“Tinh hoa Bắc Bộ” được xem là vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam đã chắt lọc trình diễn những nét tinh túy nhất của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là một trong những vở diễn quy mô lớn được tập đoàn Tuần Châu thực hiện tại cái nôi của nghệ thuật múa rối nước truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Vở thực cảnh chỉ gói gọn trong bối cảnh chính là một hồ nước rộng 4300m2 dựa lưng vào núi Thầy (ngọn núi mang tính biểu tượng của vùng đất Sài Sơn - Quốc Oai) nhưng lại tái hiện được một cách đầy đủ nhất những nét văn hóa đậm đặc hồn quê Việt: cảnh đồng áng của dân quê khi vào mùa gặt lúa, cảnh dân chài nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, cảnh mẹ hát ru con bên cánh võng những đêm hè, cảnh sĩ tử lều chõng lên kinh đô ứng thí, cảnh già trẻ gái trai nô nức rước kiệu ngày hội làng, cảnh sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu ở những chốn tâm linh, cảnh lũ trẻ mục đồng cưỡi trâu đùa vui trên triền đê mỗi sáng sớm và những màn múa rối nước đặc sắc từ ngôi thủy đình mái cong vút đầu đao…
Cảnh sĩ tử lều chõng lên kinh đô ứng thí trạng nguyên.
Không ít khán giả đã ngỡ ngàng trước cảnh ngôi thủy đình bỗng nhiên “trồi” lên giữa mặt hồ rồi lại “lặn” xuống đáy hồ; cảnh các tố nữ vận trang phục xưa bước ra từ những bức tranh “Tứ bình” nổi tiếng và cả hình ảnh Thiền sư Từ Đạo Hạnh - ông tổ của nghề múa rối bước ra từ ánh hào quang giữa tiếng đồng vọng của quá khứ - hiện tại và tương lai.
Tất thảy những nét tinh hoa nghệ thuật của làng quê Bắc Bộ hòa quyện trong những giai điệu mượt mà của chèo, dân ca quan họ, ca trù, hát ru và chầu văn… khiến cho người xem mê đắm, mênh mang và “chìm” trong muôn vàn hoài niệm.
Có thể nói, chỉ trong 60 phút nhưng vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” với từng chương Thi - Ca - Nhạc - Họa đã mang đến những trải nghiệm hết sức độc đáo, giúp du khách tiếp cận với những gì tinh túy trong di sản văn hóa và nghệ thuật của cộng đồng cư dân đồng bằng Bắc Bộ mà trung tâm là chốn “kinh sư muôn đời” Thăng Long - Hà Nội.
Các tố nữ "thật" bước ra từ 4 bức tranh "Tứ bình" nổi trên mặt nước.
Một điều đặc biệt là gần 200 “nghệ sĩ” góp mặt trong vở diễn đều là những người nông dân “thứ thiệt” của vùng Sài Sơn, sáng làm ruộng, đêm đứng trên sân khấu. Ngoài ra, vở diễn cũng có sự góp mặt của không ít những cô cậu học sinh trường làng, hồn nhiên trong những bài hát đồng dao.
Bà Trần Thị Thu Lan (64 tuổi) ở Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Tuổi thơ của tôi lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình cũng là cái nôi của nghệ thuật chèo và rất nhiều nét văn hóa đặc sắc. Trong tôi, những ký ức tuổi thơ gắn liền với chăn trâu, gặt lúa, mò cua, bắt ốc, cày cấy... luôn là một góc đẹp trong tâm hồn mà dù có như thế nào tôi cũng không thể quên được. Nhiều năm sống ở Hà Nội, tôi ít có dịp về quê nhưng mỗi khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc của làng quê tôi đều dấy lên những niềm xúc động khó tả.
Khán giả thích thú trước cảnh thủy đình "trồi" lên giữa mặt hồ.
Khi xem vở thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" tôi đã không kìm được nước mắt bởi bắt gặp lại cả một tuổi thơ của mình. Hình ảnh những người nông dân áo vải quần thâm mò cua bắt ốc, nói cười rôm rả trên sông chính là hình ảnh của mẹ tôi ngày trước. Hình ảnh người nông dân chở một xe đầy những nơm, đó, rọ... ra đồng khi trời đã tối mịt cũng chính là hình ảnh của cha tôi ngày trước.
Và cả cảnh các cô cậu diện áo mớ ba mớ bảy hoặc áo dài khăn đóng hát giao duyên trong hội làng cũng là hình ảnh của anh chị tôi. Tất cả đều thân thuộc và gần gũi, sống động và nên thơ. Những nét văn hóa làng quê vừa thuần hậu, vừa tinh tế đó đã đi vào ký ức của chúng tôi mà vì cuộc sống nên bao lâu nay chúng tôi không được "gặp" lại. Thật tuyệt vời và rất đỗi kinh ngạc!".
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn