Trong giới văn nghệ sỹ đương đại, công bằng mà nói Nguyễn Trọng Tạo có sức hấp dẫn đặc biệt. Dẫu thành tích cao nhất về mặt Nhà nước (tạm gọi như vậy) là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Xuân thu nhị kỳ, mỗi năm Nhà nước xét một lần, bây giờ danh sách dài lắm. Nói thế, có nghĩa là nhà thơ, nhạc sỹ của chúng ta nằm trong “danh sách dài”. Ấy vậy, nhưng anh khác biệt.
Có thể, anh là tác giả của những bài thơ “luôn mới” như “Tản mạn thời tôi sống”, dẫu viết đã hơn 20 năm... Có thể, anh là tác giả của những ca khúc “nằm lòng” hồn cốt Việt như “Khúc hát sông quê”, thành biểu tượng thương hiệu của nhiều vùng đất như “Làng quan họ quê tôi” hay “Lên Cao Bằng”...Ngoài cái đó ra, theo góc quan sát của tôi đúng như comment của một bạn facebook: “Tài hoa và rất đỗi thân thiện”. Thân thiện với con người, bất kể giai tầng, địa vị, lứa tuổi trở thành một phần của cốt cách Nguyễn Trọng Tạo.
Căn nhà của sàn của anh bên bãi sông Hồng, hay căn hộ trong nội thành luôn là nơi gặp gỡ bạn bè văn chương và anh em tương ngộ. Cũng lạ, với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gọi bạn đến nhà ăn cơm cũng là một hạnh phúc. Lúc đông khách có người làm bếp, thường thì tự anh vào bếp, bày biện mâm cơm. Anh kỹ đến từng chi tiết, thái miếng giò phải đẹp, bày biện phải đẹp. Cứ thế mà hạnh phúc.
Anh nổi tiếng, thừa nhận! Anh có sức hút lớn, công nhận!
Chính vì lẽ đó, đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê”, ban đầu dự định chỉ tổ chức một live show duy nhất. Ấy là lần tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, tháng 9/2017. Để tổ chức đêm nhạc này cũng nhờ tri kỷ gợi ý, động viên, cũng “xúm tay” vào giúp anh, từng phần việc nhỏ bên cạnh Nhà tổ chức “Vàng Son Một Thuở”. Bên cạnh gia đình còn có nhiều bạn hữu và các mỹ nhân xinh đẹp, năng động vào guồng như làm việc cho anh trai mình, vì anh trai mình.
Đêm nhạc ấy, anh nói là duy nhất, chỉ như là lần “trình làng” có lớp lang môt số ca khúc, vừa dân tộc vừa hiện đại, bởi sự nghiệp âm nhạc của anh cũng đã có đến 100 bài hát. bên cạnh sự nghiệp thơ đồ sộ.
Trở lại với đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê” ấy tại Hà Nội một chút. Nội dung gồm hai phần: phần một là các ca khúc âm hưởng dân gian, phần hai là các tác phẩm nhạc nhẹ. Khán giả yêu mến âm nhạc Nguyễn Trọng Tạo được chìm đắm và thăng hoa cùng thi phẩm, nhạc phẩm của ông như: “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”, “Tình ca bên một dòng sông”, “Tình thu”, “Tình đông”, “Tình xuân”, “Tình hạ”, “Con dế buồn”, “Mưa”, “Nghe biển ru đêm”, “Tình ca hoa cúc biển”…
Bên cạnh các nhạc phẩm do ông phổ thơ của các nhà thơ hoặc viết lời mới thì có hai ca khúc là “Một dại khờ một tôi” và “Cỏ và mưa” là những nhạc phẩm được nhạc sĩ Phú Quang và nhạc sĩ Giáng Son phổ từ thơ ông. Một lần nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ, sở dĩ ông thường không tự phổ nhạc thơ mình và phần lớn các bài hát của ông ra đời dựa trên thơ… người khác, là bởi: “thơ mình viết ra là đã có nhạc, đã gửi gắm hết cả cảm xúc của mình trong đó, đọc lại khó có cảm xúc mới; trong khi đó để nhạc sĩ khác đọc thơ mình thì dễ có cảm xúc mới hơn, cũng giống như mình đọc thơ người khác cũng dễ có những rung cảm khác có thể viết thành nhạc”.
Cũng vì điều đặc biệt này, tại đêm nhạc “Khúc hát sông quê” đầu tiên đó của mình như ông khẳng định, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sẽ thể hiện trên nền nhạc một số thi phẩm của ông như “Thiên thần”, “Vô đề”… Trong đó, có những câu thơ chắc chắn đã được bạn đọc thuộc nằm lòng như: “Anh trót để tình yêu tuột mất/ Xin em đừng tha thứ hay giận hờn/Hoa ly vàng cọ chân anh như nhắc/Một chiều buồn sóng trắng biển Quy Nhơn…Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát/Biếc xanh em mãi chớp sáng vòm trời/Điều có thể đã hoá thành không thể/Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi”.
Trong khoảng gần 100 ca khúc, ca khúc “Làng quan họ quê tôi” (phổ thơ Nguyễn Phan Hách) đã từng được hãng JVC Nhật Bản chọn in đĩa karaoke 100 bài hát Việt Nam; được dàn nhạc giao hưởng Leipzig (Đức) trình tấu trong Tuần văn hoá Việt Nam tại Đức. Đây cũng là ca khúc khiến nhiều người lầm tưởng Nguyễn Trọng Tạo quê ở Bắc Ninh, trong khi thực tế phải 10 năm sau khi sáng tác ca khúc này nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha mới đưa anh đến làng quan họ.
Đêm nhạc “Khúc hát sông quê” tại Hà Nội năm 2017 thành công mỹ mãn. Không chỉ cháy vé khi mở cửa, mà khi tấm màn nhung khép lại, MC Lê Anh thông báo chương trình kết thúc, ai cũng muốn nán lại.
Phải nói là 2017 là một năm đầy biến động với nhà thơ- nhạc sĩ tài hoa của xứ Nghệ ở tuổi “thất thập”: Chỉ 3 tháng sau đêm nhạc đầu tiên trong sự nghiệp, vào đúng ngày cuối năm về quê, chuẩn bị mời bạn bè mừng nhà mới ở Diễn Hoa, bất ngờ anh bị đột quỵ vì tai biến. Tình trạng của ông lúc đấy bị nhận định là rất nặng, tiên liệu xấu: chảy máu não, huyết áp rất cao, lúc tỉnh lúc mê, liệt nửa người... Lo lắng không chỉ gia đình, người thân mà lan tỏa trong, ngoài nước.
“Đúng là tôi phục hồi đến bất ngờ, các bác sĩ bảo trường hợp này trong nghìn người mới được 1 hoặc 2 người. Còn ông Chủ tịch tỉnh Nghệ An thì bảo rằng, “Thần Thánh đã bắt của Nghệ An nhạc sĩ An Thuyên mới đó, giờ lại bắt oan nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nên vội sửa sai, trả lại ông cho dân Nghệ”. Cái câu nói cảm động mà vui của người lãnh đạo, khiến tôi biết tình cảm của mọi người dành cho người nghệ sĩ quê hương…” nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo trải lòng. Anh vốn thế, chân tình, trải lòng đến lõi.
Không ai không mừng cho anh. Tác giả của những ca khúc nổi tiếng (Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Tình ca bên một dòng sông...) cùng những bài thơ từng gây chấn động văn đàn như: Đồng dao cho người lớn, Tản mạn thời tôi sống, Tin thì tin không tin thì thôi... đã ngoạn mục trở về từ cõi chết, như ngày nào nhà thơ mặc áo lính này từng đi qua khói lửa chiến tranh...
Liveshow thứ hai “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê” tại Vinh vào tối 10/8 này vì thế - là lời tri ân, chia vui của nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với cuộc đời, quê hương và những tấm tình mà người thân, bạn bè, khán giả, bạn đọc, báo giới cùng các y bác sỹ... đã sát cánh bên ông lúc ngã sự, đã giúp ông có được sức mạnh tinh thần lớn lao để trở lại vui đời, yêu sống dù tuổi cao sức yếu. Cũng là nhằm dịp sinh nhật lần thứ 71 của ông (25/8) - lần sinh nhật đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông khi sự sống lại thêm lần nữa được bắt đầu.
Hôm gặp gỡ báo chí chuẩn bị cho đêm nhạc tại Nghệ An, những văn nghệ sĩ gắn bó với nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo nhiều năm nay như Nguyễn Thụy Kha, Giáng Son… và các ca sĩ thể hiện những ca khúc hay nhất của Tạo như Trọng Tấn, Anh Thơ, Thanh Hoa, Lê Anh Dũng, Phương Anh, Phương Thanh… cũng sẽ cùng anh hành hương vào xứ Nghệ. Chắc chắn một điều, đêm nhạc này sẽ lại là một sự kiện nữa ghi đậm dấu ấn tình yêu của anh dành cho đời. Dường như chính tình yêu ấy giúp Tạo vững tin và vượt qua mọi rào cản của cuộc sống mà vững bước đem những gì đẹp đẽ nhất của mình dâng hiến cho mọi người.
Cũng phải nói thêm nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã vui biết nhường nào khi Đông Đô Show đặt vấn đề với anh tổ chức liveshow thứ 2 “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê” trên đất Nghệ An. Quê hương nơi sinh ra, bồi đắp tâm hồn anh.
Chỉ riêng đề tài Nghệ Tĩnh nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã có nhiều tác phẩm được công chúng ghi nhớ. Chất liệu dân ca xứ Nghệ được anh phát triển ngay rất sớm như “Con dốc nó cao”, “Qua cầu Tùng cốc”, “Màu xanh Hương Sơn”, “Chèo thuyền trên sông Bùng”, “Đồng Lộc thông ru”, “Về thăm quê Mẹ Vũ Quang” và nhiều bài hát khác nữa.
Đêm nhạc này, theo như anh tâm sự, muốn làm nổi lên chất con gái xứ Nghệ - chất “Con gái sông Lam”. “Nếu anh chưa về thành Vinh/em chưa biết em xinh đến thế/Nói năng sao mà dịu nhẹ/thảo hiền con gái quê ta… Sông Lam có quanh co không/Rượu mời mà sao say thế/Đốt lòng nhau câu hát ví/Đi xa ai nỏ muốn về”. Ít ai biết rằng Nguyễn Trọng Tạo là con người rất xứ Nghệ, nội Nghệ An, mẹ gốc Hà Tĩnh. Có lần anh nói vui: “Không biết là bạn bè thân ở Hà Tĩnh nhiều hay Nghệ An nhiều”. Tôi trả lời anh, theo quan sát: “Anh bạn bè nơi mô nỏ nhiều, nói chi Nghệ”!. Mà đúng, thế thật.
Sau khi Nguyễn Trọng Tạo thoát khỏi bàn tay “tử thần”, chuyến đi xa của anh dễ đến một tháng, bắt đầu từ Hà Nội đi Nha Trang, lên Lâm Đồng, về Vũng Tàu rồi TP. Hồ Chí Minh. Bạn bè chỗ nào cũng vây quanh anh. Ấm lòng.
Đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê” chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra. Với sự xuất hiện của “Con gái sông Lam” và nhiều điều mới mẻ chắc chắn sẽ làm khán giả mê đắm với tình yêu xứ Nghệ quê hương nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, thỏa lòng mong đợi của khán giả trên quê hương anh.
Tác giả: Ngô Đức Hành
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn