Và khi Iran gặp Nhật Bản, họ có muốn thắng đậm Nhật cũng không được. Thứ nhất, như chúng tôi đã đề cập trước giờ bóng lăn, Nhật Bản là đội có trình độ rất cao, cao hơn hẳn mọi đối thủ mà Iran từng đụng độ từ đầu giải, nếu không muốn nói là cao nhất châu Á. Đồng thời, Nhật Bản có rất nhiều kinh nghiệm.
Trình độ cao đủ sức giúp Nhật Bản biết phải làm gì để hạn chế sức mạnh tấn công của Iran. Cầu thủ Nhật Bản chơi theo cách đơn giản nhất của mọi đội bóng muốn phá lối chơi của đối phương, đó là áp sát tối đa, chia cắt tối đa đội hình của Iran, khiến các chân sút nổi tiếng của đội bóng Tây Á luôn ức chế, vì… “đói” bóng.
Nhật Bản thừa kinh nghiệm từ chính bản thân họ ở kỳ World Cup gần nhất. Nhật từng chơi hào nhoáng còn hơn cả Iran trong trận đấu thuộc vòng 1/8 World Cup 2018 với Bỉ, dẫn trước đối phương đến 2 bàn ở hiệp 2, nhưng thay vì phải đá chậm lại, giữ bóng chắc để gây ức chế cho đối thủ, đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc cứ ào ào đá nhanh, trước khi thua ngược vì hàng thủ không chịu nổi áp lực của đối phương.
Một đội Nhật thừa kinh nghiệm hiểm rằng thắng bao nhiêu bàn và bao nhiêu trận trước đó cũng vô nghĩa, nếu để đối thủ thấy được nhược điểm của mình, đoán được ý đồ triển khai lối chơi của mình. Đấy cũng là hình ảnh của Iran cho đến trước trận bán kết gặp Nhật.
Thứ nhì, việc đội tuyển Nhật Bản luôn thắng với cách biệt 1 bàn suốt 5 trận đã qua của họ tại giải đơn giản xuất phát từ toan tính của chính người Nhật.
Thắng với cách biệt tối thiểu, nhưng vẫn đủ để đảm bảo đi tiếp vào vòng tiếp theo, thì thử hỏi đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc thắng đậm để làm gì?
Nếu để ý kỹ hơn nữa, thường thì đội tuyển Nhật Bản chỉ đá nhanh, gây áp lực mạnh lên đối thủ khi họ chưa có bàn thắng. Còn sau khi đã có bàn thắng dẫn trước, Nhật không cần phải đá tổng lực, chơi với tốc độ cao nữa. Điều quan trọng là sau khi Nhật có bàn thắng dẫn trước, họ biết cách khiến các đối thủ của họ không có cơ hội để gỡ hoà. Vậy thì đá nhanh thêm nữa để giải quyết vấn đề gì?
Khi Nhật chủ trương thắng vừa đủ, cũng là họ chủ trương dành sức và dành những gì bất ngờ nhất cho đến tận giai đoạn sâu nhất của giải, cho các trận đấu cuối cùng. Chỉ có những đội cực mạnh mới làm được điều đó, chỉ có những đội cực mạnh mới đủ khả năng chơi không hay nhưng vẫn thắng giống Nhật Bản. Tiếc rằng Iran lại không nhận ra điều đó.
Và khi Nhật Bản chơi không hay nhưng vẫn cứ thắng liên tục, còn Iran đá ào ạt thắng đậm hết trận này đến trận khác, Iran mạnh – yếu ra sao, Nhật hầu như nắm rõ, còn Nhật Bản có ưu điểm, nhược điểm chỗ nào, cả làng cầu châu Á, và đội Iran nữa không tường tận hết, bởi trước trận bán kết, chưa trận nào Nhật Bản đá hết sức.
Dĩ nhiên, các đối thủ khác trước vòng bán kết không khai thác được các điểm yếu của Iran vì trình độ của họ không cho phép. Tuy nhiên, với đại diện của nền bóng đá giàu thành tích nhất châu Á là Nhật Bản thì lại khác. Như đã phân tích, Nhật thừa khôn ngoan, đủ trình độ và thừa kinh nghiệm, họ biết làm thế nào để khuất phục Iran!
Trọng Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn