Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ: “Đọc một cuốn sách hay, còn vài trang thấy tiếc nuối, mong truyện dài thêm. Xem phim thích, chỉ mong kéo dài hơn vài tập vì còn nhiều chuyện vẫn khai thác tốt lại bỏ dở dang (do mắc bệnh biên tập sách và kịch bản phim).
Lâu lắm mới có cảm giác tiếc nuối khi ”Mê cung” chuẩn bị kết thúc. Cũng như “Về nhà đi con”, mình đợi khoảng 60 tập phát sóng mới xem một mạch và lấy đi khá nhiều nước mắt ở những phân cảnh nhân vật trong phim không hề khóc.
Đặc biệt, mình thấy hình ảnh bố ngày xưa, khi nuôi dạy con gái qua những năm tháng khó khăn... Tự nhiên, sau mấy chục năm không viết kịch bản phim, lại nổi hứng lên vì chưa bao giờ ở thời bình lại lắm chuyện vừa đẹp, lại buồn, bi hài, thậm chí khốc liệt hơn thời chiến”.
Không những thế, tác giả Du Phong còn cảm thán làm một bài thơ rất xúc động khi xem bộ phim này. Bài thơ có tựa đề cùng tên với phim “Về nhà đi con”.
“Về nhà đi con!
Đoạn đường mòn nhớ bước chân bé nhỏ,
Cánh cửa nhà mình vẫn đang bỏ ngỏ,
Nếu mệt mỏi quá, thì về...
Nếu ngoài kia toàn thất vọng tràn trề
Và những nỗi buồn lê thê không đếm nổi...
Đừng cố ép nài đưa chân rong ruổi,
Chẳng đâu bằng nhà mình.
Ba không có gì ngoài hai tiếng “gia đình”
Cứ vậy một mình nuôi con khôn lớn,
Hãy để cái ôm già làm dịu đi đau đớn
Con ba chịu khổ đủ rồi...
Ba có gia tài chỉ mỗi con thôi
Đừng để người đời làm con rơi nước mắt.
Lại đây nào, con bé ngốc
Bé thế này, sao họ nỡ đành tâm...
Mình đóng cửa nhà, bỏ thiên hạ ngoài sân.
Chẳng cần thanh danh, chẳng lo điều tiếng,
Chẳng cần bận tâm nào miệng đời, thể diện
Con được bình yên ba mãn nguyện trăm phần.
Con gái của ba, dù ai đó chẳng cần,
Dù cuộc sống bao lần dìm con xuống đáy...
Hãy nhớ rằng có ba nâng con dậy,
Về nhà, đi con!”.
Khán giả Lê Xuân Đức (Hà Nội) còn sáng tác ca khúc vô cùng xúc động và ý nghĩa sau khi xem “Về nhà đi con”. Ca khúc lấy cảm hứng sau tập 70 nhưng nội dung bài hát không chỉ xoay quanh tập phim này mà còn bao quát toàn bộ bộ phim dưới góc nhìn và cảm nhận của một người yêu tha thiết bộ phim cũng như của một ông bố trẻ.
Lời bài hát rằng: “Về nhà đi Dương nếu tình yêu không đúng đường, về nhà đi con, về với ba. Về nhà Thư ơi! dẫu giàu sang hay khó nghèo, ở trong vòng tay ba là bình yên. Về nhà Huệ ơi! quên hết đi sầu đau. Về nhà đi con, về với ba. Nhiều lần nhìn con khóc, ba khóc ở trong lòng, những lúc con đau ba cũng đau. Cuộc đời nhiều sóng gió, có lúc con mỏi mệt, chẳng biết nên dừng lại hay đi tiếp... Thì hãy về với ba, để sống như ngày hôm qua, cười tươi như những đứa trẻ vô tư ở bên ba".
Phần lớn ý kiến đều cho rằng, phải lâu lắm rồi, truyền hình mới có một bộ phim tâm lý – tình cảm mang đến nhiều cảm xúc đến thế. Có cả hỷ, nộ, ái, ố… nhưng ai xem cũng soi thấy bóng mình trong đó.
Đặc biệt, bộ phim đạt điểm tuyệt đối cả về kịch bản, dàn dựng, diễn xuất và lời thoại. Lời thoại phim không những rất đời mà còn khiến người xem thấm thía. Thậm chí, có những câu thoại do nhân vật phát ra khiến người ta không thể kìm được nước mắt.
Trong tập 70, sau khi đến thưa chuyện với ông Luật – bà Ngoan về chuyện hôn nhân của Vũ và Thư, lúc ra về Thư chạy theo ôm ông Sơn trào nước mắt. Lúc đó ông Sơn nói với Thư: “Bố chẳng có tài sản gì ngoài các con. Giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất kỳ khi nào các con cũng có thể trở về. Về nhà đi con”.
Câu nói khiến cho hàng triệu người xem phải rơi lệ bởi tình cha quá đỗi thiêng liêng và cao cả. Con dù dại khờ, vấp váp, sai lầm… thì cha mẹ vẫn luôn rộng cửa đón con về.
Trước đó, khi phát hiện Vũ ngoại tình, trong bữa cơm mừng sinh nhật Thư, ông Sơn chua chát nói: “Ngày xưa các cụ nói con gái quý như rượu mơ, bố chẳng có gì ngoài ba đứa, coi như là ba bình rượu mơ quý. Rượu quý chỉ dành cho những người xứng đáng thôi các con ạ”.
Lúc Huệ biết chuyện Khải “tống tiền” mình, ông Sơn đã nói với con gái: “Nếu như mất một khoản tiền mà con có thể chấm dứt những đau khổ, phiền não, rắc rối. Nếu như mất một khoản tiền mà con có cơ hội tự do, có cơ hội làm lại từ đầu thì dù có là bao nhiêu bố cũng sẻ bỏ ra”.
Trước những sai lầm của Khải, ông Sơn sẵn sàng bỏ qua, thậm chí là giúp anh lấy lại cảm tình từ phía Huệ. Điều này khiến Dương không đồng tình. Ông Sơn dạy con gái bài học về sự vị tha: “Bố tin là đến một lúc nào đó con đủ trưởng thành, con sẽ hiểu thứ đắng cay nhất, thứ khó học nhất chính là lòng vị tha”.
Tương tự, Ánh Dương – cô gái út ít trong gia đình thỉnh thoảng cũng có những câu thoại “chất như nước cất” khiến dân mạng phát cuồng. Câu nói “Thanh xuân như một chén trà/Ăn xong miếng bánh, hết “...” thanh xuân” của cô đã trở thành một “trend” trong thời gian vừa qua.
Một loạt phát ngôn khác của Ánh Dương cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng dù trong phim cô mới chỉ 19 tuổi.
“Tha thứ cho một kẻ không ra gì, không phải là vị tha đâu mà là tột đỉnh của sự ngu dốt” hay “Người tử tế trên đời này nhiều lắm. Thà sống với một người xấu ra gì còn hơn là một người tốt vô tích sự“.
“Không thể sai lầm nào cũng có thể sửa chữa, hối hận nào cũng có thể tha thứ“, Ánh Dương luôn coi những sai lầm của anh rể là không thể chấp nhận.
“Diễn viên người ta cần thực lực, khả năng diễn xuất. Ai thèm bệnh hoang tưởng của chị”, Dương khuyên Thư khi thấy chị ảo tưởng.
Bản thân Anh Thư cũng có những câu thoại khiến người xem hả hê. Hai câu nói của Thư được dân mạng truyền tay nhau nhiều nhất: “Đời đã cho mình vai thì tội gì mà không diễn. Đúng thì làm nai mà sai thì làm cáo”. Trong một lần định dấn thân vào showbiz, khi bị đối thủ thách thức, Thư đã không ngần ngại lên giọng dằn mặt khiến đối thủ phải chịu thua.
“Thân là củ cải mà cứ tưởng mình là nhân sâm. Sống không có tâm thì đừng có giao giảng đạo đức”. Bị kẻ mình ghét làm phiền và giảng đạo lý trong khi Vũ “sở khanh” cũng chẳng tốt đẹp gì, Thư đã có màn đáp trả cực gắt.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn