Người biến thời trang thành câu chuyện cổ tích kể không bao giờ hết…

Chủ nhật - 14/10/2018 10:03
Bước tới kỷ nguyên 4.0, nhu cầu làm đẹp của phái nữ không chỉ giới hạn ở những bộ cánh sang trọng và đắt tiền mà còn phải hài hoà với hình thể để toát lên thần thái xinh đẹp nhất.

Có hai người phụ nữ đã dành cả tuổi thanh xuân chỉ để “phụng sự” nhu cầu làm đẹp của chị em bằng những bộ trang phục chứa đầy sự tinh tế và sang trọng đó là Ly Eva và Hà Minh Phúc.

Người biến thời trang thành câu chuyện cổ tích kể không bao giờ hết…
Hai nhà thiết kế song sinh Ly Eva và Hà Minh Phúc, chủ thươn hiệu thời trang May’s House.

Hai nhà thiết kế song sinh hiếm hoi của làng thời trang Việt này luôn chứa đầy năng lượng và ý tưởng để biến thời trang thành câu chuyện cổ tích kể không bao giờ hết chuyện…

Trong cái “ chợ” thời trang ứng dụng này có rất nhiều tên tuổi. Những nhà thiết kế được đào tạo bài bản, những người được thừa hưởng nền móng từ gia đình. Họ thành công, tất nhiên là như thế.

Còn hai cô gái, ngoài cảm nhận trời cho về vẻ đẹp, sự hoàn mỹ như là một thứ đãi ngộ riêng đền bù cho những thiếu hụt, hai cô bước vào làng thời trang bằng số 0 tròn trĩnh.

Nhiều năm qua, tôi may mắn khi được đứng bên cạnh để quan sát và dõi theo con đường chinh phục thời trang của hai nhà thiết kế trẻ này. Tôi đã thấy những gì họ làm và gần như bị thôi miên bởi những ý tưởng toát ra từ nội lực của họ.

Sự sáng tạo không ngừng nghỉ bắt nguồn từ niềm đam mê bất tật và nguồn năng lượng tuổi trẻ đã truyền cảm hứng cho tất thảy cộng sự, đối tác, khách hàng… thông qua từng mẫu thiết kế.

Cái cách tự bung toả những nét duyên của bản thân để làm mẫu cho thiết kế của mình cũng không phải là điều mà nhiều người làm được. Tôi thường đùa rằng, đó là sự tự tin quá đáng. Nhưng thật sự nó quá đẹp.

Người biến thời trang thành câu chuyện cổ tích kể không bao giờ hết… - Ảnh minh hoạ 2
Việc mặc mẫu trang phục của mình thiết kế, khi đã là những người phụ nữ trưởng thành đã cho cả thế giới cảm nhận rõ rệt hơn về sự am tường của họ đối với nhu cầu làm đẹp của giới nữ nói chung qua từng kỳ. Tất nhiên, đó chính là tình yêu họ dành cho thời trang và một nửa thế giới.

Từ đâu mà Ly và Phúc đến với thời trang?

Nhà thiết kế Hà Minh Phúc:

Có thể nói, nghề chọn người chị ạ. Vải vóc, thước may, bàn cắt đã chọn mình. 16 tuổi , khi mới học lớp 11 mình đã có cơ duyên đến với thời trang. Lúc đó thời trang với mình chỉ là ham thích mặc những bộ quần áo đẹp và mong muốn được bán những bộ quần áo đẹp. 16 tuổi, ước mơ chỉ gói tròn như vậy. Cũng là cơ duyên khi lần đầu tiên được anh họ dẫn sang Quảng Châu, Trung Quốc. Chao ôi là choáng ngợp ở cái lần đầu tiên này. Chưa bao giờ được nhìn thấy nhiều quần áo lụa là đến như thế. Sờ mó, mân mê, ngắm nghía…

Mình vẫn nhớ như in cái cảm giác nghẹn ngào khi nhìn thấy những mẫu quá đẹp với mình lúc đó. Có thể nói không ngoa rằng, con đường đến với thời trang của mình lại bắt đầu từ các khu chợ Quảng Châu. Sau này, khi đã trưởng thành, Quảng Châu không còn là “kinh đô thời trang” với mình nữa, nhưng mình vẫn thường quay lại đó để tìm kiếm cảm giác của cô bé 16 tuổi- choáng váng và bị mê hoặc bởi lụa là váy áo mới rời xưởng.

Nhà thiết kế Ly Eva:

Mình và Phúc như là số phận đặt tay chúng mình vào nhau. Thậm chí dường như ở một giai đoạn nào đó, số phận chúng mình trùng khít lên nhau. Bọn mình cùng sinh ra ở một làng ven Hồ Tây, Hà Nội. Mẹ mình và mẹ Phúc cùng đến trạm xá để sinh chúng mình một ngày. Hai bà đôi khi gặp nhau vẫn kể về cái ngày nằm chung phòng chờ đẻ. Chúng mình lớn lên cùng nhau. Học cùng nhau. Chia sẻ với nhau những thì thầm giới tính lúc dậy thì.

Chia sẻ với nhau cả những rung động đầu đời và những mối tình thoáng qua cho đến khi hai đứa lấy chồng thì cuộc đời mới tạm rẽ sang hai ngả một thời gian ngắn, rồi như duyên nợ, bọn mình lại tiếp tục tụ lại với nhau trong công việc này. Lắm lúc mình nghĩ, sao trời không sinh ra chúng mình là một nam một nữ đi cho vẹn tròn một cặp.

Người biến thời trang thành câu chuyện cổ tích kể không bao giờ hết… - Ảnh minh hoạ 3

Có thể vì sự gắn bó mang màu sắc số phận như vậy nên mình và Phúc rất hiểu nhau. Tiến cùng tiến. Lui cùng lui. Cùng nhau mở tiệm thời trang đầu tiên ở 44 Hàng Cót, một tiệm thời trang nhỏ xíu khi hai đứa vừa học hết trung học. Hai đứa đến giờ vẫn cảm ơn người anh đã chịu bỏ tiền ra cho hai đứa kinh doanh khi chỉ có mỗi sự say mê thời trang để thuyết phục anh ấy.

May House ra đời khi thị trường thời trang ứng dụng đã ngập tràn các “ ông lớn”. Từ các nhãn thời trang thế giới với tiềm lực khổng lồ đến các nhãn nội địa không kém phần mạnh mẽ. Các chị chọn con đường nào cho mình?

Nhà thiết kế Ly Eva:

Sau thời thanh xuân sôi nổi chúng mình tạm chia tay nhau để xây dựng gia đình riêng. Sinh đẻ, làm vợ, làm mẹ, làm dâu… ngần ấy công việc đã lấy mất của chúng mình một thời gian không ngắn. Mỗi đứa chúng mình đều có 2-3 con đấy (cười). Những bà mẹ nhiều con. Nhưng sâu thẳm trong trái tim mỗi đứa đều còn đam mê ngày nào.

Niềm đam mê đó chưa hề bị cơm áo gạo tiền và những việc có tên không tên gọi là cuộc sống gia đình bóp nghẹt. Chúng mình đã mắc kẹt trong niềm say mê từ thời con gái mất rồi. Thỉnh thoảng gặp nhau, chúng mình vẫn nói về nó. Đến một ngày, cả hai đứa đều khẳng định, phải quay lại thôi, với giá nào cũng được. Vì đó là mơ ước của chúng mình cơ mà.

Thế là, hai chúng mình trở lại chinh phục ước mơ thời tuổi trẻ. Vẫn bằng số 0. Không bằng cấp đào tạo, không tiền, không cả người ủng hộ. Chỉ có duy nhất linh cảm trời cho về vẻ đẹp hoàn mỹ.

Chúng mình gọi đó là đam mê. Chúng mình cũng gọi đó là duyên trời định!

Người biến thời trang thành câu chuyện cổ tích kể không bao giờ hết… - Ảnh minh hoạ 4

Nhà thiết kế Hà Minh Phúc:

Hoàn toàn việc thiết kế và kinh doanh lúc ban đầu hai đứa mình làm trong sự mày mò, dẫn dắt bởi linh cảm đúng- sai, tốt- xấu. Bọn mình mở nhà may đầu tiên tại 22A Hạ Hồi, một nhà may bé xíu, trong cái ngõ đầy màu sắc mùi vị Hà nội cũ. Mẫu đầu tiên là những nét vẽ nguệch ngoạc nhưng rất chi tiết được giao cho người cắt dập. Không hình khối, không tỷ lệ, không 3D, 4D hay bất cứ lý thuyết thời trang nào áp dụng vào mẫu đó, chỉ là thấy như thế là đẹp mà thôi.

Treo những mẫu cảm hứng đó lên cửa hàng, cảm nhận sự bình yên len đến. Mình biết, con đường phía trước phải đi làm sao rồi. Mình rủ Ly đi học thiết kế thời trang. Người thầy đầu tiên của mình là họa sỹ Nguyễn Trí Dũng. Ngày ấy, bây giờ và sau này nữa… mình lúc nào cũng muốn nói với người thầy của mình rằng: Cảm ơn thầy. Thầy đã đưa đến cho em kiến thức. Thầy đã biến những linh cảm của em trở thành quan điểm về vẻ đẹp có căn cứ lý luận.

Sau này chúng mình còn học nhiều khóa học nữa. Thiếu đâu bổ khuyết đấy. Càng học càng thấy mình thiếu hụt và lại học tiếp. Có những thời kỳ, cả mình và Ly mỗi ngày làm việc đến mười mấy tiếng. Sáng sớm tinh mơ đã quần quật ở các chợ vải. Trưa làm việc với thiết kế. Chiều đến các cửa hàng. Tối lại đi học. Chuỗi cửa hàng ra đời, lắm lúc bọn mình thấy đuối sức. Dù là triệu đô la đầu tiên do chúng mình kiếm được thời kỳ này cũng không làm cho mình thấy khỏe mạnh hơn.

Rồi Ly và Phúc sẽ làm sao khi May House đã “ lớn nhanh “ đến khả năng mất kiểm soát?

Nhà thiết kế Hà Minh Phúc:

Mình nhận ra chúng mình bắt đầu đuối sức là khi May House phát triển đến showroom thứ 5. Lúc này hai đứa quay cuồng trong công việc. Không còn thời gian nào dành cho những đứa con, cho chính bản thân mình. Cả hai đều stress nặng.

Ngày thì làm quần quật nhưng đêm thì thức chong chong. Có những đêm hai đứa nhắn tin qua lại cho nhau đến cả trăm cái tin bàn về công việc ngày mai. Đến khi tay rã rời thì ngoài cửa sổ trời cũng nhàn nhạt sáng. Mình lờ mờ nhận ra, chúng mình không thể sống mãi như thế này được, dù đó là niềm đam mê thì sức khỏe cũng không bao giờ là vô tận. Chúng mình bắt đầu giai đoạn 2 của phát triển May House.

Những người tạm gọi là “ có số má” được bọn mình mời về. Nhớ lại những ngày tháng đi “ săn đầu người” đấy thật ấn tượng. Mình vẫn tự hào là mình “ cướp” được vô khối nhân sự cấp cao từ các tập đoàn lớn. Tại sao lại làm được như vậy? Là bí mật, mình không chia sẻ đâu ( cười). Nhưng tựu chung lại vẫn là mang chính niềm đam mê được chuyển thành năng lượng lan tỏa xung quanh để thuyết phục họ thôi mà. Ai cũng nhận thấy, nếu mỗi ngày được làm việc với cảm hứng tích cực, nhiệt huyết tràn trề thì hạnh phúc biết bao, và họ đã tin mình về với mình như thế.

Có nhân sự tốt, có điểm tựa, có niềm tin. Bọn mình thường đùa với nhau, chúng mình là những mẹ bỉm sữa mang sứ mệnh truyền cảm hứng.

Người biến thời trang thành câu chuyện cổ tích kể không bao giờ hết… - Ảnh minh hoạ 5

Nhà thiết kế Ly Eva:

Lúc này bọn mình phân định rõ, Phúc sẽ phụ trách mảng ý tưởng, thiết kế còn mình phụ trách kinh doanh. Tất cả các công cụ quản lý bằng công nghệ đều được mình áp dụng mặc dù ban đầu chính mình còn chẳng hiểu dùng công nghệ quản trị thế nào và được gì mất gì? Lại học cùng nhân viên thôi. Trời cho bọn mình linh cảm về cái đẹp, việc của chúng mình là đừng ù lỳ bảo thủ, thế là hoàn hảo thôi mà.

Kết thúc buổi trò chuyện với hai người phụ nữ này, tôi nhận ra điều rất giản dị: Cuộc đời người phụ nữ giống như một kho tàng bí mật mà không phải cứ hô “vừng ơi” là có thể mở ra. Người ta chẳng thể hô hào bình quyền cho phụ nữ nếu họ chưa tự giải phóng mình khỏi những nếp nghĩ, nếp lo, khỏi những cái toan tính rất vặt vãnh cứ bám chặt lấy cuộc đời. Chỉ có thể bằng nỗ lực, nỗ lực không ngừng nghỉ của chính bản thân những người phụ nữ ấy mà thôi.

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây