Ca sĩ Thùy Dung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình có tình yêu với nghệ thuật. Năm 4 tuổi, Thùy Dung đã bắt đầu được học đàn piano. Năm 1979, khi lên 6 tuổi Thùy Dung đã có vinh dự chơi đàn cho Phó chủ tịch nước khi ấy là ông Nguyễn Hữu Thọ nghe.
Năm 17 tuổi, Thuỳ Dung đạt giải Ba cuộc thi Piano toàn quốc mang tên Mùa thu. 18 tuổi đạt giải Nhì cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc.
Sau mối nhân duyên ban đầu, hiện tại, Thuỳ Dung đã hầu như không còn xuất hiện trên sân khấu ca nhạc. Chị đã chính thức rời xa showbiz, tập trung đầu tư cho một công việc mới là cô giáo dạy nhạc.
Ngoài công việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia, Thuỳ Dung và chồng còn mở ra trường nghệ thuật Seedlink dành cho những ai yêu nghệ thuật.
Nhớ đến Thuỳ Dung, công chúng yêu nhạc vẫn nhớ về một nghệ sĩ có phong cách chơi nhạc sang trọng, vừa đàn, vừa hát.
Mới đây, nữ nghệ sĩ có những chia sẻ xúc động về cha - người có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc đời cô.
“Ba tôi - người điên rồ nhất trong mắt bạn bè
Mẹ kể : Khi sinh tôi ra, ba lao sầm sập vào bệnh viện, việc đầu tiên ông làm là xòe bàn tay bé tẹo của tôi ra xem các ngón tay có dài không để còn học piano, quên cả việc hỏi thăm vợ có đau không, có mệt không.
Sau đó ba cho tôi nghe piano suốt ngày. Đến khi 4 tuổi, ông dậy tôi những nốt nhạc đầu tiên trên phím đàn vẽ ra đất.
Tôi lên 5, ba thuyết phục mẹ bán tất cả những gì có giá trị trong nhà. Kể cả áo dài cưới, áo vest cưới, nhẫn cưới để mua cho tôi cây đàn piano cũ kỹ đầu tiên. Một gia tài khổng lồ với nhà tôi và vô nghĩa với nhiều gia đình khác. Tất cả bạn bè của ba đều nói: Điên à, nhạc nhẽo có ăn được đâu. Cơm còn đang độn mỳ. Đàn địch nỗi gì. Lãng mạn vặt thôi chứ thế này thì quá lắm.
Mặc kệ! Ba kèm tôi tập 3 tiếng mỗi ngày. Thời ấy ba là kỹ sư vô tuyến điện, mẹ kể là chỉ cần đi chữa một chiếc là có cả nửa chỉ vàng, bao nhiêu người gọi nhưng chỉ khi nào hết tiền ba mới đi chữa một vài chiếc, còn lại tuyên bố xanh rờn: Tôi sẽ chết trên đàn với con Thùy Dung. Bạn bè ngán ngẩm: Lão này điên hết thuốc chữa.
Ba cho tôi theo học thầy Đại, ông thầy nổi tiếng nghiêm khắc nhưng cũng chẳng là gì với ba. Không tập đàn, nghĩa là ăn đòn. Đòn đau luôn. Tập ngoan thì ba kiệu lên vai đi vòng quanh khu tập thể.
Rồi vinh dự lớn đã đến: Năm 1979 là năm tôi 6 tuổi, tôi được chọn biểu diễn piano cho Phó chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ nghe. Sự kiện làm xôn xao nơi tôi ở và cả xí nghiệp của ba mẹ tôi nữa. Hình như mọi người thấy ông đỡ điên hơn phần nào...
Rồi 7 tuổi tôi thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội. Chế độ tem phiếu cán bộ hẳn hoi. Có học bổng, có tiền Thanh sắc. Ba hàng ngày vẫn gọi tôi dậy từ 5h30 sáng, tập đàn đến 6h30 rồi đi học. Lịch tập đàn này kéo dài cả chục năm, đến nỗi hôm nào tôi không tập, khối người đi làm muộn, đi học muộn.
Nếu ba không quyết liệt như vậy, sẽ chẳng có tôi như bây giờ dù ngày bé, cũng như bọn trẻ bị ép học, tôi cũng đã từng mơ tất cả đàn piano trên thế giới sẽ cháy hết sạch sanh.
Giờ bạn bè của ba mẹ đến chơi, cứ vỗ vai: Hóa ra ông cũng điên... bình thường nhỉ. Con Dung đâu, ra đàn hát cho các bác nghe một bài nào... Con cái cả xí nghiệp được mỗi mày nổi tiếng.
Và người lãng mạn điên rồ nhất cười vang".
Phương Nhung
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn