Có lẽ sau lần Than Quảng Ninh đoạt cúp quốc gia năm 2016, đây là kỳ giải mà chiếc cúp vốn bị đánh giá chỉ là sân chơi hạng hai của bóng đá Việt Nam hấp dẫn đến như vậy. Sự hấp dẫn đến từ những đội bóng không có thực lực mạnh, thậm chí từng bị cho là không có cơ hội ở giải đấu năm nay, đó là HA Gia Lai và B.Bình Dương, quyết tâm đi tìm cơ hội cho mình.
HA Gia Lai có 2 trận hoà kịch tính trước đội bóng mạnh nhất Việt Nam thời điểm hiện tại CLB Hà Nội ở 2 lượt trận thuộc vòng tứ kết, chỉ chịu thua vì luật bàn thắng trên sân đối phương, do thiếu kinh nghiệm.
Nhưng B.Bình Dương thì lại không thiếu yếu tố này, và họ đánh bại không chỉ tân vương V-League là CLB Hà Nội, mà còn hạ gục luôn tân Á quân V-League FLC Thanh Hoá để giành cúp, cũng như chứng minh rằng làng cầu nội đừng vội gạch tên B.Bình Dương khỏi danh sách những đội bóng lớn, cho dù đội bóng đất Thủ Dầu không còn nhiều ngôi sao như xưa.
B.Bình Dương hay bao nhiêu ở cúp quốc gia, thì CLB Hà Nội xuất sắc bấy nhiêu ở V-League. Đây cũng là một trong những kỳ giải chứng kiến nhiều kỷ lục bị phá nhất ở sân chơi vô địch quốc gia, khi CLB Hà Nội vượt qua chính các kỷ lục của đội bóng miền Đông Nam bộ trong quá khứ, trở thành đội bóng vô địch sớm nhất (trước 5 vòng đấu), ghi bàn nhiều nhất 1 mùa giải (72 bàn), vô địch với nhiều điểm nhất (64 điểm), thắng nhiều trận nhất (20 trận)…
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ chừng nào CLB Hà Nội chưa khẳng định được mình ở sân chơi châu lục, như B.Bình Dương vào bán kết AFC 2010, hoặc giành nhiều điểm ở AFC Champions League 2016, người ta vẫn rất khó khẳng định trình độ của CLB Hà Nội đang phát triển vượt bậc, hay trình độ chung của nhóm các đội còn lại đang giảm đi?
Lượng khán giả trung bình mùa này đạt 6.297 người/trận, có tăng so với mùa trước, nhưng bài toán khán giả đông (nhờ hiệu ứng của U23 Việt Nam) ở giai đoạn đầu mùa và giảm dần về cuối mùa vẫn còn đó. Trong khi thông thường ở các giải đấu khác, càng về cuối mùa càng hấp dẫn, khán giả càng đông.
Có lẽ một phần nguyên nhân V-League hiện nay thiếu những cuộc đối đầu nẩy lửa, giữa các ông bầu sở hữu những đội bóng mạnh ngang nhau, như kiểu cuộc chiến “Gạch – Gỗ” ngày xưa, giữa bầu Đức và bầu Thắng trước đây, biến các cuộc đua ở giải V-League trở thành các cuộc đấu không chỉ về mặt chuyên môn, mà còn đua về thương hiệu, về truyền thống, về truyền thông, hình ảnh… thu hút khán giả.
CLB Hà Nội nói riêng và nhìn rộng ra nữa nhóm các đội chịu ảnh hưởng của bầu Hiển nói chung càng giữ thế thống trị ở V-League, sự mất cân bằng giữa các ông bầu càng lớn, và tính đối đầu, tính sòng phẳng giữa các CLB (xin nhấn mạnh là các CLB độc lập, không có ảnh hưởng hoặc liên quan gì đến CLB khác) càng giảm.
Nhưng nhìn chung, mùa giải 2018 cũng đã chuyển động theo hướng tích cực, cho thấy nỗ lực của nhà tổ chức VPF (cải thiện chất lượng phục vụ, tăng số suất xuống hạng) và sự nhiệt huyết của các CLB tham gia (như trường hợp của HA Gia Lai và B.Bình Dương đã nêu ở trên tại cúp quốc gia, hay Nam Định vốn đầy khó khăn vẫn chiến đấu đến cùng ở V-League), đưa giải đi đến nơi, về đến chốn!
Điều tồn đọng đáng nói nhất, vẫn là vấn đề trọng tài dù so với V-League 2017, không xảy ra sự cố gì quá lớn. Nhưng riêng vấn đề này, yếu kém thế nào có lẽ chẳng cần phải nhắc lại. Bởi, nhắc nữa có khi lại trở thành… nhàm!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn