“Gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị trường”
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 đã diễn ra hội thảo “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế”. Đây là diễn đàn dành cho các nhà hoạt động và nghiên cứu điện ảnh đưa ra ý kiến trong việc đưa phim Việt ra với thế giới ở thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong bài tham luận của mình, khi đề cập đến việc đưa các yếu tố mới lạ trong phim Việt đương thời, đạo diễn - tác giả Tô Hoàng nhấn mạnh rằng, gần 10 năm trở lại đây, điện ảnh Việt ghi nhận những nỗ lực của thế hệ làm phim mới hướng tới việc đưa những gì mới lạ, độc đáo, thuần chất Việt Nam lên màn ảnh.
Những gương mặt xinh xắn, trẻ trung, hồn nhiên... của những cô gái Việt Nam đương thời được khắc họa khá thành công trong những bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh. Các nhà quay phim K’Linh, Lý Thái Dũng, Nguyễn Nam đã miêu tả sông suối, đồi núi, làng mạc, đô thị... với góc máy và khuôn hình đậm chất thơ.
Đặc biệt, đáng kể tới là nỗ lực sáng tạo đầy tâm huyết của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân trong một loạt phim như: Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Song Lang, Cô Ba Sài Gòn... giúp người xem nhớ lại những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.
“Dẫu vậy, cái mới, cái lạ của quê hương đất nước Việt Nam trong phim của các bạn vẫn dừng ở mức các mặt hàng để tìm khách hàng mới. Cha đẻ của những bộ phim Việt này vẫn còn là những người đi buôn nghèo vốn, gắng gỏi vét những đồng tiền ít ỏi trong hầu bao hạn hẹp để gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị trường phim ảnh thế giới”, đạo diễn Tô Hoàng bày tỏ.
Tương tự, nhà báo Cát Vũ cũng nhận định rằng, gần 10 năm trở lại đây, nhân lực điện ảnh đã dần chuyển giao thế hệ. Những nhà làm phim Việt kiều, nhờ được học hành từ các nền điện ảnh tiên tiến mà bước đầu đã có những bộ gây ấn tượng, nhiều yếu tố mới mẻ, nắm được gu thưởng thức của giới trẻ ngày nay. Nhưng họ nhanh chóng bị cạn kiệt đề tài bởi thiếu vốn sống gắn liền với hơi thở của đất mẹ.
Trong khi đó, đội ngũ được đào tạo trong nước lại yếu tay nghề vì thiếu nhiều thứ. Một vài người lóe lên “đột biến” rồi cũng tắt lịm vì không còn sức sáng tạo hoặc những sáng tạo của họ không hợp với điều kiện sản xuất của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo nhà báo Cát Vũ, hầu hết các nhà làm phim tư nhân đều nhắm đến lợi nhuận, ít vốn nhiều lời. Họ quan sát thị trường, thấy loại đề tài nào hút khách là bắt tay vào sản xuất, theo kiểu “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”. Kiểu làm phim “ăn theo” này thường không mấy khi thành công bởi cái gì ăn no cũng chóng chán, nhất lại là những sản phẩm nghệ thuật bắt chước.
“Người làm phim không chỉ cần được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn như yêu cầu của một nền điện ảnh thời hội nhập mà những “tư duy mới” cần đi cùng văn hóa dân tộc mình, trong cách nghĩ, cách làm”, nhà báo Cát Vũ bày tỏ.
Xây dựng “thương hiệu” gắn với bản sắc dân tộc
Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, Phó Ban Lý luận - Phê bình Hội Điện ảnh Việt Nam kể rằng, năm ngoái, khi tham dự LHP Bách Hoa và Kim Kê tại Trung Quốc, ông được xem nhiều phim của Nhật Bản, Nga, New Zealand, Mexico, Đức, Trung Quốc… Tất cả các phim này đều phản ánh những biến động trong xã hội đương đại của đất nước mình. Trong khi đó, đại diện của điện ảnh Việt Nam lại là một phim giải trí và bộ phim đó không có ai nhắc đến.
“Tại sao chúng ta chỉ thích làm phim giải trí và thương mại? Ngay tại LHP Việt Nam lần thứ 20, sau khi xem một loạt các phim tham dự, một người nước ngoài nghiên cứu điện ảnh Việt Nam đã phải thốt lên: “Tôi chưa từng thấy một quốc gia nào tổ chức LHP tầm quốc gia mà chỉ có toàn phim giải trí. Điều kỳ lạ này chỉ có ở Việt Nam”, nhà nghiên cứu Đoàn Tuấn nói.
Theo ông Đoàn Minh Tuấn, muốn hội nhập quốc tế một cách nghiêm túc, để công chúng quốc tế tôn trọng người Việt Nam và văn hóa Việt Nam, chỉ một con đường duy nhất là làm phim về vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam. Trong thời đại toàn cầu hóa, xu hướng chung là xóa nhà ranh giới, xóa nhòa bản sắc. Vì vậy, bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng cần thiết để khẳng định mình và đóng góp vào bức tranh sinh động và giàu có về văn hóa của các dân tộc.
Nhà báo Cát Vũ cho rằng: “Để làm được điều này, người làm điện ảnh trước hết phải được dạy dỗ làm người tử tế, có đầy đủ kiến thức về nhiều mặt trong cuộc sống, thấm đẫm tâm hồn Việt, yêu thương dân tộc mình từ khi còn thơ bé, suốt những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường… Đó chính là một nền tảng chắc chắn để người làm điện ảnh cất cánh cùng nghề nghiệp, đưa điện ảnh nước nhà hội nhập với thế giới mà không bị hòa tan”.
Nhà nghiên cứu Trần Thị Minh Thu bày tỏ rằng, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, điện ảnh Việt Nam cần phải xây dựng cho mình một “thương hiệu” riêng và thương hiệu ấy trước hết phải gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc.
“Sở dĩ nói như vậy, bởi lẽ điện ảnh là một trong các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam gia tăng sức mạnh trong xây dựng một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo từ chính tiềm năng vốn có”, bà Minh Thu nhấn mạnh.
Điện ảnh Việt Nam hiện thiếu hụt trầm trọng những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc.
“Một tác phẩm điện ảnh chỉ có sức sống lâu bền khi chứa đựng trong nó giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc. Một nền điện ảnh dân tộc chỉ có chỗ đứng trong nền điện ảnh thế giới khi nó không chỉ chứa đựng tính quốc tế mà còn phải chứa đựng những giá trị cốt lõi thuộc về bản sắc văn hóa để làm nên thương hiệu điện ảnh của quốc gia dân tộc”, bà Minh Thu nhấn mạnh.
Theo đó, để thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh mang “thương hiệu Việt” không thể không chú trọng đến vai trò của nhà quản lý, sự hoàn thiện, bứt phá của cơ chế, chính sách và nhận thức của những người làm điện ảnh.
Hà Tùng Long
Ảnh: Minh Khánh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn