Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đến từ Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học dân gian Việt Nam, giảng viên và đại diện gia đình nhà thơ, nhà văn hóa Cù Huy Cận.
Hội thảo không chỉ nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp lớn lao của Huy Cận cho văn hóa, văn học nước nhà mà còn là dịp để nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu, tiếp nhận Huy Cận và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản mà ông để lại.
Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Huy Cận không chỉ là nhà thơ, nhà văn hóa lớn mà còn là một nhà quản lý có nhiều đóng góp cho Đảng và Nhà nước. Hội thảo được tổ chức với mong muốn sẽ có những phát hiện mới về Huy Cận, đồng thời cũng là dịp để tưởng nhớ, tri ân về những đóng góp to lớn của ông và khơi dậy lòng tự hào của quê hương Hà Tĩnh.
Hội thảo nhận được 41 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, giảng viên với nhiều chủ đề khác nhau về con người, cuộc đời, quá trình hoạt động, về di sản thơ ca, di sản văn hóa mà Huy Cận để lại. Tất cả đều đánh giá, ghi nhận Huy Cận là nhà thơ lớn, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc.
PGS. TS Trần Khánh Thành, Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: Huy Cận là một trong những nhà thơ lớn, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XX, trong đó đóng góp lớn nhất vẫn là văn hóa nghệ thuật. Trong hoạt động văn hóa và sáng tạo thơ ca, tâm hồn Huy Cận luôn luôn hướng về quê hương, đất nước, yêu quý trân trọng văn hóa dân tộc, đưa văn hóa dân tộc đến với bạn bè năm châu.
“Trên dưới 50 lần làm việc, công tác tại nhiều nước trên thế giới, Huy Cận đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu và tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Năm 2001, Huy Cận là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Thơ thế giới. Đây không chỉ là minh chứng cho một tài năng văn chương mà quan trọng hơn là đã được thế giới thừa nhận và tôn vinh”.
PGS.TS Biện Minh Điền - Viện Sư phạm xã hội - Đại học Vinh cũng khẳng định, khối di sản thi ca và văn hóa, tinh thần Huy Cận để lại có giá trị, ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt.
“Huy Cận đã chứng tỏ mình là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới 1932 - 1945 với những tập thơ tiêu biểu như “Lửa Thiêng”, “Vũ trụ ca”. Và ông cũng là người tham gia “hoàn kết” phong trào Thơ mới cũng theo một phong cách mang tính quy luật…”, PGS.TS Biện Minh Điền nhấn mạnh.
Hay PGS.TS Trần Hoài Anh, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh thì ví von: “Thơ Huy Cận là những đỉnh núi nhỏ trùng trùng trong một dãy núi lớn. Có “Ngậm ngùi”, “Tràng giang”, “nhạc sầu” và “Điệu buồn”. Đọc thơ là phải đọc Huy Cận. Làm thơ là phải tránh Huy Cận”.
“Huy Cận không như Xuân Diệu, hăm hở yêu, vội vã yêu, say mê, nồng nàn, sỗ sàng. Ông kín đáo, rụt rè. Tình yêu ở thơ ông diễn ra mơ mộng, trinh trắng hay tiếc nuối âm thầm”, PGS.TS Trần Hoài Anh so sánh Huy Cận với Xuân Diệu trong phong cách viết về tình yêu, thiên nhiên.
TS Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng là một người bạn tâm tình với Huy Cận chia sẻ: Huy Cận là người giản dị, luôn học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông luôn đau đáu nghĩ về quê hương.
“Huy Cận là nhà thơ lớn,một chính khách lớn, một nhân cách lớn”, TS Đặng Duy Báu khái quát về con người Huy Cận
Tổng kết hội thảo, ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho rằng, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiếp cận Huy Cận trên nhiều lĩnh vực, phương diện góc độ khác nhau. Từ đó đã làm nổi bật Huy Cận là một nhà thơ lớn của dân tộc, là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam sau năm 1945, là một nhà văn hóa, một nhà quản lý xuất sắc.
“Với những kết quả đã đạt được, hy vọng hội thảo sẽ mở ra nhiều hướng tiếp cận mới, nhiều góc nhìn nhận, đánh giá mới về sự nghiệp, con người Huy Cận trong thời gian tới”, ông Bùi Xuân Thập nhấn mạnh.
Nhà thơ Huy Cận sinh ngày 31/5/1919 ở xóm Bòng, xã Trại Đầu, tổng Đồng Công, nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Ông không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn, mà còn là nhà hoạt động chính trị, từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy Chính phủ sau cách mạng như: Bộ trưởng Bộ Canh nông; Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ; Bộ trưởng đặc trách Văn hóa - Thông tin...
Trong lĩnh vực nghệ thuật, nhà thơ Huy Cận từng đảm nhận các vị trí như: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhà văn Á - Phi; đồng Chủ tịch Đại hội Văn hóa toàn Thế giới; Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO; Phó Chủ tịch tổ chức hợp tác văn hóa - kỹ thuật của Cộng đồng nói tiếng Pháp (ACCP), thành viên Viện Hàn lâm thơ thế giới.
Xuân Sinh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn