Chí Phèo – vai diễn làm thay đổi cuộc đời NSƯT Bùi Cường
Tốt nghiệp lớp diễn viên khóa II của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, NSƯT Bùi Cường bắt đầu con đường điện ảnh của mình với những thành công ngoài mong đợi. Ông đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả qua hàng loạt bộ phim, trong đó “kinh điển” nhất là vai Chí Phèo phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của cố đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.
Lúc sinh thời, NSƯT Bùi Cường có kể, vào một buổi sáng đẹp trời, Đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa gọi ông đến hỏi có thể cắt ngắn mai tóc dài của ông đi để mời ông vào vai Chí Phèo cho bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, bộ phim được chuyển thể từ 3 tác phẩm “Sống mòn”, “Lão Hạc” và “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Nhận được vai NSƯT Bùi Cường rất vui mừng nhưng cũng đầy lo lắng. Ông đã phải tìm sách của nhà văn Nam Cao đọc để hình dung một Chí Phèo.
Hôm thử vai, nghệ sĩ Bùi Cường và Đức Lưu diễn cảnh Thị Nở mang bát cháo hành đến cho Chí Phèo khi biết Chí Phèo bị ốm. Trích đoạn đã thành công đến nỗi, sau này đạo diễn Phạm Văn Khoa đã lấy luôn đoạn diễn thử làm cảnh giới thiệu phim và không phải quay lại lần thứ hai nữa.
NSƯT Bùi Cường cho biết, khi vào vai Chí Phèo, một phần thành công là nhờ ông tìm được cho Chí Phèo một dáng đi say rượu “không giống ai” cùng một tiếng cười “chó hóc xương” không trộn lẫn. Đặc biệt, chính Bùi Cường đã xin phép đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa để anh Chí được hát một giai điệu sau đêm hoan lạc với Thị Nở ở vườn chuối và những câu hát đó chính là câu đồng dao mẹ ông vẫn ru con ông ngủ.
Vai diễn Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã mang lại cho ông Huy chương Vàng dành cho diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983). Sau này, khi về thăm lại bối cảnh thực hiện bộ phim ở Hà Nam, ông đã không kìm được cảm giác bồi hồi, xúc động... Cảnh tượng cùng anh em trong đoàn làm phim cùng nhau vượt qua những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, vui vẻ… làm ông chảy nước mắt.
Cảnh Thị Nở nấu cháo hành cho Chí Phèo gây xúc động trong "Làng Vũ Đại ngày ấy"
Những dấu mốc vàng son đáng tự hào
Sau thành công của vai diễn Chí Phèo, Bùi Cường được mời vào một loạt vai diễn tiếp theo như Trần Tuấn trong phim “Phút thứ 89” (đạo diễn Quốc Long), Trần Quân trong phim “Kẻ giết người” (đạo diễn Hoài Linh), Tướng cướp trong “Dòng sông vàng” (đạo diễn Kiều Tuấn), Mộc trong phim “Không có đường chân trời” (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), chủ quán trong phim “Vụ áp phe Đông Dương” (đạo diễn Trần Đắc) Năm Hòa trong phim “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân)...
Bảng danh sách các vai diễn của ông cứ kéo dài ra mãi, các vai diễn dù lớn, dù nhỏ hầu hết đều được ông thể hiện với sức nặng và thần thái riêng. Điều đáng khâm phục nhất ở Bùi Cường là khả năng diễn tốt các vai rất trái chiều nhau như vạch ra những cái lố bịch của người đời chỉ bằng một vài động tác cực kỳ đơn giản.
“Biệt động Sài Gòn” ra đời năm 1982 do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất. Bộ phim được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt, từng “làm mưa làm gió” khắp các rạp chiếu từ thành phố tới lưu động khắp cả nước suốt thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước.
Trong phim, Bùi Cường vào vai Năm Hoà. Vai Năm Hòa dựa theo nhân vật có thật ngoài đời là Năm Nè. Lúc quay phim, ông Năm Nè cùng nhiều chiến sĩ khác cũng theo đoàn phim làm cố vấn về quân sự. Trong phim, nhân vật Năm Hòa tham gia đánh chiếm Tòa đại sứ Mỹ nhưng sau đó hy sinh. Đạo diễn Long Vân để Năm Hòa và Sáu Tâm bị địch giết làm khán giả nhớ thương mãi. Đây là vai diễn khán giả cả nước nhớ đến ông cho đến tận bây giờ, sau vai Chí Phèo.
Những năm đầu thập niên 1990, nghệ sĩ Bùi Cường chuyển sang làm đạo diễn. Bộ phim đầu tay của ông mang tên “Người hùng râu quặp” mời NSƯT Minh Vượng tham gia. Đến nay, ông đã sản xuất khoảng 80 tập phim truyền hình. Trong đó, “Vị tướng tình báo và hai bà vợ” giành huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2004.
Nghệ sỹ Bùi Cường từng tâm sự: “Tôi luôn muốn cống hiến cho khán giả những bộ phim hay. Thị trường phim ảnh bây giờ cần những cái chớp nhoáng, nhanh để kịp phát sóng, tôi vẫn làm phim để theo kịp xu thế, theo “đơn đặt hàng” nhưng tôi luôn ấp ủ cho mình những bộ phim điện ảnh hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật cao. Bởi khán giả bây giờ rất tinh, họ có kiến thức để đón nhận nghệ thuật, nếu phim không hay, kém hấp dẫn sẽ bị đào thải”.
Sau này, dù đã có tuổi nhưng người ta vẫn thấy một Bùi Cường miệt mài, lăn lộn khắp mọi nơi để làm phim. Ông tâm sự rằng, một ngày nghỉ ở nhà mà không đi làm phim ông thấy khó chịu và buồn lắm.
“Tôi làm phim vì “máu” nghệ thuật như anh em nghệ sỹ vẫn nhận xét, may mắn trời cho sức khỏe nên còn làm việc được, khi làm điều mình yêu thích thì mình thấy vui và cuộc sống tươi trẻ hơn rất nhiều. Nhà có hai cô con gái, không ai theo nghệ thuật nhưng may mắn tôi đã rủ rê được một con rể theo nghiệp đạo diễn, giờ cậu ấy đang làm trợ lý đạo diễn cho tôi. Tôi sẽ còn làm phim cho tới khi nào không thể làm được nữa, vì phim ảnh đối với tôi như một con đường bất tận, càng làm càng có nhiều điều rất thú vị, có khi phải mất cả đời mới có thể khám phá ra”.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn