Trước loạt vụ bê bối quấy rối tình dục đồng nghiệp nữ mà nhà sản xuất phim từng một thời danh tiếng tại Hollywood - Harvey Weinstein - đang gặp phải, nhiều tờ tin tức của Mỹ như New York Times, New York Post… đều thực hiện những bài viết nhấn mạnh rằng chuyện quấy rối vốn chẳng phải điều gì mới ở kinh đô điện ảnh.
New York Post thậm chí còn liệt kê tên những nhà làm phim cũng từng được xem như “huyền thoại” giống Harvey Weinstein. Điểm chung ở những người đàn ông này, đó là vừa nổi tiếng vừa tai tiếng, vừa tạo nên những tác phẩm điện ảnh được ngưỡng mộ, vừa gây ra những lùm xùm bê bối ép nữ diễn viên “đổi tình lấy vai” khiến người trong nghề ghê sợ.
Những cái tên mà New York Post lật lại thậm chí trở về tới tận thập niên 1930 khi nền công nghiệp làm phim ở Hollywood bắt đầu đi vào chuyên nghiệp. Ngay từ thuở ấy, chuyện đổi chác đã xuất hiện và kéo dài cho tới tận hôm nay.
Ngay từ thập niên 1930, những tờ tạp chí chuyên về giới sao Hollywood, như tờ Variety đã tạo nên một cụm từ đầy hàm ý - “nhận vai trên ghế sofa”. Đó là khi các nữ diễn viên buộc phải đầu hàng quyền lực của các ông lớn trong giới làm phim, chấp nhận những mảng tối phía sau màn bạc để có được phút giây tỏa sáng, có được vai diễn nặng ký.
Đến năm 1975, bốn thập kỷ sau khi tờ Variety sử dụng cụm từ “nhận vai trên ghế sofa”, tờ tuần báo Newsweek thực hiện một phóng sự có tiêu đề y hệt, trong đó, Newsweek đề cập một chi tiết gây sửng sốt: Trên chiếc ghế sofa đặt trong phòng làm việc của một nhà sản xuất phim, có gắn một tấm biển nhỏ khắc chữ, đề rằng: “Đừng quên, người đẹp, ngày mai cô sẽ là ngôi sao”.
Newsweek cho rằng những nữ diễn viên đã trở thành ngôi sao sẽ không dễ dàng đầu hàng trước những “yêu sách” của các ông lớn trong giới làm phim, nhưng tất cả họ đều đã từng có thời là gương mặt mới “non xanh”, “chân ướt chân ráo” bước tới kinh đô điện ảnh với ước mơ trở thành minh tinh, họ đều cần có một khởi đầu…
So với thập niên 1930, mọi chuyện diễn ra ở Hollywood thập niên 1970 không có nhiều thay đổi; tới nay, lại thêm bốn thập kỷ nữa - đến thập niên 2010, mọi chuyện dường như vẫn vậy.
Trong vòng nửa tháng qua, hơn 30 phụ nữ đã lên tiếng tố cáo bị quấy rối bởi nhà làm phim Harvey Weinstein. Họ là những sao nữ với độ tuổi khác nhau và thời điểm mà họ bị quấy rối trải dài suốt ba thập kỷ, nhưng chỉ cho tới giờ, câu chuyện mới được đưa ra ánh sáng, bởi một vài sao nữ giờ đã có chỗ đứng dám mạnh dạn lên tiếng đầu tiên.
Minh tinh “biểu tượng sex” Marilyn Monroe từng viết những câu chân thực trong cuốn tự truyện của mình về mảng tối ở Hollywood. Giờ đây, rất nhiều tờ tin tức trích dẫn lại những câu văn ấy: “Tôi đã gặp họ cả rồi. Sự giả dối và thất bại bao phủ lên con người họ. Một số kẻ sống hằn học và lươn lẹo.
“Nhưng họ lại xuất hiện trên con đường bạn cần phải đi để tiến tới bộ phim mà bạn muốn đóng. Thế là bạn phải ngồi xuống với họ, nghe họ dối trá và chịu để họ dẫn dắt bạn vào một âm mưu. Bạn sẽ được thấy Hollywood trong đôi mắt của những kẻ này - một nhà chứa đông đúc, những cuộc vui miệt mài trên băng ghế sofa”.
Những “ông lớn” ở Hollywood từ lâu đã lợi dụng giấc mơ thành sao của những nữ diễn viên trẻ như thế. Tờ Telegraph (Anh) cũng cùng chung quan điểm rằng những người có quyền lực tại các hãng phim Hollywood “đã gây khủng hoảng cho nhiều nữ diễn viên từ rất lâu trước khi xuất hiện Harvey Weinstein”.
Theo đó, Telegraph dẫn lại chi tiết từng xuất hiện trong cuốn tự truyện của nữ diễn viên sở hữu giọng hát ngọt ngào - Judy Garland (1922 - 1969), người nổi tiếng với vai diễn trong “The Wizard of Oz” (Phù thủy xứ Oz - 1939). Năm Judy 16 tuổi, khi tới gặp một nhà sản xuất phim nổi danh, cô đã bị yêu cầu thử diễn xuất… với ông ta.
Mượn danh nghĩa thử tài diễn xuất, Judy đã bị buộc phải ngồi vào lòng nhà làm phim và chịu đựng sự quấy rối công khai. Hay như diễn viên nhí cũng từng một thời nức tiếng ở Hollywood - Shirley Temple (1928 - 2014) chia sẻ, năm Shirley 11 tuổi, cô bé đã lần đầu tiên bị quấy rối mà thậm chí không biết rằng mình đang bị quấy rối.
Chứng kiến những sự “lạ lùng” diễn ra trong phòng thử vai đóng kín cửa, cô bé chỉ bật cười. Tới khi kể lại với mẹ về những “chuyện lạ” xảy ra trong buổi thử vai, mẹ của cô bé khi đó mới sững sờ, hoảng hốt và dặn con gái rằng khi có bất cứ ai mượn danh thử vai để lại gần và thân mật, Shirley đều cần phải chạy ngay ra khỏi phòng.
Những cho tới bây giờ, câu chuyện về “nhận vai trên ghế sofa” vẫn không phải câu chuyện của quá khứ. Mọi chuyện không thay đổi nhiều kể từ thuở ban đầu hình thành nên nền công nghiệp làm phim Hollywood. Cho tới hôm nay, các nạn nhân bị quấy rối vẫn cần nhiều năm, thậm chí vài thập kỷ, mới dám lên tiếng.
Như trường hợp của nhà làm phim Harvey Weinstein, trong hơn 30 phụ nữ lên tiếng tố cáo ông này, thực tế có những người đã phải trải qua sự việc từ cách đây tới cả ba thập kỷ.
Những lời tố cáo gây bàng hoàng, làm người ta ghê sợ đã khiến Harvey Weinstein mất đi tất cả. Vợ ông này đã đệ đơn ly hôn, bạn bè đồng nghiệp xa lánh, hãng phim sa thải, các hiệp hội điện ảnh tước tư cách thành viên, Chính phủ Pháp đang cân nhắc thu hồi Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh từng trao cho ông này…
Trong thông điệp chính thức mà Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (đơn vị trao giải Oscar) đưa ra khi tuyên bố tước tư cách thành viên của Harvey Weinstein, người ta nhấn mạnh rằng:
“Chúng tôi làm vậy để gửi đi thông điệp rằng thời kỳ của sự ngó lơ bàng quan, của sự đồng lõa đáng xấu hổ đối với những kẻ lợi dụng môi trường làm việc để quấy rối tình dục trong nền công nghiệp điện ảnh của chúng ta đã qua rồi”.
Nhưng liệu có thực sự mảng tối ấy đã “qua rồi” chỉ với một vụ phanh phui bê bối lần này? Tờ New York Post kết bài bằng một câu “giá như” tựa tiếng… thở dài: Giá như đó có thể là sự thật!
>> Vướng bê bối quấy rối, “ông lớn” của Hollywood bất ngờ… “ngã ngựa”
>> Hàng loạt đòn giáng mạnh xuống “kẻ tội đồ” quấy rối ở Hollywood
Tác giả: Bích Ngọc Theo New York Post
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn