Cứ cho rằng đội tuyển Indonesia hiện tại bất ổn vì sự yếu kém của HLV Simon McMenemy. Nhưng thật ra thì vị HLV người Scotland chỉ góp phần đẩy đội bóng xứ vạn đảo vào chỗ… khủng hoảng, chứ từ trước đó, cầu thủ nhập tịch không giúp cho đội tuyển Indonesia nâng tầm, ít nhất là không giúp họ mạnh hơn so với chính họ trước đây.
Thành tích cao nhất của Indonesia từ khi họ sử dụng cầu thủ nhập tịch là vào đến chung kết AFF Cup 2016. Nhưng nếu chỉ là để… đứng nhì ở khu vực Đông Nam Á, thì Indonesia đã đứng nhì nhiều lần rồi, mà không cần đến cầu thủ nhập tịch, đó là các kỳ AFF Cup 2000, 2002, 2004 và 2010.
Tức là sau khi sử dụng cầu thủ nhập tịch, Indonesia không mạnh lên so với chính họ, mà còn có dấu hiệu yếu đi trong thời gian gần đây, cùng với sự đi xuống của chính các cầu thủ gốc ngoại mà họ sử dụng.
Cựu danh thủ Trần Công Minh nhận xét: “Dàn cầu thủ nhập tịch của Indonesia quá lớn tuổi, khiến cho họ không đủ thể lực để thay đổi tình hình trên sân, lúc đội bóng rơi vào cảnh bất lợi và phải đá trong thế rượt đuổi”.
Tuổi tác cao, trong khi chất lượng chuyên môn lại không cao là vấn đề của các cầu thủ nhập tịch nói chung ở khu vực Đông Nam Á, chứ không riêng gì ở đội tuyển Indonesia.
Một vấn đề khác, cũng liên quan đến cầu thủ nhập tịch, đó là họ dễ tự mãn sau một vài thành công bước đầu. Trường hợp của tiền vệ nhạc trưởng Stefano Lilipaly của đội tuyển Indonesia là một ví dụ.
Cầu thủ mang trong mình dòng máu Hà Lan chơi khá hay trong giai đoạn đầu, lúc mới đến Indonesia, nhưng sau đó sa sút, để rồi hiện tại chất lượng không hơn cầu thủ thuần nội ở xứ vạn đảo.
Điều đó có thể xuất phát từ yếu tố màu cờ sắc áo khá mờ nhạt của cầu thủ này, ít khi thấy anh cố gắng đến tột cùng ở thời điểm đội nhà rơi vào thế bất lợi.
Không chỉ có Indonesia, đội tuyển Nhật Bản cũng từng trải qua thực tế như thế khi sử dụng cầu thủ nhập tịch.
Hồi cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, bóng đá Nhật Bản có một số trường hợp cầu thủ gốc Brazil khoác áo đội bóng xứ sở mặt trời mọc.
Nhưng dần dần người điều hành bóng đá Nhật nhận ra rằng hướng đi đó không thể giúp cho đội tuyển Nhật Bản phát triển bền vững, trước khi đội tuyển Nhật Bản quay lại với phương án đào tạo cầu thủ tại chỗ và phát triển nhân tài từ bóng đá trẻ.
Indonesia giờ rơi vào sai lầm này. Trước đây, bóng đá xứ vạn đảo có những tiền đạo thuần nội rất hay, như Kurniawan Yulianto, rồi Bambang Pamungkas, và Boaz Salossa.
Giờ những tiền đạo như thế không còn xuất hiện nữa, do đội tuyển Indonesia mấy năm qua chỉ ưu tiên vị trí trung phong cho các ngoại binh nhập tịch (cần phân biệt cầu thủ nhập tịch với cầu thủ kiều bào vốn gần gũi với văn hoá bản địa và dễ hoà nhập với cầu thủ bản địa).
Bóng đá Việt Nam sáng suốt khi không chọn con đường thành công nhất thời, bằng chính sách nhập tịch cho ngoại binh, mà đi lên bằng con đường bền vững, thông qua đào tạo trẻ, để giờ hái quả ngọt với nhiều lứa cầu thủ trẻ tài năng nối tiếp nhau.
Dĩ nhiên, không phải tất cả cầu thủ nhập tịch đều có chất lượng làng nhàng. Nhưng với riêng khu vực bóng đá có trình độ thấp, thường thì cầu thủ có chất lượng cao không chọn cách đến với các nền bóng đá này, trong khi người chấp nhận đến với các đội tuyển có thứ hạng thấp như các đội tuyển ở Đông Nam Á, hay kể cả một số quốc gia châu Á, thường có chất lượng không cao!
Trọng Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn