Chiều ngày 28/3, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh phối hợp với Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh đã tổ chức buổi tọa đàm về thân thế và sự nghiệp Nhà nghiên cứu Văn hóa Võ Hồng Huy (1925-2016).
Tham gia buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học cùng đại diện người thân của Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy,
Nhà Nghiên cứu Văn hóa, Văn nghệ dân gian Võ Hồng Huy, quê ở xã Thịnh Lộc (nay thuộc huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Ông nguyên là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng Ban kiểm tra Tỉnh ủy - là Bí thư Chi bộ đầu tiên ở Thịnh Lộc, sau đó trở thành cán bộ chủ chốt cấp tỉnh với gần 20 năm đứng đầu Cơ quan Kiểm tra Đảng của Tỉnh ủy Hà Tĩnh rồi Nghệ Tĩnh.
Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Tiếp thu từ truyền thống của gia đình và tự học ông đã gom nhặt và trang bị cho mình một vốn kiến thức đáng nể trọng.
Năm 1985, ông được nghỉ hưu và bắt đầu dấn thân vào nghiệp nghiên cứu trên lĩnh vực địa phương học, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, dư địa chí; dịch thuật tài liệu cho các dòng họ…
Ông tham gia và là hội viên các Hội chuyên ngành Trung ương như: Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Kiều học VN, Hội viên Hội DSVH VN, Hội viên Hội KHLS VN…
Với vốn kiến thức Nho học, Tây học và tự học, sau hơn 30 năm lao động sáng tạo, Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy đã để lại cho đời 20 đầu sách đã được xuất bản (trong đó có 5 cuốn in riêng) và hàng trăm trang bản thảo đã hoàn thành nhưng chưa xuất bản hoặc đang còn dang dở.
Có thể kể một số công trình nghiên cứu đồ sộ của ông Võ Hồng Huy như Làng cổ Hà Tĩnh; Văn hiến Hà Tĩnh xưa và nay; Nghi Xuân di tích và danh thắng, Can Lộc một vùng đất địa linh nhân kiệt…
Sinh thời, các Nhà nghiên cứu Văn hóa văn nghệ, giới báo chí và bạn bè đồng nghiệp đã phong tặng cho ông các biệt danh “Ông đồ Nghệ” “Kẻ sĩ Ngàn Hống”, “Nhà địa phương học”,“Người leo núi dẻo dai”… đầy sự trân trọng và mến phục.
Ông cũng được tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Văn học nghệ thuật và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Buổi tọa đàm là thể hiện sự ghi nhận, tri ân công lao đóng góp của ông trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Tại buổi tọa đàm đã nhận được 13 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong và ngoài tỉnh.
Ông Bùi Đức Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh thì đánh giá, Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy là người thực học, say mê nghiên cứu và nặng lòng với quê hương đất nước, là một người lặng lẽ mà sâu sắc, trọng nhân cách. Những tác phẩm của ông để lại rất có giá trị cho các thế hệ sau về truyền thống lịch sử văn hóa, về con người Hà Tĩnh
Hay Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Tâm Tĩnh (Nghệ An) thì nhận xét cách tiếp cận đề tài của Võ Hồng Huy luôn luôn bám sát thực tế, khảo sát nghiên cứu tư liệu gốc đặc biệt là tư liệu di sản Hán Nôm quý hiếm về xứ Nghệ.
“Nếu không có các công trình nghiên cứu uyên thâm như Võ Hồng Huy hay các tác giả khác như Thái Kim Đỉnh, Hồ Hữu Phước…thì vốn di sản Hán Nôm quý hiếm về xứ Nghệ và Hà Tĩnh sẽ bị lãng quên và kho tàng văn hóa, lịch sử địa phương đồ sộ đó sẽ dần chết, sẽ bị chôn vùi vào quá khứ”, Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Tâm Tĩnh nhấn mạnh.
Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo địa phương cần quan tâm hơn nữa tới các công trình nghiên cứu cũng như các tác giả. Như cần có gian hàng trưng bày các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa để người dân có thêm tư liệu tham khảo, cũng như tôn vinh, vinh danh các tác giả, tác phẩm của các nhà nghiên cứu địa phương đã làm rạng danh cho địa phương Hà Tĩnh, cho xứ Nghệ như Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh…
Cũng tại buổi tọa đàm này đã giới thiệu tác phẩm “Non nước Hồng Lam, tập 1” của nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy.
Tác giả: Xuân Sinh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn