Nổ mìn khai thác đá ngay cạnh di tích, danh thắng chùa Hàn Sơn
Di tích, danh thắng chùa Hàn Sơn bị đe dọa nghiêm trọng
Chùa Hàn Sơn được xây dựng tại Thần Phù Hải khẩu (cửa biển Thần Phù) năm 1797, nay thuộc thôn Chính Đại, xã Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa. Theo sử ký Cửa biển Thần Phù xưa kia là nơi có nhiều sóng lớn (sóng thần).
Ngày 20/3/2011, chùa Hàn Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trong những năm gần đây, chùa Hàn Sơn được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, vãn cảnh và lễ chùa.
Đây không chỉ là công trình lịch sử, văn hóa tâm linh cổ xưa mà còn là điểm tham quan của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc Tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng Hồng Hải (mỏ đá Hồng Hải), ở xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình nổ mìn khai thác đá đang ngày đêm, đe dọa đến ngôi chùa một cách nghiêm trọng.
Mỗi năm có hàng ngàn lượt du khách đến đây nhưng mỏ đá Hồng Hải nằm ngay bên cạnh, tiếng mìn nổ inh tai nhức óc suốt ngày, bụi bay mù mịt nên ai cũng cảm thấy bất an, thậm chí nhiều người không dám lên viếng chùa.
Theo sư thầy Thích Đàm Vượng, trụ trì chùa Hàn Sơn, việc khai thác đá không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn phá vỡ cảnh quan di tích, ảnh hưởng đến tâm lý du khách hành hương về chùa Hàn Sơn. Mỏ đá đang được nổ mìn khai thác chỉ cách di tích chưa đầy 70m.
Hàng ngày, không chỉ nổ mìn, những máy xay đá còn hoạt động liên tục khiến bụi mù mịt. Hiện nay, nhiều hạng mục của khu di tích bị nứt và sụt lún rất lớn.
Phía Tây là mỏm núi đá gọi là cửa “Thần Phù” cũng đã được xếp hạng di tích có khả năng bị phá vỡ, nguy cơ bị biến mất hoàn toàn. Nhiều lần nhà chùa đã đề nghị chính quyền địa phương can thiệp ngừng khai thác mỏ đá này để bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường sống của người dân. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào vào cuộc giải quyết dứt điểm.
Người dân bất an bên cạnh mỏ đá
Không chỉ ảnh hưởng đến chùa Hàn Sơn, theo phản ánh của người dân xã Nga Điền, nhiều năm qua, mỏ đá Hồng Hải hoạt động đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn nghiêm trọng. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hứng chịu tiếng ồn từ việc nổ mìn phá đá mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và cuộc sống của người dân.
“Chúng tôi là người dân, tại sao nhà chùa xây dựng ở đây mà họ cứ nổ mìn khai thác đá ầm ầm, đá bắn vào nhà. Trước đây họ khai thác dưới chân ở phía Ninh Bình, nhưng hiện nay khai thác lên cao, bụi bay mù mịt”, bà Phạm Thị Hiên, xóm 7, xã Nga Điền bức xúc.
Ông Hoàng Văn Doa (83 tuổi), ở xóm 7, xã Nga Điền, bức xúc: “Ngày trước đây là hai dãy núi cao, nhưng giờ họ đã lấy hết rồi. Họ đánh đá ở phía Ninh Bình hết rồi, giờ họ đánh sang phía Thanh Hóa. Việc nổ mìn đánh đá khiến nhiều vật dụng trong nhà bị rung lắc, rơi xuống, bụi tỏa đi bay theo chiều gió mù mịt. Chúng tôi đã báo cáo nhiều rồi nhưng chưa thấy giải quyết. Nhà chùa thì bị dồn ngói xuống lại phải làm lại...”.
Trao đổi với phóng viên , ông Vũ Ngọc Huynh, Chủ tịch UBND xã Nga Điền, cho biết: Mỏ đá thuộc địa phận xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị xã Yên Lâm xử lý tình trạng khai thác đá làm ảnh hưởng lớn đến di tích lịch sử văn hóa chùa Hàn Sơn và người dân tại xã Nga Điền.
“Xã cũng quyết tâm lắm, nhưng cấp xã không đủ thẩm quyền giải quyết. Việc nổ mìn khai thác đá đã khiến một số ngói nhà tam bảo của chùa bị sụt xuống, bậc tam cấp bị nứt, đá còn bắn cả vào nhà dân”, ông Huynh cho biết.
Cũng theo ông Huynh: Hiện nay, mỏ đá Hồng Hải do ông Nguyễn Minh Nguyệt làm chủ đang khai thác đá ở núi Cồn Se, thuộc mốc giới 2 xã là Nga Điền (Nga Sơn, Thanh Hóa) và xã Yên Lâm (Yên Mô, Ninh Bình).
Từ vị trí khai thác đá đến khu dân cư xóm 8 và xóm 7 và di tích lịch sử chùa Hàn Sơn khoảng 70 đến 80 m. Do đó đã ảnh hưởng lớn đến vệ sinh môi trường và các công trình của nhân dân và công trình Di tích lịch sử văn hóa chùa Hàn Sơn và mất an toàn cho các du khách đến di tích và khu dân cư.
Đồng thời, dưới chân núi đang khai thác đá là tuyến đường liên tỉnh, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hiện nay, UBND xã Nga Điền đã nhận được một số đơn đề nghị của công dân và sư trụ trì chùa Hàn sơn. Trước tình hình thực tế nêu trên, UBND xã Nga Điền đề nghị UBND xã Yên Lâm xem xét giải quyết kịp thời.
Về phía UBND xã Yên Lâm, cho biết: Đã tiến hành kiểm tra hồ sơ khai thác mỏ đá Hồng Hải và xác minh tại thực địa khu mỏ. Theo đó, mỏ đá này do UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy phép.
Tuy nhiên, vị trí mỏ gần đường, gần khu dân cư của 2 xã Yên Lâm và xã Nga Điền, đặc biệt là gần khu di tích lịch sử chùa Hàn Sơn nên có gây ảnh hưởng, dư chấn, sạt lở đá xuống đường giao thông vị trí giáp ranh giữa 2 xã và gây bụi cho các khu vực xung quanh.
UBND xã Yên Lâm yêu cầu mỏ đá Hồng Hải thực hiện đúng giấy phép, quyết định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, giảm lượng mìn khi khai thác, không khai thác vị trí giáp đường (phía Tây), chuyển vào khai thác khu vực phía trong (phía Đông), tiếp tục có các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và các khu vực xung quanh.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn