Hồi tháng 5 năm nay, sau khi kết thúc sê-ri phim truyền hình đình đám “Game of Thrones” (Trò chơi vương quyền), nam diễn viên Kit Harington đã phải điều trị tâm lý kèm cai nghiện rượu sau khi từ giã vai diễn Jon Snow mà anh đã đảm nhận trong suốt gần 10 năm, một vai diễn có tính chất bước ngoặt đưa lại cho anh nhiều thành công trong sự nghiệp.
Câu chuyện của Kit Harington đang ngày càng trở nên quen thuộc và dễ cảm thông trong giới làm phim. Ngày càng có nhiều diễn viên công khai chia sẻ về những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình “thoát vai” khi một dự án phim quan trọng khép lại.
Những câu chuyện như của Kit Harington không hiếm gặp. Nam diễn viên Matthew Perry (50 tuổi) đã từng phải điều trị cai nghiện rượu sau khi chia tay loạt phim truyền hình “Friends” (Những người bạn). Nam diễn viên John Hamm (48 tuổi) cũng từng phải trị liệu bất ổn sau khi kết thúc sê-ri phim “Mad Men” (Gã điên).
“Đối với các diễn viên, những vai diễn lớn góp phần tạo nên hình ảnh, tên tuổi của họ. Vì vậy, khi một vai diễn quan trọng kết thúc, đặc biệt sau một khoảng thời gian dài gắn bó, diễn viên cảm giác như họ đi qua mất mát, tựa như một cuộc tiễn đưa đối với nhân vật của mình”, chuyên gia tâm lý Sarah Davies cho hay.
Như nữ diễn viên Sophie Turner, khi quay những cảnh cuối trong sê-ri “Trò chơi vương quyền”, cô cũng đã bật khóc nghẹn ngào không kiềm chế được: “Vai diễn này đã gắn bó gần 10 năm với tôi...”.
Bạn diễn Jon Harington thậm chí còn chia sẻ rằng việc cởi bỏ lần cuối bộ phục trang của nhân vật Jon Snow khiến anh cảm thấy như chính mình đang bị “lột da”: “Khi người ta hô lên lần cuối: Cắt! Tôi cảm thấy suy sụp. Tôi buồn bã vì từ giờ không còn nhập vai Jon Snow được nữa, mọi điều thân quen suốt 10 năm qua giờ đây đều dừng lại”.
Rất khó để bỏ lại một nhân vật gắn bó thiết thân ở phía sau
Khi nhập vai, các diễn viên phải cố hết sức để người xem cảm nhận được sự sống động và chân thực của nhân vật, rằng những xúc cảm của họ khi hóa thân vào nhân vật là rất thực.
Khi bước ra khỏi vai diễn lớn trong sự nghiệp, nhiều diễn viên sẽ hoang mang tự hỏi: Liệu đó có phải đây đã là những gì tốt nhất mà mình có thể làm? Liệu mình còn có thể thành công hơn thế về sau? Biết làm gì tiếp theo sau này? Hay mình sẽ giậm chân tại chỗ từ đây?
Như nữ diễn viên “Nhật ký tiểu thư Jones” - Renée Zellweger, vì liên tục tham gia các dự án phim lớn nhỏ mà không có đủ thời gian để bản thân mình “hồi phục” sau khi kết thúc một vai diễn, cô đã từng rơi vào khủng hoảng trầm trọng và phải trải qua 6 năm rời xa showbiz để lấy lại cân bằng.
Nam diễn viên Heath Ledger sau khi đảm nhận quá xuất sắc vai diễn phản diện điên cuồng Joker trong “The Dark Knight” (Kỵ sĩ bóng đêm - 2008) đã bị trầm cảm nặng, một phần lý do là anh không thể thoát ra khỏi sự điên rồ của vai diễn, sau cùng, anh đã tự sát ở tuổi 28.
Chuyên gia tâm lý Sally Baker khẳng định rằng hoạt động diễn xuất nhiều khi có thể trở nên rất căng thẳng khi diễn viên nhập một vai khó, lúc kết thúc vai diễn, họ cảm thấy hẫng hụt, trống trải bởi tất cả những xúc cảm dữ dội và chân thực mà họ đã trải qua khi nhập vai. Những trải nghiệm căng thẳng ấy có thể khiến một người suy sụp về sau.
Ngoài ra, việc xa nhà và gắn bó mật thiết với các đồng nghiệp trong suốt nhiều tháng quay phim càng khiến hoạt động diễn xuất mang nhiều yếu tố cảm xúc. Diễn viên có thể cảm thấy trống trải, tiếc nuối khi hoạt động quay phim chấm dứt, họ phải chia tay những đồng nghiệp vừa kịp gắn bó.
Vai diễn càng lớn, áp lực bước ra khỏi vai diễn càng khủng khiếp
Đối với diễn viên, khi đi qua vai diễn quan trọng góp phần làm nên sự nghiệp của họ, những lựa chọn vai diễn đưa ra sau đó bỗng trở nên rất khó khăn vì áp lực của thành công đã có.
Sau thành công lớn đã đạt được, người diễn viên sẽ chịu áp lực đối với những bước đi tiếp theo, nếu vai diễn sau không thành công, họ sẽ phải đối diện với rất nhiều bình luận tiêu cực, những sự so sánh gây nản lòng.
Một vai diễn dài hơi (đặc biệt trong phim truyền hình) còn đồng nghĩa với khoản thu nhập đều đặn, khi từ giã vai diễn ấy, người diễn viên sẽ cảm thấy căng thẳng khi thu nhập của họ không còn có sự ổn định như trước, họ cần tìm vai diễn tiếp theo để có được sự ổn định tài chính tiếp theo.
“Nghề diễn rất áp lực. Một diễn viên sẽ không ngừng trải qua những giai đoạn thăng trầm. Đó chính là lý do tại sao nhiều diễn viên nổi tiếng gặp những vấn đề về tâm lý nghiêm trọng”, nữ diễn viên Tatjana Anders chia sẻ.
Nghề diễn đòi hỏi diễn viên sống lại những câu chuyện đau buồn trong quá khứ
Đôi khi để phục vụ cho những xúc cảm của nhân vật, như sự buồn bã, suy sụp, nỗi sợ hãi, cơn giận dữ…, một diễn viên cần phải sống lại những ký ức thực của chính mình để nuôi cảm xúc cho nhân vật. Những trải nghiệm như vậy có tác động rất mạnh tới sự ổn định tâm lý.
Chuyên gia tâm lý Karen Kwong cho hay: “Rất nhiều diễn viên nói rằng họ chọn nghề diễn viên bởi nghề này có thể khiến họ trở thành rất nhiều nhân vật đa dạng, với những cá tính, số phận khác nhau, rằng họ có thể vượt thoát ra khỏi thực tế cuộc sống của mình để sống trong cuộc đời của các nhân vật.
“Nhưng kỳ thực, nhiều khi, diễn viên phải sống lại chính những đau khổ, sợ hãi của bản thân mình để tạo nên xúc cảm chân thực cho nhân vật mà họ hóa thân”.
Chuyên gia tâm lý Charlotte Armitage nhận định rằng việc nhắc nhớ lại những nỗi đau, nỗi sợ mình từng trải qua một cách liên tục trong cuộc sống không phải là điều tốt cho sức khỏe thể chất - tinh thần:
“Để sống lại được những khoảnh khắc buồn vui, bạn phải đặt thể chất - tinh thần của mình trở lại với bối cảnh của khoảnh khắc đã qua và tưởng tượng như thể mình đang sống lại trong trải nghiệm ấy. Về lâu dài, khi việc này thường xuyên lặp lại, nó gây ra những hệ lụy nhất định”.
Sau khi nhập vai, diễn viên cần “thoát vai”, lúc này, có người “thoát vai” nhanh chóng, nhưng có những người phải vật lộn mới thoát ra khỏi vai diễn gây ám ảnh.
Để “thoát vai” đôi khi diễn viên cần trị liệu tâm lý
Chuyên gia tâm lý Charlotte Armitage khuyên các diễn viên hãy tìm tới trị liệu tâm lý sau một vai diễn dài hơi gây hao tổn nhiều sức lực và tinh thần: “Điều họ cần chính là một sự hỗ trợ chuyên nghiệp để giải phóng mọi áp lực, ‘thoát vai’ và hiểu hơn nữa về bản thân mình”.
Sau khi nhập vai Joker quá đạt trong phim “Kỵ sĩ bóng đêm”, nam diễn viên Heath Ledger đã sử dụng chất kích thích để vượt thoát khỏi những xúc cảm, ám ảnh mà anh từng tạo ra trong thời gian diễn xuất để “nuôi nhân vật”.
Giờ đây, câu chuyện này vẫn tiếp tục được nhắc lại như một bi kịch của người diễn viên hết lòng vì vai diễn nhưng cuối cùng lại không thể “thoát vai”. Chuyên gia tâm lý Armitage tin rằng điều mà Heath Ledger thực sự cần khi xưa chính là một người có thể giúp anh “thoát vai”. Ledger đã qua đời vì sốc thuốc hồi năm 2008.
Một nghiên cứu hồi năm 2015 được thực hiện bởi trường Đại học Victoria (Úc) khẳng định rằng những người làm việc trong nền công nghiệp giải trí có nguy cơ bị lo lắng, căng thẳng cao gấp 10 lần người bình thường, nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao gấp 5 lần người bình thường. Những điều ấy đủ cho thấy rằng nghề diễn khó khăn và thách thức như thế nào…
Bích Ngọc
Theo Insider
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn