“Chung một dòng sông”
Bộ phim ra đời năm 1959 do Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam làm đạo diễn. Lúc đó, Phạm Kỳ Nam mới học ở Học viện Điện ảnh Pháp về, là đạo diễn duy nhất của miền Bắc khi ấy được đào tạo bài bản.
Cốt truyện phim xoay quanh mối tình của hai nhân vật Hoài và Vận. Hai người yêu nhau từ thời kháng chiến chống Pháp. Anh Vận là du kích còn chị Hoài thường chở du kích qua sông. Khi hòa bình lập lại, Vận sống ở bờ Bắc còn Hoài lại ở bờ Nam. Theo hiệp định Geneva 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai bờ Nam - Bắc nước ta.
Mối tình của Hoài và Vận bị chia cắt, ngăn cản. Trong khi nhân dân bờ Bắc phấn khởi trong cảnh hòa bình thì ở bờ Nam, bọn địch bắt đầu đàn áp quần chúng. Gia đình Hoài bị truy bức. Với sự giúp đỡ của dân làng, Hoài vượt tuyến sang bờ Bắc gặp người yêu nhưng chị không ở lại mà trở về bờ Nam, cùng mẹ già và dân làng tiếp tục đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Hạnh phúc của Hoài và Vận gắn liền với vận mệnh của dân tộc.
Bộ phim “Chung một dòng sông” đánh dấu sự ra đời và phát triển của nền phim truyện điện ảnh cách mạng Việt Nam. Với vai trò và giá trị đặc biệt của mình, phim đã được trao tặng giải thưởng Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II năm 1973. Đây cũng chính là tác phẩm đưa cố NSND Trịnh Thịnh bước vào con đường nghệ thuật.
“Nổi gió”
“Nổi gió” là một bộ phim Việt Nam năm 1966 của đạo diễn Huy Thành do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói về chiến tranh Việt Nam với bối cảnh miền Nam . Phim đã giành được Bông sen vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên năm 1970.
Bộ phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm kể về gia đình chị Vân - người theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau nhiều năm xa cách, chị Vân gặp lại đứa em trai ruột thịt nhưng niềm vui chưa kịp nở hoa thì mâu thuẫn nảy sinh khi biết Phương là trung úy của quân đội Việt Nam cộng hòa. Chị Vân đã đuổi Phương đi. Từ đây bắt đầu chuỗi bi kịch giữa những người ruột thịt. Chị Vân và đứa con trai bị bắt vào trại tập trung.
Tại đây chị đã tham gia đấu tranh cùng đồng bào, rồi bị bắt vào tù. Con trai bị địch giết, chị Vân như điên dại, khiến bọn chúng tưởng như vậy lấy cớ đó chị Vân càng dễ dàng hoạt động. Sau khi ra tù, bằng những lý lẽ sáng suốt, hành động dũng cảm và tình cảm chân thành, chị Vân đã giác ngộ được em trai và nhiều lính ngụy trở về với cách mạng, với nhân dân bằng hành động phá ấp chiến lược, giết cố vấn Mỹ…
“Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”
“Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” là một bộ phim của đạo diễn Hải Ninh , sản xuất năm 1972 . Đây là một bộ phim tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam . Kịch bản phim được đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ viết trong 5 năm. Đây cũng là kịch bản hai tập đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Sau hiệp định Genève 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự ngăn cách Việt Nam thành hai vùng tập trung. Cuộc sống của người dân hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nặng nề. Hầu hết các gia đình đều có người thân sống dưới hai chế độ khác nhau. Anh Thạch cùng đơn vị chuyển quân ra Bắc, chị Dịu (NSND Trà Giang) - vợ anh ở lại bờ Nam.
Chính quyền phía Nam tăng cường đàn áp, cố dập tắt phong trào đấu tranh đòi triệt để thi hành hiệp định hòa bình của dân chúng. Với bản tính kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, trong quá trình đấu tranh, Dịu dần trở thành hạt nhân. Sau khi bác cả Thuận- Bí thư chi bộ Đảng địa phương hy sinh, Dịu gánh trên vai trọng trách lãnh đạo phong trào. Sức mạnh đoàn kết của đông đảo quần chúng, chủ yếu từ lực lượng nữ, đã được tập hợp và phá tan mọi kế hoạch kềm kẹp của địch; vùng lên tiêu diệt địch bằng đấu tranh vũ trang, kết hợp tài tình với đấu tranh chính trị.
“Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” có dung lượng và quy mô dàn dựng thuộc loại hoành tráng bậc nhất của phim truyện Việt Nam từ trước tới nay. Bộ phim từ lâu đã trở thành biểu tượng oanh liệt về cuộc đấu tranh giành tự do, thống nhất tổ quốc mà nhân Nam đã kiên cường tiến hành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.
“Cánh đồng hoang”
“Cánh đồng hoang” là một phim nhựa làm về đề tài chiến tranh của Việt Nam phát hành năm 1979. Phim được đạo diễn bởi Nguyễn Hồng Sến .
Bối cảnh chính trong phim là cánh đồng hoàng ở vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ được phía cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Tác giả tập trung khai thác nhiều vào cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng như việc trồng lúa, nuôi con, bắt trăn, bắt cá nhưng xen kẽ vào đó còn có những cảnh trực thăng Huey của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích hoạt động. Khi Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn trúng, để trả thù cho chồng, vợ Ba Đô đã đuổi theo bắn cháy chiếc trực thăng.
Bộ phim này đã đạt Giải Bông sen vàng liên hoan phim Việt Nam 1980, giải đặc biệt liên Đoàn báo chí Điện ảnh Quốc tế (1980), Huy chương vàng liên hoan phim Quốc tế Moskva, 1981 và một số giải thưởng khác. Phim giúp khán giả thế giới nhìn thấy điện ảnh Việt Nam có rất nhiều nhân tài trong môn nghệ thuật thứ 7 như: Hồng Sến, Lâm Tới, Thúy An, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng…
“Biệt động Sài Gòn”
“Biệt động Sài Gòn” là bộ phim đầu tiên, duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện những chiến công của đội biệt động Sài Gòn trước 1975.
Phim miêu tả những cảnh chiến đấu ngoài chiến trường với súng vang, mìn nổ, khói lửa và thương vong, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch. Đó là Tư Chung - Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng người đồng đội Ngọc Mai khi họ phải đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có.
Sống giữa bầy lang sói, họ không những phải bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, trực tiếp chỉ huy đồng đội, mà còn phải đối mặt với những tình huống vô cùng nan giải, không chỉ trước nòng súng hay làn đạn, mà là cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm.
Trong khi đó, một nữ chiến sĩ biệt động khác, Huyền Trang, phải cải trang thành người xuất gia tu hành để dễ bề che mắt kẻ thù. Bên cạnh đó, còn có những người đồng đội gan dạ, mưu trí khác như Năm Hòa (bí danh K9), Sáu Tâm, bà má hậu phương, em bé bán báo làm giao liên... mỗi người một vị trí, vai trò khác nhau, cùng hợp quần tạo nên sức mạnh quân dân.
“Biệt động Sài Gòn” còn là một thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam những năm 80 cả về nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất và thu hút khán giả - từng là bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam và luôn được yêu thích suốt hơn 20 năm qua.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn