Theo đó 7 di sản văn hóa phi vật thể mới được bổ sung vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lần này gồm có: 1. Lễ hội Nàng Hai của người Tày, xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng.
2. Lễ hội Đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. 3. Lễ hội Đền Chiêu Trưng, xã Thạch Bàn, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà; xã Mai Phụ, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
4. Lễ hội Katê của người Chăm, tỉnh Ninh Thuận.
5. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
6. Lễ hội Trò Chiềng, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
7. Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây Bông (Kin Chiêng Bọoc Mạy) của người Thái, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
7 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận thuộc 3 loại hình: Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Quyết định nêu rõ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Lễ hội Katê của người Chăm diễn ra trong 3 ngày (thường diễn ra vào ngày 1/7 hàng năm (lịch Chăm) tức khoảng 25/9 - 5/10 dương lịch) trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp Pô Nagar (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), tháp Pô Klông Garai (phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm) đến tháp Pô Rôme (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), tỉnh Ninh Thuận.
Đối tượng tôn vinh là các vị nam thần: Pô Klông Garai, Pô Rôme. Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính - nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn tới lĩnh vực khác của văn hoá: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân.
Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo. Những người tham dự lễ hội được hoà cùng điệu múa của các cô thiếu nữ Chăm, say sưa cùng tiếng trống Gi năng, kèn Saranai. Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn