Những thiết kế phục trang thiếu thực tế, thậm chí lập dị, gây tranh cãi xuất hiện ngày càng nhiều, những thiết kế ấy được nhắc tới trước tiên trên mạng xã hội. Những món đồ này có thể không đẹp đẽ, không tiện dụng, nhưng khi xuất hiện trên mạng xã hội, chúng chắc chắn thu hút sự quan tâm chú ý bởi tính khác biệt.
Ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang nắm bắt được yếu tố này và tung ra những mẫu thiết kế chủ yếu để phục vụ mục đích gây lan truyền, thậm chí gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Chuyên gia quan hệ công chúng - bà Stephany Greene tiết lộ với tạp chí Insider (Mỹ) rằng đây chính là chiến lược hiệu quả để các thương hiệu có thể nhanh chóng được nhắc đến và trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng.
Dù vậy, những hiệu ứng này không kéo dài lâu bởi mạng xã hội thay đổi xu hướng mỗi giờ và cơn sốt nào rồi cũng nhanh chóng hạ nhiệt trên mạng xã hội.
Những món đồ không thực tế, thiết kế ra chỉ để bắt mắt trên mạng xã hội
Minh chứng cho điều này có thể kể tới thiết kế “jeans dây” từng gây xôn xao mạng xã hội một thời gian. Thiết kế này không có tính ứng dụng trong thực tế, nhưng chắc chắn bạn sẽ phải bỏ ra vài giây nhìn ngó khi bức ảnh này xuất hiện trong bảng tin của bạn trên mạng xã hội...
Mạng xã hội không phải cuộc sống thực tế thường ngày
Mạng xã hội là nơi chúng ta có thể “sống ảo” mặc sức, nó có nét xa rời thực tế, và vì vậy, không khó để hiểu tại sao những thiết kế kiểu này có thể lan truyền trên mạng xã hội một cách dễ dàng.
Thiết kế túi xách nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay gây sốt thời gian gần đây chính là một dạng thiết kế chủ yếu được tạo ra để gây sốt trên mạng xã hội, bởi những túi này thậm chí không đựng vừa nổi một thỏi son.
Vậy nhưng tính bắt mắt của nó khiến những ai chạy theo mốt, theo “hot trend” tức thời, đều sẽ muốn sở hữu cho mình một món đồ “độc - lạ” như vậy, để đăng tải ảnh lên mạng xã hội và khiến cộng đồng của mình “tròn mắt” thích thú tương tác.
Ngay khi dạng túi xách tí hon này được một nhà mốt cho ra mắt, một số người mẫu nổi tiếng đã ngay lập tức tìm cách có được để chụp hình đăng lên mạng. Trong khi thiết kế này đang được những trang tin giải trí nhắc đến, thì một ngôi sao sử dụng thiết kế ấy chắc chắn cũng sẽ được nhắc đến.
Tất cả những điều này nằm trong tổng thể một “cơn sốt” ngắn hạn trên mạng xã hội. Mạng xã hội, mà đặc biệt là Instagram, “đánh” mạnh vào yếu tố thị giác, những thiết kế thời trang dù không hữu dụng nhưng bắt mắt vẫn có thể thu hút trên mạng xã hội.
Chính xu hướng này đã khiến các nhà mốt thế giới liên tiếp cho ra những ý tưởng lập dị, kỳ quái cốt để họ được nhắc tới nhiều hơn trên mạng xã hội, như một cách PR miễn phí được thực hiện bởi chính cộng đồng mạng.
Mới đây, một nhãn hiệu thời trang ăn khách đã tung ra mẫu đồ bơi mà họ khuyến cáo người sử dụng rằng “thiết kế này chỉ dành để chụp hình bên hồ bơi”, đó là một thiết kế bắt mắt, nhưng chất liệu, độ bền, tính ứng dụng không thích hợp cho hoạt động bơi lội thực sự.
Câu chuyện này cho thấy chúng ta, bao gồm cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, đang sống trong một thế giới “cuồng” chụp hình đăng lên mạng tới mức nào. Nhà thiết kế có thể tung ra những mẫu bắt mắt chủ yếu để phục vụ việc chụp hình, hơn là tính thực tế ứng dụng, bởi có một bộ phận khách hàng có nhu cầu như vậy: cốt chỉ cần lên hình thật đẹp.
Về phía nhà mốt thiết kế mẫu đồ bơi “chỉ mặc để chụp hình”, người đại diện thương hiệu khi được hỏi về cách mạng xã hội gây ảnh hưởng tới các thiết kế của họ, đã khẳng định ngay rằng họ sử dụng mạng xã hội như một kênh tư vấn để hiểu được những nhu cầu của khách hàng:
“Mạng xã hội cho phép chúng tôi xây dựng mối quan hệ trực tiếp với những khách hàng trẻ tuổi. Chúng tôi đã xây dựng một chiến lược đặt khách hàng vào vị trí trung tâm trong những kế hoạch phát triển của mình; thông qua nghiên cứu mạng xã hội, chúng tôi có thể tương tác nhanh chóng với những điều khách hàng mong muốn”.
“Gây sốt trên mạng xã hội” là thuật ngữ mới, nhưng không phải chiêu thức mới
Chuyên gia quan hệ công chúng - bà Stephany Greene khẳng định rằng xu hướng tạo ra những thiết kế gây sốt, gây tranh cãi trong công chúng đã tồn tại trong giới tạo mốt từ hồi thập niên 1970-1980, khi các nhà mốt “thi nhau” sáng tạo nên những mẫu thời trang lạ lùng, với hy vọng rằng thiết kế của họ sẽ được những tờ tạp chí thời trang danh tiếng để ý và giới thiệu tới độc giả.
“Từ thời đó cho tới bây giờ, việc sản xuất ra những thiết kế gây sốc vẫn giữ nguyên một mục đích, đó là thu hút sự quan tâm chú ý của đám đông, không phải để bán được mẫu thiết kế đó, mà để tên nhà mốt, tên nhà thiết kế được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông đại chúng, từ đó, họ sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn”.
Thành công dựa trên “cơn sốt” với cộng đồng mạng rất ngắn ngủi
Đối với những “cơn sốt” trên mạng xã hội, thời gian “sốt” rất ngắn và cộng đồng mạng “hạ sốt” rất nhanh.
“Nếu nhà thiết kế chỉ quan tâm tới một tia lóe lên ngắn ngủi, thì đó hẳn là những nhà thiết kế trẻ, chưa có tên tuổi, đang có nhiều thời gian và năng lượng để dành cho những thiết kế lạ lùng với hy vọng nó có thể lan truyền trên mạng. Bởi khả năng cao là những thiết kế đó sẽ chẳng thể “gây sốt” như kỳ vọng và tất cả thời gian, công sức đầu tư vào đó coi như bị lãng phí”.
Bà Stephany Greene đã làm việc với nhiều thương hiệu lớn tồn tại lâu năm, với những nhà thiết kế nổi danh như Ralph Lauren hay Tommy Hilfiger, bà nhận thấy rằng chìa khóa để đạt được thành công như họ trong bối cảnh mạng xã hội thống trị hiện nay, đó là biết được nhóm khách hàng chủ lực của mình là ai, rồi khiến cho những gì mình đưa lại đáp ứng được nhu cầu của nhóm này.
“Đầu tư để có được những khoảnh khắc hoàn hảo trên Instagram không quan trọng bằng việc biết cách làm thế nào để cộng đồng chia sẻ lại những đăng tải đó. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tìm ra được những điều cốt lõi của một thương hiệu, để chăm sóc tốt cho khách hàng trung thành, chính điều đó khiến nhà thiết kế có thể trụ lại bền lâu trong cuộc chơi thời trang đầy thách thức”.
Bà Greene tin rằng rồi sẽ tới một thời điểm, khi cộng đồng mạng “miễn dịch với sốt”, họ không còn để tâm một cách dễ dàng tới những gì đang “gây sốt” trên mạng, họ sẽ nhìn ra những chiêu thức marketing ngắn hạn đánh vào tâm lý “dễ phát sốt” của đám đông, và rồi đòi hỏi những điều trung thực, chất lượng hơn thế.
“Cộng đồng mạng và người tiêu dùng rồi sẽ phát chán với những chiêu trò gây sốt trên mạng, những thiết kế thời trang lập dị rồi cũng không còn tạo được hiệu ứng nữa. Chỉ trong vòng 5 năm tới, hoặc thậm chí chưa đến, những chiêu thức ngắn hạn kiểu này sẽ không còn phát huy tác dụng trên thị trường, sau cùng bản chất cốt lõi vẫn sẽ là tiêu chí quyết định chiến thắng của một thương hiệu”.
Bích Ngọc
Theo Insider/In Style
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn