Sáng sớm ngày 7/5, nhiều văn nghệ sĩ và khán giả miền Nam bàng hoàng khi hay tin nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã qua đời vào khuya ngày 6/5. Ông ra đi sau 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, hưởng thọ 73 tuổi. Gia tài sáng tác của cố nhạc sĩ đa số đều gắn liền với dòng nhạc mang đậm âm hưởng dân ca Nam Bộ.
Ca sĩ Phi Nhung - người đã có nhiều ca khúc gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chia sẻ, chị bị sốc khi hay tin tác giả Đêm Gành hào nghe điệu hoài lang qua đời.
Với ca sĩ Phi Nhung, Vũ Đức Sao Biển là một nhạc sĩ tài hoa - người đã góp phần rất lớn trong sự nghiệp ca hát của chị với nhiều ca khúc như: Đau xót lý chim quyên, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang...
Ca sĩ Phi Nhung gửi lời tiễn biệt nhạc sĩ: “Tạm biệt chú, người nhạc sĩ đáng kính của rất nhiều ca sĩ nói chung và của Phi Nhung nói riêng. Chú đã ra đi nhưng tác phẩm của chú vẫn còn mãi, vẫn sống mãi”.
Biên tập ca nhạc Minh Đức chia sẻ, anh có dịp làm việc với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua một số chương trình truyền hình, anh thấy niềm vui của cố nhạc sĩ là khi những bài hát tâm đắc của ông có cơ hội đến được với đông đảo khán giả hơn.
Anh Minh Đức chia sẻ thêm: "Có điều tôi nhận thấy là chú không muốn được hỏi quá nhiều về bài Thu hát cho người, vì nhiều người cũng tò mò muốn cô Thu trong bài hát là ai. Chú nói dù sao mỗi người một cuộc đời, mình cũng không phải cố níu kéo quá khứ, mà người ta cũng đã có cuộc sống riêng rồi, không nên nhắc lại quá nhiều. Trong cuốn sách gần đây của chú, chú có kể chi tiết hơn nhưng giống một hồi ức thuở học trò hơn là một câu chuyện mà mọi người thường nghĩ là tình yêu, và đó có lẽ là lý do chú không muốn nhắc đến quá nhiều về nhân vật bí ẩn trong bài hát ấy”.
Anh Minh Đức cũng tiết lộ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ở ngoài là một người dễ gần, nếu bắt trúng "mạch" thì câu chuyện sẽ kéo dài miên man và nhiều chi tiết hấp dẫn.
“Có một mảng sở trường của chú là truyện võ hiệp Kim Dung thì tôi chưa có dịp "đàm đạo", còn về âm nhạc thì chú có thể say sưa nói chừng nào còn có thể nói được. Chính sự say mê đó mà chú phải rất khổ tâm khi căn bệnh khiến chú không nói thành tiếng được, chỉ thì thào một cách rất khó khăn. Lần gần đây nhất gặp chú, chú gần như không nói được, tôi và chú chỉ nhắn tin cho nhau, chú nói tôi tìm mấy cuốn sách chú vừa cho in, biết đâu có được cái mình cần”.
Khi chương trình Sol Vàng ghi hình và phát sóng, nhạc sĩ đã rất vui vì những tác phẩm của mình được ghi nhận và lan toả.
“Như một sự "phát tiết tinh hoa" trong những thời khắc ngặt nghèo, bài Phượng nhớ Hoàng là một khúc hát tuyệt đẹp mang đậm âm hưởng dân ca Nam Bộ. Khi chú viết xong, chú đã gọi ca sĩ Đông Đào vào bên giường bệnh nhờ chị hát vì chú sợ mình không qua nổi đợt bệnh tật đó. Chị Đông Đào đã hát rất hay bài này, nhưng suốt 10 năm qua, chỉ có mình chị hát, nhiều ca sĩ ngần ngại vì bài này quá khó. Gần đây nhất, ca sĩ trẻ Henry Ngọc Thạch, chàng trai mới ngoài 20, đã hát rất thành công bài này trong một cuộc thi hát truyền hình. Và chú Vũ Đức Sao Biển đã kịp xem cả bài Phượng nhớ Hoàng lẫn bài Trên đồi xưa trong chương trình ấy, tôi mong là chú đã hài lòng”, anh Minh Đức chia sẻ thêm về những dấu ấn sáng tác cuối đời ít người biết của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng ghi âm rất nhiều các tác phẩm âm nhạc do nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác mặc dù chị chưa từng cùng ngồi làm việc chung với cố nhạc sĩ.
Chị chia sẻ điều ít người biết về những dấu ấn của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đối với âm nhạc dân tộc. “Tôi từng tham gia trong CD Hòa tấu tranh sáo bầu Dạ cổ hoài lang làm cùng nhạc sĩ Quốc Dũng. Lần đó, nhạc sĩ Vũ Đức Sao biển đã ký âm cho nhạc sĩ Quốc Dũng để phối ra bài Dạ cổ hoài lang, tôi đàn tranh, đàn bầu ca sĩ Hạnh Nguyên hát.
Chính thức bài đó ra đời nhiều người biết đến hơn và thích hơn ca khúc Dạ cổ hoài lang, nhất là giới trẻ. Bởi vì nó có một sự khác lạ so với cách chơi lối cũ. Dạ cổ hoài lang được nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác nhưng thực ra bên tài tử ca rất khó, cho nên là khi có bản phối này tân nhạc mới thích vì không quá khó để diễn, vì vậy ca khúc này được phổ biến rộng rãi hơn”.
Ca sĩ Hà Vân chia sẻ, từ bé chị hay nghe những bài âm hưởng dân ca Nam Bộ của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, như: Điệu buồn phương Nam, Đau xót lý chim quyên, Đêm gành hào nghe điệu hoài lang…
Hà Vân chia sẻ: “Nói đến nhạc sĩ viết nhạc âm hưởng dân ca Nam Bộ, Vân nghĩ chắc ai cũng nghĩ ngay đến nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Dù chưa gặp chú bao giờ nhưng Vân cũng biết đến chú qua những bài hát âm hưởng dân ca Nam Bộ mà chú viết. Sáng tác của chú ca từ đến giai điệu đều quá hay, đầy cảm xúc, như ru hồn người nghe. Không chỉ âm hưởng dân ca Nam Bộ, mà dòng nhạc khác chú viết cũng rất hay, điển hình như bài Thu hát cho người cũng rất nổi tiếng. Vân thật buồn khi nghe tin chú mất. Mong chú yên nghỉ”.
Tang lễ nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển bắt đầu từ 14 giờ 7/5/2020 tại tư gia (Đường Tân Thới Nhất 18, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TPHCM).
Lễ động quan diễn ra vào lúc 6h30, sáng Chủ nhật ngày 10/5/2020 - sau đó di quan về Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.
Băng Châu
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn