Như đã đưa tin, trong lúc đào móng xây thêm phòng học tại trường Tiểu học xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, công nhân điều khiển máy xúc đã làm phát lộ một kiến trúc mộ gạch.
Tổng quan ngôi mộ được xây dựng bằng gạch bìa với hai loại chính là gạch hình chữ nhật và gạch múi bưởi. Các viên gạch hình chữ nhật đều có trang trí hoa văn dọc theo một cạnh chiều dày viên gạch. Các viên gạch múi bưởi đa phần có trang trí hoa văn dọc theo một cạnh mỏng hơn của viên gạch.
Người xưa đã xếp gạch theo dạng bên dưới hình cũi chữ nhật, bên trên cuốn vòm. Những viên gạch chữ nhật được dùng để lát nền và xây tường dưới. Gạch hình múi bưởi được sử dụng để xây cuốn vòm mộ.
Tiến hành khai quật, đoàn các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Ninh Bình, Viện Khảo cổ học và Viện Sử học Việt Nam đã phát hiện bên trong ngôi mộ có nhiều đồ tùy táng. Trong đó, có nhiều đồ giá trị như: Hạt chuỗi bằng vàng có dạng hình cầu, 2 hạt chuỗi đá ngọc màu xanh dương, 1 gương đồng, cùng nhiều đồ gốm…
Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình cho biết, sau khi khai quật ngôi mộ, phát hiện những cổ vật, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã giao cho bảo tàng tiếp tục bốc dỡ, đưa ngôi mộ cổ từ Gia Thủy về trưng bày nguyên trạng tại bảo tàng tỉnh.
Đối với những đồ tùy táng, trong tương lai, sau khi làm hồ sơ khoa học cho hiện vật, bảo tàng sẽ bổ sung vào phần trưng bày Ninh Bình trước thời phong kiến tự chủ.
“Ngôi mộ gạch phát hiện ở trường Tiểu học Gia Thủy rất có giá trị, có niên đại từ khoảng thế kỷ II đến thế kỷ IV sau Công nguyên. Thật đáng tiếc khi chúng tôi khai quật thì phát hiện ngôi mộ đã bị kẻ gian xâm hại, phá đi phần chóp của mộ”, ông Khang nói.
Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình chia sẻ thêm, theo nghiên cứu, đánh giá ban đầu, đây là một ngôi mộ thời Hán, rất giống với những ngôi mộ đã từng phát hiện trước đó trên địa bàn các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Các đồ tùy tàng phát hiện trong mộ gạch, càng có thể khẳng định rằng, ngôi mộ này là do một quan cai trị nhà Hán xây dựng.
Hiện nay ở khu vực trường Tiểu học Gia Thủy cũng như khu vực lân cận nhân dân còn phát hiện rất nhiều dấu tích chứng tỏ còn có thể có những ngôi mộ khác nữa. Đây là điều đặc biệt, có thể khẳng định vùng đất Gia Thủy là vùng đất cổ, từ xa xưa đã có dân đến tụ cư, và đã có chính quyền thời đó.
“Nhận thấy đây là một vùng đất có rất nhiều dấu tích từ thời cổ xưa, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tiếp tục điều tra, khảo sát và thăm dò khảo cổ học tại khu vực xã Gia Thủy và khu vực xung quanh, để làm rõ ra vùng đất đó có những dấu tích của thời kỳ nào”, ông Khang chia sẻ.
Thái Bá
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn