Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Triệu Thế Hùng - Lâm Đồng có đặt vấn đề: “Bộ VHTT&DL có giải pháp gì để tăng cường thị phần và phát triển phim Việt Nam. Khắc phục tình trạng phim ngoại đang lấn át phim nội hiện nay? Giải pháp gì để khắc phục tình trạng thiếu vắng phim đề tài lịch sử dân tộc và phim dành cho thiếu nhi mang tính giáo dục cao?”.
Bộ trưởng Thiện cho biết: “Có 3 nội dung để tăng cường thị phần và phát triển phim Việt Nam, khắc phục tình trạng phim ngoài đang lấn át phim nội hiện nay. Một là hiện nay, phim ngoài nhập khẩu 1 năm có 240 phim, phim nội thì hiện nay có 40 phim.
Như vậy có thể nói phim ngoại trên thị trường Việt Nam đang lấn át phim nội. Lý do liên quan đến Luật Điện ảnh. Chúng ta không quy định hạn ngạch để nhập khẩu phim cho nên phim ngoại nhập ồ ạt.
Có 2 giải pháp, một là dùng hàng rào kỹ thuật. Hàng rào kỹ thuật có kiểm duyệt về nội dung phim và những bộ phim không phù hợp thì chúng ta không cho phát hành và phổ biến. Đây là một hàng rào.
Hai là quy định đối với phim Việt ở trong các rạp là phải chiếu. Tổng số buổi chiếu là phải đạt 20%. Một số giải pháp như tăng cường hỗ trợ sản xuất và quảng bá phim thông qua các gói đặt hàng sản xuất phim từ ngân sách nhà nước.
Cố gắng để sản xuất những bộ phim Việt hay đồng thời thu hút các nhà đầu tư để đầu tư vào sản xuất phim. Và chúng ta có rất nhiều bộ phim vừa rồi cũng có doanh thu rất lớn, 200 tỷ đồng”.
Về chuyện thiếu vắng phim đề tài lịch sử dân tộc và phim dành cho thiếu nhi mang tính giáo dục cao, Bộ trưởng Thiện thừa nhận đúng là hiện nay đang có tình trạng này. Do các nhà sản xuất tập trung vào những dòng phim mamg lại hiệu quả, mang lại lợi nhuận lớn nên những dòng phim lịch sử và thiếu nhi rất ít.
Giải pháp mà Bộ VHTT&DL đưa ra là Nhà nước phải đặt hàng để sản xuất các dòng phim mang tính lịch sử, chính trị và phim dành cho thiếu nhi. Phải tháo gỡ các cơ chế, chính sách và có đào tạo để có các kịch bản thì sẽ có những bộ phim tốt.
Về việc phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo… theo Bộ trưởng Thiện, hiện cả nước có 276 đội chiếu phim lưu động trực thuộc các tỉnh, thành phố, một năm phục vụ khoảng 50.000 buổi chiếu và 9,1 triệu người xem.
Nhà nước tiếp tục có các chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim đến vùng sâu, vùng xa tại Quyết định số 586 của Thủ tướng Chính phủ và hàng năm, Nhà nước đặt hàng sản xuất trung bình 10 - 15 chương trình phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Liên quan đến điện ảnh, khi trả lời chất vấn của đại biểu Lê Công Nhường - Bình Định về việc cần làm gì để hạn chế tác động của phim ảnh nước ngoài, nhất là phim Hàn Quốc ảnh hưởng đến lối sống và xu hướng tiêu dùng sản phẩm của một số bộ phận người dân, Bộ trưởng Thiện trả lời rằng, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một đề án về phát triển chiến lược công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
Từ đó đến nay, Bộ VHTT&DL đã triển khai thực hiện đề án chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, rõ nhất là trong lĩnh vực điện ảnh, doanh thu khoảng hơn 3000 tỷ tức là doanh thu đạt 150 triệu đô la, phấn đấu đến năm 2020 trong đề án nêu ra sẽ phải làm thế nào để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp khoảng 3% GDP. Nhiệm vụ này Bộ VHTT&DL đang triển khai rất tích cực.
Với nội dung chất vấn của đại biểu Hà Thị Lan - Bắc Giang về việc có rất nhiều tấm gương người tốt, việc tốt nhưng không được nhân dân biết đến, trong khi có một số hiện tượng lệch chuẩn về văn hóa trong xã hội lại được tung hô, Bộ trưởng Thiện cũng thừa nhận có vấn đề đó đang tồn tại. Với trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng đưa ra các giải pháp sau.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào địa phương để xây dựng những nhân tố tích cực, những hành vi ứng xử văn minh, văn hóa trong cộng đồng, và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo phong trào lên án cái xấu, biểu dương, khen tưởng nhân rộng các điển hình gương tốt, người tốt, việc tốt.
Các bộ, ngành liên quan, cả xã hội cần có trách nhiệm, có những giải pháp phù hợp nhằm nhân rộng những tấm gương, những điển hình, những hành động đẹp trong xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần vào xây dựng đạo đức, lối sống có văn hóa của con người Việt Nam.
Trả lời chất vấn câu hói thứ hai của đại biểu Hà Thị Lan về vấn đề quản lý karaoke, vũ trường - một trong những loại hình dịch vụ giải trí đang tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc, Bộ trưởng Thiện cho biết, hiện nay, việc quản lý các hoạt động karaoke, vũ trường được thực hiện theo Nghị định 103/2009 ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh văn hóa công cộng, trong đó có quy định về karaoke, vũ trường. Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phát triển mạnh vì vậy còn tồn tại một số hiện tượng bất cập.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ VHTT&DL đã nghiên cứu, sửa đổi và đang trình Chính phủ một Nghị định để thay thế Nghị định 103.
Trong đó, quy định nội dung đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, trách nhiệm xử lý hành vi tàng trữ và sử dụng ma túy, điều kiện kinh doanh rượu, sử dụng lao động, bổ sung hoàn thiện các điều kiện về diện tích, âm thanh, ánh sáng trong phòng hát hoặc khiêu vũ, điều kiện đối với địa điểm kinh doanh. Phân công trách nhiệm rõ cho các bộ, ngành và các địa phương trong vấn đề quản lý karaoke, vũ trường.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn