy nghệ danh khác là Duy Khánh. Tuy nhiên, việc nói không với giả gái xem ra không phải là chuyện dễ dàng. Ngay đến danh hài Hoài Linh dù tuyên bố không giả gái nữa cũng vẫn có những trường hợp ngoại lệ.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ: “Sự hoán đổi trai gái trên sân khấu và điện ảnh đã có từ lâu nhằm tạo sự mới lạ và thể hiện tài năng, duyên dáng của người nghệ sĩ được yêu mến. Đúng là gần đây hiện tượng này bị lạm dụng đến mức đáng báo động, gây bội thực và phản cảm cho người xem, thậm chí ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của trẻ em. Đa số đối tượng này là các diễn viên trẻ bắt chước, ăn theo thành công của các nghệ sĩ đi trước và cạn nguồn ý tưởng nên dần đi vào phản cảm, thậm chí dung tục... Theo tôi, giải pháp thiết thực và cần làm ngay là sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị sản xuất từ sân khấu đến chương trình truyền hình. Họ phải chịu trách nhiệm về nội dung và tư tưởng của vai diễn và tác phẩm. Phải nâng cao sự sáng tạo và đạo đức của diễn viên. Báo chí cũng cần lên án những trường hợp quá đà để làm gương. Nên hạn chế việc giả gái. Ví dụ, nghệ sĩ Hoài Linh là người chuyên giả gái thành công nhưng đã tự ý thức hạn chế tối đa việc giả gái nếu không cần thiết”.
Đồng ý kiến, đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực của một số game show được đánh giá là hài sạch như Làng hài mở hội phát biểu: “Việc giả gái nếu theo yêu cầu tình huống của kịch bản hoặc để tạo điểm nhấn đặc biệt cho câu chuyện thì được. Vấn đề là hiện nay việc giả gái bị lạm dụng để tạo ra những tiếng cười vô bổ không cần thiết. Tôi cho rằng khi quyết định giả gái, cần chú ý những đặc điểm: Vai diễn phải đẹp, sạch, không lố lăng, phản cảm. Nội dung phải phù hợp, chừng mực, đáp ứng tình huống, hoàn cảnh quy định, hợp tình hợp lý. Cần xác định việc cho nhân vật giả gái để đạt mục đích gì, thể hiện nội dung và chủ đề câu chuyện thế nào”.
Quán quân Huỳnh Tiến Khoa của Làng hài mở hội và Cặp đôi hài hước từng có những tiểu phẩm giả gái phù hợp cho biết: “Trên thế giới có rất nhiều nghệ sĩ diễn vai giả gái trong những bộ phim rất nổi tiếng, thể hiện tài năng vượt trội của họ. Trong kịch truyền thống của Nhật và Trung Quốc, việc nam giả nữ là bắt buộc. Việc giả nữ trên sân khấu không hẳn là xấu. Sẽ có một số hoàn cảnh kịch bắt buộc nam giả nữ. Rồi như tôi thi Cặp đôi hài hước, đội tôi chỉ có hai nam. Kịch bản cho hai nam rất ít nên có những lúc tôi hoặc bạn diễn phải giả gái. Việc nam giả nữ nếu đặt đúng vào tình huống, đúng vào hoàn cảnh sẽ là vai diễn độc đáo của diễn viên”.
“Tôi bị đuổi vì không duyệt giả gái”
Một nghệ sĩ gạo cội, từng có nhiều vai diễn hài duyên dáng, nhiều kịch bản hài tốt, nhiều vở diễn hài thú vị đã ngậm ngùi chia sẻ về chuyện hậu trường và tâm can của mình: “Tôi ký hợp đồng làm đạo diễn game hài với một nhà sản xuất. Những tiết mục giả gái của diễn viên tham gia game tôi đều không duyệt. Vậy là nhà sản xuất gặp tôi yêu cầu thay đổi. Họ lo game của họ không hút khán giả. Tôi không thỏa hiệp, vậy là họ tìm cách đuổi tôi dù đã ký hợp đồng. Tôi vô cùng buồn. Tôi nghĩ rằng thời thế bây giờ sân khấu và truyền hình thật quá nhiễu nhương, chúng ta không còn nhìn thấy cái đẹp, cái ngay thẳng, cái đúng nữa. Bây giờ sân khấu thì đầy kịch ma quỷ, đồng tính. Truyền hình thì đầy sự giả gái lệch lạc. Tôi cho rằng thời thế sân khấu và truyền hình đang giống một cơ thể bị bệnh, như ông bà nói “thời suy quỷ lộng” - khi cơ thể mệt mỏi ốm yếu thì dễ nhìn thấy ma quỷ. Cơ thể sân khấu, nghệ thuật ốm yếu thì thị hiếu khán giả và vở diễn của người làm nghề đầy ma quỷ, đồng tính”.
Tác giả: Theo Hoà Bình Pháp luật TPHCM
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn