Thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 29 với 58 HCV, 50 HCB và 60 HCĐ. Điểm nhấn lớn nhất chính là Điền kinh cho 17 HCV, Bơi lội có 10 HCV và đặc biệt là tấm HCV môn bóng đá nữ.
Thể thao Việt Nam đúng đường
Thật ra thì việc đoàn TTVN có giành được hạng 3 chung cuộc hay không, có hoàn thành chỉ tiêu HCV hay không cũng không quan trọng bằng việc chúng ta đang phát triển rất mạnh ở các môn thuộc phong trào Olympic.
Ánh Viên chói sáng với 8 HCV môn bơi lội tại SEA Games 29
Như đã biết, SEA Games là đấu trường không được đánh giá cao về tính công tâm, công bằng của các trọng tài. SEA Games cũng là đấu trường mà các quốc gia chủ nhà luôn tranh thủ mọi lợi thế để gom huy chương.
Chính vì vậy, việc hụt HCV ở các môn võ, vốn thường được chấm điểm dựa nhiều vào cảm tính của giới trọng tài, việc không thể chạy đua HCV với nước chủ nhà ở những ngày cuối cùng của đại hội (những ngày mà Malaysia tranh thủ “chốt sổ”) cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng quan trọng hơn, Việt Nam vẫn đang rất vững vàng ở các môn cơ bản của phong trào Olympic quốc tế, gồm điền kinh, bơi, bắn súng, Thể dục dụng cụ, cử tạ, đấu kiếm.
Trong đó, 2 môn điền kinh và bơi xứng đáng là những môn đáng để người hâm mộ thể thao Việt Nam tự hào. Với 17 HCV, điền kinh Việt Nam đã qua mặt Thái Lan, trở thành quốc gia mạnh nhất trong môn thể thao nữ hoàng tại Đông Nam Á.
Ở môn bơi, Việt Nam giành 10 HCV, đứng thứ 2 khu vực, chỉ sau cường quốc bơi châu Á là Singapore.
Điền kinh cũng có một kỳ SEA Games xuất sắc với 17 HCV
Thành công của 2 môn quan trọng nhất tại các đại hội thể thao mà chúng ta có được khiến cho Thái Lan phải trầm trồ thán phục. Với người Thái, có thể họ vẫn đứng cao hơn Việt Nam trong bảng xếp hạng toàn đoàn về số lượng HCV, nhưng khi Việt Nam hơn Thái Lan ở 2 môn vừa nêu, người Thái phải thừa nhận họ không giá đúng chúng ta ở các môn trọng điểm.
Cộng thêm hàng loạt HCV ở các môn quan trọng như đấu kiếm, thể dục dụng cụ, bắn cung, bắn súng, cử tạ… TTVN cho thấy toàn ngành đang chuyển từ đầu tư dàn trải vốn tốn kém, nhưng hiệu quả thấp, sang đầu tư trọng điểm, lấy trọng tâm là đấu trường Asiad và Olympic.
Bóng đá nam lạc lối
Trong khi đoàn TTVN thành công nói chung thì nội dung được quan tâm hàng đầu bởi người hâm mộ Việt Nam là bóng đá nam lại thất bại thê thảm.
Đội tuyển U22 Việt Nam bắt đầu giải đấu với tư cách ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch, nhưng lại rời giải theo cách bị loại ngay sau vòng bảng.
U22 Việt Nam để lại nỗi thất vọng lớn tại SEA Games 29
Nếu ngành TTVN đang cho thấy việc đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm, thì thất bại của đội bóng đá nam ngược lại, tiếp tục phản ánh định hướng sai lầm của VFF. Từ định hướng sai lầm ấy, bóng đá nam đánh giá sai chất lượng các nhà chuyên môn, trao đội tuyển cho nhầm người, và chọn lối đá không phù hợp.
Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games, VFF cũng không có sự điều chỉnh kịp thời khi phát hiện thiếu sót của đội tuyển U22 Việt Nam, nhất là thiếu sót trong việc đánh giá đối thủ và đi tìm lối chơi phù hợp cho chính mình.
Thất bại của đội bóng đá nam cũng đặt ra yêu cầu cải tổ đối với VFF, bởi đây đã năm thứ 2 liên tiếp, các đội tuyển Việt Nam thất bại ở các mục tiêu chính của mình trong năm (lần trước là tại AFF Cup 2016).
Bóng đá Việt Nam dù có được một số thành tích nhất định của các đội bóng trẻ và đội tuyển nữ, nhưng khi bàn đến chất lượng của một nền bóng đá, cả thế giới không ai đánh giá thông qua các đội trẻ và đội nữ, mà người sẽ nhìn vào bộ mặt của nền bóng đá đấy là đội tuyển quốc gia, cũng như nền tảng của cả làng cầu là giải quốc nội (tức giải V-League của bóng đá Việt Nam).
Ấy thế mà cả bộ mặt và khâu nền tảng của bóng đá Việt Nam đều đang có những vấn đề cần được mổ xẻ nghiêm túc!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn