Xuất thân là dân thể thao nhào lộn năm 7 tuổi. Đến năm 12 tuổi tham gia Đoàn xiếc TP.HCM. Anh em “hoàng tử xiếc” Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã nhanh chóng trở thành hai tài năng sáng giá của ngành xiếc Việt Nam. Đặc biệt, tiết mục chồng đầu giữ thăng bằng của hai anh em họ Giang đã gây tiếng vang ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ tiết mục chồng đầu giữ thăng bằng đi hết 90 bậc thang nhà thờ chính toà ở Tây Ban Nha mà anh em “hoàng tử xiếc” đã được ghi vào kỷ lục Guiness thế giới vào năm ngoái.
Nhớ lại cảm giác khi thực hiện tiết mục xiếc mạo hiểm phá vỡ kỷ lục Guiness với màn chống đầu giữ thăng bằng, Quốc Cơ cho biết, lúc đó, khi nhìn vào những bậc thang cao ngút ngàn của nhà thờ chính toà ở Tây Ban Nha, cả hai anh em không hề nghĩ mình có thể làm được điều đó.
“Nếu cõng một người lên và đi hết những bậc thang đó mà không quy định thời gian thì có thể thực hiện được. Đằng này, họ lại quy định cho Quốc Cơ - Quốc Nghiệp thực hiện tiết mục đó chỉ trong vòng 1 phút. Thời điểm đó, thời tiết Tây Ban Nha rất lạnh nhưng vì đây là tiết mục khoe hình thể nên chúng tôi không thể mặc quần áo. Bên cạnh đó, nếu mặc quần áo thì trọng lượng sẽ tăng lên và như thế sẽ khiến cho bước chân của người dưới nặng nề hơn. Chúng tôi chấp nhận không mặc quần áo trong thời tiết đó để có thể đi nhanh hơn.
Và vì thời tiết lạnh nên trong 2 tuần Quốc Cơ - Quốc Nghiệp chỉ được tập mỗi tuần 1 lần. Lần đầu tiên, khi đi được 60 bậc thì Quốc Cơ bị co rút chân lại, không thể đi được nữa. Lúc đó, Quốc Nghiệp phải cõng Quốc Cơ xuống”, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp chia sẻ.
Về thời gian để có thể tập luyện để có thể hoàn được tiết mục này, Quốc Cơ cho biết, cả hai anh em đã phải mất 15 năm. Lần đầu tiên biểu diễn tiết mục này trước công chúng là ở Đồng Nai. Trong suất diễn này, do quá căng thẳng nên hai anh em đã ngã mấy lần khi diễn. Đến mức, người mời hai anh em về biểu diễn tiết mục này phải đề nghị họ không diễn tiết mục này ở sân khấu của ông ta nữa.
“Khi nghe điều đó, chúng tôi đã rất đau lòng. Vì lúc đó, chúng tôi đã bỏ ra 2 năm trời để tập luyện tiết mục này với mong muốn trình diễn cho mọi người thấy cái hay nhất của nghệ thuật xiếc. Nhưng không may đêm đó hai anh em ngã rất nhiều. Thất bại đó khiến hai anh em rơi nước mắt rất nhiều. Và hai anh em tự hứa với lòng mình là phải tập cho thật tốt - thật hay để sau này ông chủ đó gọi lại thì phải hài lòng và chấp nhận một giá cực cao chúng tôi mới diễn”, Quốc Nghiệp nói.
Quốc Nghiệp cũng bày tỏ thêm rằng, trên thế giới, rất hiếm có cặp đôi xiếc nào có thể trạng hình thể tương đương nhau như Quốc Cơ - Quốc Nghiệp. Tuy nhiên, điều đó vừa là thuận lợi, vừa là thử thách đối với cả hai.
“Khi hai người song song với nhau thì biểu diễn rất đẹp, có khi người xem không thể nhận ra ai trên, ai dưới. Nhưng khổ nỗi, hai người nặng như thế thì sẽ rất khó cho người làm trụ”, Quốc Nghiệp chia sẻ thêm.
Và mỗi khi biểu diễn tiết mục này, Quốc Nghiệp cho rằng, anh trai mình là người áp lực nhất. Vì dù khi bị tai nạn anh là người đau nhất nhưng nỗi đau đó không thấm thít bằng nỗi cắn rứt trong lòng của anh trai mình.
“Mỗi lần ngã xuống, chỉ cần nhìn khuôn mặt của anh Quốc Cơ thôi, không cần anh ấy nói gì hết thì tôi đã hiểu anh ấy đã muốn nói một lời xin lỗi vô cùng to lớn với tôi. Tuy nhiên, tôi là người phía trên nên không bao giờ sợ bất kỳ điều gì hết khi giao tính mạng cho anh trai mình”, Quốc Nghiệp chân thành tâm sự.
Bản thân Quốc Cơ cũng thú nhận, trong quá trình tập luyện và biểu diễn tiết mục chống đầu giữ thằng bằng, Quốc Nghiệp ngã rất nhiều lần. Và mỗi lần xem lại cảnh Quốc Nghiệp ngã, anh đều cảm thấy rất xót xa. Đặc biệt, năm 2009, Quốc Nghiệp đã ngã rất nhiều và rất nặng.
Mỗi khi có tai nạn xảy ra, Quốc Cơ thường “chết đứng” trước hàng trăm con mắt của khán giả. Mong mỏi lớn nhất lúc đó chính là em trai nhúc nhích được cơ thể hoặc đưa tay lên để anh biết em mình không bị làm sao.
“Nhìn em trai nằm bất động sau khi tai nạn, tôi không thể kiểm soát được tinh thần của mình nữa. Khi đó, các bạn diễn nước ngoài chạy ra đưa Nghiệp lên xe đến bệnh viện cấp cứu. Đó là cảm giác tôi không bao giờ có thể quên được”, Quốc Cơ nghẹn ngào tiết lộ.
Nói về truyền thống gia đình, “hoàng tử xiếc” Quốc Cơ cho biết, gia đình anh có 3 đời theo nghiệp diễn xiếc. Ông nội của cả hai là võ sư kiêm thầy thuốc sau đó truyền nghề lại cho thân phụ của hai anh em. Ba của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vừa là một võ sư, vừa là một người diễn xiếc kiêm thầy thuốc. Biệt tài của ông là có thể “trồng cây chuối” (dựng ngược người) bằng 3 ngón tay. Theo Quốc Nghiệp, đó là động tác mà hai anh em họ tập cả đời cũng không bao giờ tập được.
Quốc Nghiệp cho rằng, đây là thời điểm chín muồi của nghiệp diễn của hai anh em. Vì để đạt được một tiết mục đem lại nhiều cảm xúc cho người xem, hai anh em đã phải khổ luyện rất vất vả cũng như trả giá dưới nhiều hình thức khác nhau. Cũng bởi lí do đó mà khi cổ bị chấn thương có thể dẫn đến liệt cơ tay nhưng Quốc Nghiệp vẫn không có ý định bỏ nghề.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn