Thưa bà Daria Mishukova, tại sao một người Nga sinh tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga tại sao lại có niềm yêu thích tìm hiểu về văn hóa Việt?
Ngay khi được tiếp xúc với văn hoá Á Đông, đặc biệt là văn hoá Việt Nam, đã dẫn tôi tới quyết định theo học Khoa Việt Nam học (Viện Đông phương học, Đại học Tổng hợp Quốc gia Viễn Đông (Nga), tôi nghĩ mình thực sự “có duyên” với văn hoá, đất nước và con người Việt Nam.
Được biết, bà tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm 2001, và từ đó tới nay, bà sang Việt Nam rất nhiều lần, sống ở Việt Nam nhiều hơn ở Nga, trở thành nhà Việt Nam học chuyên nghiên cứu về văn hóa và con người Việt Nam?
Ở Nga phân biệt bằng tốt nghiệp có hai loại: loại thường và loại xuất sắc, được gọi là bằng tốt nghiệp đỏ. Sau khi tốt nghiệp, tôi giảng dạy ở trường, đảm nhiệm vị trí Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn các nước Đông Nam Á (đầu năm 2005) và đồng thời hoàn thành nghiên cứu sinh.
Năm 2007 đã trở thành cột mốc quan trọng với tôi, cuốn “Đất nước con rồng cháu tiên” của tôi được ấn bản lần đầu bằng tiếng Nga và sau đó đã tái bản năm 2010. Đến năm 2013 thì cuốn sách của tôi được NXB Sự thật ấn bản bằng tiếng Việt và tái bản lần 2 vào năm nay - 2018.
Đối với người nước ngoài, điều khiến họ liên tưởng đến Việt Nam là gì, thưa bà?
Tuỳ theo quốc tịch, tuổi tác, nghề nghiệp và trải nghiệm cuộc sống, mỗi người sẽ hình dung về Việt Nam khác nhau, tuy nhiên, đối với những người đã sinh ra và lớn lên trong nửa cuối thế kỷ XX thì góc nhìn về Việt Nam của họ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hình ảnh chiến tranh.
Nhưng bắt đầu từ năm 2010, với sự tăng trưởng bùng nổ của ngành du lịch Việt Nam, đối với nhiều du khách quốc tế, hình ảnh Việt Nam đã bắt đầu gắn với kỳ nghỉ dưỡng ở biển với trời nắng, cát trắng, khám phá thiên đường nhiệt đới…
Có thời dấy lên cuộc tranh luận về việc bông hoa lúa liệu có thể trở thành biểu tượng cho Việt Nam? Hay biểu tượng đó nên là cây tre? Theo bà, liệu có thể lựa chọn những “đại sứ thương hiệu” giản dị nhưng hiệu quả thiết thực hơn như hạt gạo, hạt tiêu, hạt cà phê… làm biểu tượng để quảng bá văn hoá Việt?
Một đất nước có thể có nhiều biểu tượng. Cũng như biểu tượng hữu cơ, tuy không chính thức nhưng lại được nhiều người gắn liền với những đất nước cụ thể. Trong phạm trù này, nhiều sản phẩm, thương hiệu, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhân vật, món ăn tiêu biểu… đều có thể quảng bá văn hoá quốc gia. Chẳng hạn như cá hồi Nauy, cánh đồng lavender hay phô mai và rượu vang của Pháp, bánh pizza của Ý…
Tôi cũng có chút ngạc nhiên tại sao 3 sản phẩm gạo, cà phê và hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu nằm trong top đầu của thế giới trong thời gian đã hơn 30 năm rồi mà chưa thể trở thành đối tượng để xây dựng thương hiệu Việt Nam.
Bà đã đi nhiều nơi, từ thành thị cho đến các vùng nông thôn Việt Nam, gặp gỡ nhiều người bản địa để trải nghiệm về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Theo bà, lối sống ở thành thị và nông thôn Việt Nam có khác biệt nhiều?
Trong đời sống thành phố thì yếu tố kỹ thuật công nghệ luôn được nổi lên nhưng người thành thị gặp phải vấn đề về ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Còn ở các vùng nông thôn Việt Nam vẫn có thể được thưởng thức không khí sạch, có ion âm từ rừng và biển.
Theo tôi, sự phân biệt chính trong lối sống không nằm trong yếu tố địa lý và đô thị (Bắc/Nam; thành thị/nông thôn) mà chủ yếu mang tính chất xã hội: người giàu sẽ ở nhà rộng hơn người nghèo; người có trình độ văn hoá sẽ có lối sống an lành, tử tế như nhau bất kể vùng miền nào.
Theo bà, đâu là điểm chung trong văn hoá ứng xử của người Việt ở cả thành thị lẫn người nông thôn?
Tôi thấy có điểm đặc biệt là trong các sự kiện mà các công ty tổ chức trọng thể, sau các phiên họp hoặc thời gian làm việc, người Việt Nam thích hát, lãnh đạo công ty, nhân viên các cấp đều có thể lên hát. Có nhiều lãnh đạo là người giỏi về âm nhạc, ngoài việc sáng tác một số ca khúc, ôm đàn và hát, họ còn có thể tham gia làm MC, dẫn chương trình, giao lưu với khách mời và nhân viên…
Khi giao lưu như vậy, ranh giới giữa các cấp bậc trong công việc đã tạm thời “xoá nhoà”, cho phép những người tham gia giao lưu được thay đổi góc nhìn, biết thêm về yếu tố con người đằng sau những chức danh, mang lại sự gần gũi đáng kể. Tôi nghĩ điều này chắc chắn giúp cải thiện tốt hơn quan hệ trong công việc của họ.
Đối với giới kinh doanh ở Nga, Tây Âu, Mỹ… điều này vô cùng hiếm. Lãnh đạo luôn giữ sự xa cách, kể cả trong các sự kiện tập thể của công ty; trong văn hoá kinh doanh người ta ít có cơ hội và điều kiện để giao lưu và thể hiện sự hiểu biết nhau.
Thưa bà, bà quan sát thấy cách người Việt kỷ niệm những ngày lễ lớn, chẳng hạn như ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội 10/10 có điểm nào giống và khác với cư dân các nước khác trên thế giới?
Thực sự tôi cực kỳ bất ngờ thấy cách mà người Việt tổ chức các buổi lễ, rất trọng đại và vô cùng đặc biệt. Tôi đặc biệt ấn tượng với quy mô tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga (1917-2017) diễn ra hồi năm ngoái. Và theo tôi được biết thì năm nay từ ngày 10 đến ngày 12/10 tại Hà Nội và TP HCM cũng có nhiều chương trình đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga.
Có rất nhiều hoạt động văn hoá diễn ra ngoài phố, thu hút cộng đồng tham dự và tìm hiểu thêm về các sự kiện lịch sử hoặc văn hoá; rất nhiều những chương trình nghệ thuật chất lượng với nhiều ngôi sao xuất hiện trong các sân khấu, nhà hát, trên các kênh truyền hình. Cho dù có thể có một số người đặt vấn đề về chuyện có lãng phí tiền bạc hay không, nhưng cá nhân tôi cho rằng quan trọng nhất là tâm thế đặc biệt của người Việt thể hiện trong những ngày lễ, nó rất thú vị.
Với tôi, những năm tháng sống ở Việt Nam lại mang lại nhiều trải nghiệm, làm được điều mình thích, mở rộng mối quan hệ với giới kinh doanh, giới trí thức Việt Nam và quốc tế. Những năm tháng ở Việt Nam đã trở thành kinh nghiệm toàn cầu quý giá của tôi và mang lại thật nhiều kỷ niệm tốt đẹp.
Đại sứ văn hoá Việt
Năm 2012, Bộ VHTT&DL Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch cho nhà đông phương học Daria Mishukova. Trong 20 năm nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, Daria đã viết hàng trăm bài, xuất hiện trong hơn 180 bài phỏng vấn và bài viết chân dung chia sẻ nét đẹp văn hóa của Việt Nam, trở thành “sứ giả” giới thiệu đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế bằng hai thứ tiếng: Nga và Anh.
Tác giả: Hoà Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn