Hoạ sĩ Phạm Lực sinh năm 1943 tại Huế, đến năm 1945 theo mẹ về quê ngoại ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Mẹ ông là chắt ruột của Đại thi hào Nguyễn Du. Chính vùng quê này đã hun đúc nên một Phạm Lực vừa xù xì, vừa chân chất, vừa phóng khoáng.
“Tạng tính của Phạm Lực là chất biển, chất sông nước, cửa sông, cửa nước. Đó là nền móng, là bệ đỡ, là căn tính tạo ra con người - hội hoạ của Phạm Lực. Đất nào người ấy, đất/nước nào người ấy. Đất ấy, sơn ấy, thổ ấy, sông ấy, biển ấy làm nên một hội họa Phạm Lực, vạm vỡ, thô nhám, khỏe khoắn, phóng khoáng, “ăn sóng nói gió”, gân guốc, xù xì, tự nhiên, tự do, chân chất, mộc mạc...”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.
Theo nam hoạ sĩ này, Phạm Lực không cố vẽ, không cố làm nghệ thuật. Vì thế, ông không chạy theo trường phái này, trường phái kia. Con người ông thế nào, ông sẽ vẽ thế đó. Không khí hội hoạ của Phạm Lực được hoạ sĩ Lê Thiết Cương đánh giá là phóng túng và ngẫu hứng. Người xem cảm nhận rõ xúc cảm ào ạt, cuộn sóng và tuôn trào. Vẽ với Phạm Lực là chớp lấy những đợt sóng cảm xúc bất chợt ùa về bằng một trạng thái xuất thần. Lối vẽ ấy gắn với trực hoạ, không tỉa tót, tỉ mỉ, cầu kỳ, làm dáng, điệu đàng…
Cuộc đời và con đường nghệ thuật của Phạm Lực gần như trùng khít với lịch sử đất nước. Năm lên 3, ông phải chia tay cha, theo mẹ về quê ngoại. Cho nên đề tài chủ đạo trong tranh ông là người phụ nữ, người mẹ, tình mẫu tử, bến thuyền, dòng sông… Tranh của ông tự nhiên, không màu mè, xã giao, xúng xính kỹ thuật, phấn son trang điểm. Tranh của ông là cỏ dại đồng hoang, rơm rạ… chứ không phải cỏ vườn hoa hoặc cây cảnh hòn non bộ sắp đặt gọn gàng.
Trong buổi giới thiệu 60 tác phẩm đặc sắc của họa sĩ Phạm Lực được chọn lọc từ bộ sưu tập 700 bức tranh của TS. Nguyễn Sĩ Dũng mới đây tại 72 Nguyễn Trãi - Hà Nội, nhiều người đặc biệt chú ý đến tranh khoả thân của ông.
Hoạ sĩ Phạm Lực lí giải rằng, ông lận đận về đường tình nên để “lỡ duyên” với những người phụ nữ bên cạnh. Dù những người phụ nữ không mãi mãi ở bên nhưng tình yêu của họ đã hóa thân và tỏa sáng trên tranh ông. Cho đến bây giờ, tình yêu với những người phụ nữ vẫn chưa bao giờ vơi cạn, nó cũng mạnh mẽ như tình yêu với hội hoạ chảy trong huyết quản của ông.
TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ rằng, tranh khoả thân của Phạm Lực vô cùng đẹp, gợi cảm nhưng không gợi dục. Tất cả các bức tranh này đều vẽ về những thiếu nữ đậm nét hồn Việt. Nét vẽ của ông thường đi liền một đường, không có nhấn nhá. Đa phần các bức vẽ không hề có phác hoạ trước mà đặt bút xuống là vẽ. Vì thế, vẻ đẹp của người thiếu nữ trong tranh khoả thân Phạm Lực bao giờ cũng chân thật, sống động và căng tràn sức sống.
“Phạm Lực vẽ về phụ nữ rất nhiều vì ông là một người khá đào hoa, yêu phụ nữ. Nhưng những người phụ nữ trong tranh ông thường mang vẻ đẹp khoẻ khắn, mộc mạc và hiền thảo… chứ không đài các”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ.
TS Nguyễn Sĩ Dũng kể rằng, “cô Lán” là một bức tranh vô cùng quý giá của Phạm Lực. Quý giá không chỉ vì rất đẹp mà còn vì câu chuyện chứa đựng. Đây là câu chuyện về tình yêu, về sự gắn bó, về thân phận của con người trong những biến động của lịch sử.
Cô Lán là bạn gái, người thương của họa sĩ họ Phạm. Trong thời gian làm việc ở Bảo tàng của Quân khu 9 - Cần Thơ, khoảng những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ trước, họa sĩ thường ra uống cà phê ở quán đối diện. Bán cà phê là một thiếu nữ rất xinh đẹp tên Lán. Chàng họa sĩ quân đội (gia đình riêng đang đổ vỡ) và cô gái miền Tây xinh đẹp nhanh chóng phải lòng nhau.
Tuy nhiên, thời gian họ gắn bó với nhau không được dài. Một hôm, cô Lán đòi họa sĩ phải đưa đi chụp ảnh. Sau khi lấy được bức ảnh chụp chung với họa sĩ thì cô gái này biến mất. Họa sĩ Phạm Lực đã đi khắp nơi tìm cô trong nhớ thương khắc khoải nhưng tìm đâu cũng không thấy. Càng tìm, càng vô vọng. Từ đó đến nay đã ba mươi mấy năm trôi qua nhưng nỗi nhớ thương trong lòng người họa sĩ chưa bao giờ nguôi ngoai.
Một số bức tranh khoả thân của Phạm Lực trong triển lãm "Bút Lực":
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn