Nhà thơ Phan Vũ - Nhà thơ không tuổi, rồi cũng trở về nơi cát bụi

Thứ tư - 17/07/2019 18:47
(Dân trí) - "Nhà thơ không tuổi, rồi cũng trở về nơi cát bụi, nhưng những niềm vui của ông cùng những tác phẩm văn chương sẽ mãi còn trong lòng bạn đọc. Cũng như ông đã từng sống rất nhẹ nhõm với chấp nhận mọi điều giản đơn, thì sự ra đi của ông cũng nhẹ nhàng trong cõi mới", nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ về nhà thơ Phan Vũ. >> >>

Khi sinh thời, nhà thơ Phan Vũ và nhà văn Quỳnh Trang thường có nhiều những chia sẻ về văn chương, về đam mê với con chữ. Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang đã dành những dòng chia sẻ đặc biệt về nhà thơ Phan Vũ khi ông vừa ra đi vào sáng nay 17/7/2019.

xin đăng tải bài chia sẻ đặc biệt mà nhà văn Quỳnh Trang đã viết cho nhà văn Phan Vũ khi ông ra đi.

Nhà thơ Phan Vũ - Nhà thơ không tuổi, rồi cũng trở về nơi cát bụi

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang bên Nhà thơ Phan Vũ trong buổi giới thiệu bản in thử đầy đủ trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” năm 2017

Hẳn hôm nay, rất nhiều người bạn, để tưởng nhớ nhà thơ Phan Vũ, đều đọc những câu thơ trong trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” của ông.

Gặp Phan Vũ, sẽ thấy ngay sự lịch lãm trong cách ăn mặc, tinh tế nơi lời nói, nhã nhặn ở cử chỉ, sâu sắc từ suy nghĩ… mà ẩn sâu bên trong là sự hồn nhiên, ánh mắt tinh nghịch như cậu trai mới lớn, và có gì đó còn vương những ngây ngô.

Thật kỳ lạ, những biến động thăng trầm tưởng có thể làm khô héo tâm hồn người mà Phan Vũ lại trải qua, như chưa thể vướng lên tinh thần ông dù hạt bụi. Ngồi bên Phan Vũ trong một sáng tháng Tư tươi vui, tiếng chim ríu rít trong khu vườn xanh lá, cây mai chiếu thủy la đà từng cụm hoa thơm ngát trắng, bức tranh vẽ dang dở với đủ sắc màu hình khối cùng các vần thơ còn đầy mùi sơn dầu, ông vừa nói chuyện, vừa cười, kể những câu chuyện về tình yêu tuổi trẻ.

Nhà thơ Phan Vũ - Nhà thơ không tuổi, rồi cũng trở về nơi cát bụi - Ảnh minh hoạ 2
Nhà thơ Phan Vũ - Nhà thơ không tuổi, rồi cũng trở về nơi cát bụi - Ảnh minh hoạ 3

Bìa bản in thử với chân dung tác giả do nhà thơ Phan Vũ vẽ

Hơn chín mươi tuổi, mà Phan Vũ vẫn còn nặng lòng với những mối tình xưa, dù hình ảnh bao người nữ đi qua thơ ông rất nhạt nhòa, mờ ảnh. Nhà thơ Phan Vũ nói với tôi, mỗi khi gần họ, ông mê mải đến không thể làm thơ. Sự đắm say với một nhan sắc đẹp đến ngây người ngập ngừng thẹn thùng vẫn còn đầy trong trái tim người đàn ông không tuổi.

Thú vui của nhà thơ Phan Vũ trước khi ông bước vào thời gian nằm mệt, là vẽ tranh, ngồi chép tay lại những bài thơ xưa, bổ sung thêm các câu thơ trong trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” theo trí nhớ. Bước đi của nhà thơ khi ngoài chín mươi không còn vững nữa, ông phải vịn người vào chiếc ba toong, nhưng vẫn rất ngần ngại khi có ai muốn tới bên dìu.

Nhà thơ Phan Vũ - Nhà thơ không tuổi, rồi cũng trở về nơi cát bụi - Ảnh minh hoạ 4

Thủ bút của Nhà thơ Phan Vũ

Dường như từ thẳm sâu bên trong, Phan Vũ không chấp nhận về tuổi già và cho rằng mình đã già. Ông bắt đầu dễ quên những thứ trong hiện tại, có khi lên taxi, để luôn máy điện thoại trên ghế, vừa đặt cái tẩu xuống, là chẳng nhớ bỏ đâu… nhưng nói đến quá khứ từ năm chục năm trước, thì nhà thơ Phan Vũ như thể chẳng quên ký ức vui nào...

Giữ được sự trong sáng bền bỉ, thời gian có trôi qua cả gần trăm năm thì cũng chẳng thể làm ánh mắt Phan Vũ bớt long lanh, có lẽ vì bởi ông chẳng bận tâm đến những chuyện buồn. Với ông, một ngày qua thật nhẹ nhàng trong khói thuốc, bên những tấm toan ngổn ngang, với tiếng cười thanh bình của những gương mặt trẻ ngoài hai mươi tuổi đến chơi trò chuyện, làm việc cùng ông, chiều chiều, lại chở ông trên xe máy vòng vòng dạo phố rồi lại ghé quán cà phê nhỏ quen thuộc nơi góc đường gần lối rẽ vào nhà.

Có lẽ cũng là duyên may, khi tôi có nhiều dịp trò chuyện, tán gẫu qua điện thoại, tin nhắn, hay đến thăm ông ngay trước thời gian cơ thể của ông bắt đầu suy kiệt sức lực, cưỡng lại tâm hồn vẫn tươi mới trẻ trung. Mỗi lần nói chuyện, nhà thơ Phan Vũ sẽ bắt đầu về việc khoe bức tranh mới vẽ. Một bức tranh nhà thơ Phan Vũ vẽ không nhanh, vì ông có thói quen đưa từng nét chậm. Màu trong tranh Phan Vũ rất tươi sáng. Ông ưa nhất sử dụng màu xanh, tô đậm nét đỏ với những mảng khối. Căn nhà Phan Vũ ở đầy chật tranh. Tranh xếp dưới đất. Tranh treo dầy trên tường. Tranh để phòng khách. Tranh nơi cầu thang.  

Tháng Ba năm 2017, trong buổi gặp gỡ lại độc giả, tại một quán cà phê đẹp tại Quận 3, giới thiệu bản in thử đầy đủ nhất của trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” với 443 câu, chia thành 24 đoạn, tôi được Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và Nhà thơ Từ Hồng Sơn, với sự vui vẻ hưởng ứng của nhà thơ Phan Vũ, mời làm người dẫn chương trình.

Buổi tối đó đầy ắp người tới dự cùng rất nhiều hoa. Ai cũng muốn trò chuyện với ông bởi nhà thơ đã “ở ẩn” quá lâu. Khuôn mặt nhà thơ Phan Vũ sáng bừng vì hạnh phúc. Khi tiếng nói của người đàn ông gốc Hải Phòng mà giọng đặc Hà Nội cất lên, vẫn còn âm vang đầy năng lượng cùng những câu chuyện rất xúc động về Hà Nội, về những vần thơ được viết vào tháng 12 năm 1972, khi Hà Nội chịu đựng những đợt ném bom tàn khốc của B-52.

“Một tháng chạp

Cây bàng mồ côi, mùa đông

Nóc phố mồ côi, mùa đông

Tháng Chạp năm ấy in hình bao mộ phố

Trích trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” (Phan Vũ).

Tháng 6 năm 2018, Nhà thơ Phan Vũ ra mắt tập thơ mới nhất Ta còn em (NXB Hội Nhà Văn &  Nhã Nam) cùng triển lãm tranh lần thứ chín tại Tp. HCM. Rất đông đảo công chúng, đồng nghiệp, bạn bè đã có mặt và chia vui với Nhà thơ Phan Vũ. Trông ông đã yếu hơn nhiều, sắc mặt kém tươi, dáng vẻ mệt mỏi. Tuổi già khi ấy như thể mới thực sự chạm được đến ông.

3 giờ sáng ngày 17/7/2019, như thông tin từ bà Diễm Chi, vợ nhà thơ Phan Vũ, ông qua đời trong khi vẫn hôn mê. Gia đình đang liên hệ với nhà tang lễ Lê Quý Đôn, Quận 3 và chưa có thông tin chính thức vì còn đang rất bối rối.

Nhà thơ không tuổi, rồi cũng trở về nơi cát bụi, nhưng những niềm vui  của ông cùng những tác phẩm văn chương sẽ mãi còn trong lòng bạn đọc. Cũng như ông đã từng sống rất nhẹ nhõm với chấp nhận mọi điều giản đơn, thì sự ra đi của ông cũng nhẹ nhàng trong cõi mới.

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang

(Băng Châu ghi)

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây