Dùng bạo lực là một sự thất bại về phương pháp giáo dục
Bạn mong muốn gì khi đưa ra ý tưởng kêu gọi các ông bố bà mẹ chăm đọc sách cho con nghe và cho con tiếp xúc với sách từ sớm thông qua “Hộp háo hức”?
Giống như những ông bố và bà mẹ khác, tôi giữ nhiều vai trò khác nhau. Công việc chính là về truyền hình, còn công việc phụ là chăm sóc gia đình. Chăm sóc gia đình chiếm của tôi khá nhiều thời gian và khiến tôi có nhiều băn khoăn nhất.
Trong quá trình nuôi dạy 3 đứa con, một trong những điều tôi thấy mình quyết định đúng đắn nhất đó là cho con tiếp xúc với sách từ sớm và đọc sách cho con nghe từ sớm. Các bạn ấy đã có một niềm yêu thích rất đặc biệt đối với sách và nhờ sách mà các bạn ấy thay đổi rõ rệt qua từng ngày.
Các bạn ấy mở mang về tư duy, tích luỹ được nhiều kiến thức về thế giới xung quanh và phát triển vốn từ vựng trong giao tiếp. Ngoài ra, các bạn ấy còn tạo dựng được tính kiên trì và khả năng tự học rất tốt. Với một người mẹ, đó là quãng gian rất chất lượng nhất.
Tôi đã quên được những căng thẳng trong công việc và có sự gắn kết hơn với con mỗi khi đọc sách cho con nghe. Tuy nhiên, không phải ông bố và bà mẹ nào cũng làm được điều đó.
Chính vì thế, chúng tôi nghĩ phải làm thế nào đó để giúp bố mẹ chọn cho các con những cuốn sách thật phù hợp và hướng dẫn bố mẹ đọc sách làm sao để các con thích thú. Đó là lí do mà “Mầm nhỏ” đưa ra ý tưởng về “Hộp háo hức”. Điều mới mẻ của “Hộp háo hức” đó là không chỉ có sách cho các con mà còn có những món quà mà bố mẹ yêu thích.
Bí quyết để bạn có thể vừa chăm sóc tốt cho các con, vừa có thể hoàn thành tốt công việc truyền hình?
Tôi nuôi con độc lập, không có bố mẹ ở cùng và không có người giúp việc. Cho đến khi có bạn thứ 3 thì mới có người giúp việc. Vì thế nên tôi hoàn toàn chủ động trong việc nuôi dạy con.
Tôi chủ trương ngay từ đầu đó là sẽ dạy con thông qua sách vì tuổi thơ của mình cũng được hưởng rất nhiều thứ bổ ích qua sách, báo. Trong nhà tôi lúc nào cũng có những góc đọc sách rất thoải mái và sách vây quanh các con để các con có thể đọc sách bất kỳ lúc nào.
Tôi nghĩ là không có đứa trẻ nào không thích sách cả, có điều là đã đủ sách hay để các con đọc hay chưa thôi. Có những cái bản thân bố mẹ nói chưa chắc con đã chịu nghe nhưng khi mình đọc cho con một câu chuyện từ sách thì con sẽ thay đổi ngay. Đó là chưa kể, khi con được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng thông qua việc đọc sách thì sau này con bước vào đại học sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Với tư cách bà mẹ 3 con, bạn suy nghĩ như thế nào về tình trạng bạo hành học đường thời gian gần đây. Đặc biệt là câu chuyện cô giáo phạt học sinh quỳ vừa gây xôn xao?
Không chỉ riêng câu chuyện cô giáo phạt học sinh quỳ ở Hà Nội mới đây mà trước đây ê-kíp “Mầm nhỏ” chúng tôi đã từng bày tỏ quan điểm về rất nhiều vụ việc bạo hành học học đường. Quan điểm của tôi là giáo dục trẻ em có rất nhiều cách và bạo lực chưa bao giờ là một cách giáo dục nhân văn và hiệu quả cả.
Chúng ta đang giáo dục một con người cơ mà, sao lại có hình thức giáo dục phi nhân văn như thế. Điều đó vô hình trung sẽ truyền đi cho các bạn trẻ thông điệp là “À, nếu không giải quyết được vấn đề thì mình sẽ dùng bạo lực”. Sau này các bạn ấy sẽ lấy bạo lực để giải quyết mọi nỗi tức giận và mẫu thuẫn. Tôi nghĩ, dùng bạo lực là một sự thất bại về phương pháp giáo dục của người lớn.
Trong việc nuôi dạy các con, chưa bao giờ tôi dùng đến hình thức bạo lực. Có thể đánh một lần các con sẽ sợ nhưng cái sợ ở đây là sợ đau chứ không phải sợ mình làm sai. Liệu các bạn ấy bị đánh xong có hiểu mình sai ở đâu và có tiếp tục tái phạm điều đó không?
Nhiều bạn trẻ bị đánh nhiều quá sau này khi lớn lên sẽ bị “lì đòn”. Các bạn ấy nói chuyện với bố mẹ một cách đầy thách thức và ra đời các bạn ấy chăm chăm sử dụng bạo lực để giải quyết câu chuyện của chính mình.
Bị trầm cảm sau sinh vì biến cố hôn nhân
Làm công tác truyền hình đòi hỏi phải giữ gìn sắc vóc và thời gian tương đối bận rộn nhưng bạn lại sắp chào đón em bé thứ tư?
Bố mẹ gia đình hai bên đều đẻ rất ít con vì thế vợ chồng tôi rất thích có nhiều con. Trong quá trình đi du học ở Mỹ, tôi đã nhìn thấy các gia đình ở nước ngoài rất đông con nhưng họ vẫn sắp xếp mọi thứ hợp lý được.
Với ba bạn nhỏ nhà tôi thì dù không ở cùng ông bà nhưng ông bà sẵn sàng hỗ trợ những khi cần thiết. Chồng tôi cũng là người thích chia sẻ với vợ việc nuôi con mặc dù không có nhiều thời gian rảnh.
Ba bạn nhà tôi, bạn lớn nhất 7 tuổi, bạn thứ hai 3,5 tuổi và bạn nhỏ nhất là 1,5 tuổi. Các bạn ấy đều đã đi học nên đều có sự phân tâm nhất định về mặt thời gian. Nhưng tôi nghĩ, mỗi gia đình sẽ có một mô hình riêng. Nếu gia đình đông con thì các bạn ấy sẽ có được trải nghiệm anh chị em vui vầy với nhau. Bây giờ, cứ tối tối, chị lớn lại có thể cùng mẹ đọc sách cho hai em nghe. Đấy là một niềm hạnh phúc rất tuyệt vời.
Bạn từng chia sẻ là bị trầm cảm sau sinh tới mức mất kiểm soát và có những hành vì rất tiêu cực khi sinh bé đầu tiên. Vậy bạn không sợ mình sẽ bị lặp lại điều đó?
Đúng là thời điểm sinh bé đầu tiên tôi đã bị trầm cảm sau sinh rất nặng. Nguyên nhân là do tôi còn quá bỡ ngỡ trong việc nuôi con và phải đối diện với một biến cố rất lớn trong đời sống hôn nhân. Giai đoạn đó, những dịch vụ hỗ trợ tâm lý đối với các bà mẹ ở Việt Nam cũng chưa phổ biến. Đấy là một trải nghiệm rất đau thương nhưng có khá nhiều thứ quý giá để sau này tôi có thể đồng cảm và chia sẻ với những bà mẹ khác.
Tôi nhận ra rằng, tỉ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh ở Việt Nam không hề nhỏ. Chỉ có điều là các chị em không nói ra hoặc có thể mọi người may mắn vượt qua được.
Biến cố hôn nhân mà bạn phải đối diện khi mới sinh em bé khiến bạn bị trầm cảm nặng đó là gì?
Biến cố này đối với tôi là khá khủng khiếp. Bạn bè quen thân đều biết nhưng trên truyền thông thì tôi chưa chia sẻ lần nào vì muốn giữ cho các con một cuộc sống bình yên.
Chỉ biết rằng, biến cố đó xảy đến khi tôi vừa sinh em bé được 3 tháng và nó khiến tôi cực sốc. Bây giờ thì mọi thứ đã ổn hơn rất nhiều rồi.
Phải chăng vì thế mà sau đó bạn đã quyết định tạm dừng công việc truyền hình?
Thực ra, trước khi làm truyền hình, tôi làm giảng viên về marketing ở trường Đại học Ngoại Thương. Sau đó, tôi xin được học bổng nên mới đi du học ở Mỹ. Lúc đi du học về, đối diện với biến cố như thế, tôi cảm thấy khó lòng quay lại với môi trường giảng dạy nên mới đầu quân vào Đài Truyền hình Việt Nam. Công việc này tôi cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm lại cơ động về mặt thời gian nên có thể chăm sóc tốt cho các con.
Lúc mới quay trở lại truyền hình tôi làm cho VTV3, sau đó làm biên tập viên tiếng Anh của VTV4. Bây giờ tôi xin nghỉ chế độ full time (toàn thời gian) nhưng vẫn cộng tác với đài qua rất nhiều dự án. Chẳng hạn chương trình về giáo dục cho VTV7 và chương trình khởi nghiệp trên VTV3.
Trong mắt bạn, ông xã hiện tại là một người như thế nào?
Như đã chia sẻ, anh ấy là một người rất yêu quý trẻ con và sẵn sàng chia sẻ cùng với việc chăm sóc các con. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để chúng tôi gắn kết với nhau khi tôi đã từng có một biến cố lớn. Anh ấy cũng là người rất ủng hộ tôi trong mọi công việc và ý định.
Nhưng đó có phải là đại gia đứng sau lưng để làm bệ phóng cho bạn thoả sức tung hoành với những điều mình thích?
Đại gia về mặt tiền nong thì không phải nhưng là người luôn ủng hộ tôi về tinh thần khi tôi quyết định làm một điều gì đó. Nhiều lúc tôi vứt bỏ mọi thứ khi đối diện với khó khăn nhưng chính anh ấy đã tiếp thêm động lực cho mình và nhắc nhớ mình từng có những mục tiêu muốn vươn tới.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn