Sáng nay (24/4), Bộ VHTT&DL đã tổ chức họp báo về kết quả hoạt động ngành văn hóa, thể thao và du lịch Quý I; nhiệm vụ trọng tâm Quý II năm 2018.
Tại cuộc họp này, trả lời câu hỏi “Vì sao Bộ VHTT&DL đã có văn bản gửi Công ty Võ Việt Chung International về việc thu hồi danh hiệu đã trao cho Lê Âu Ngân Anh trong cuộc thi Hoa hậu Đại Dương 2017 nhưng đến bây giờ việc này vẫn chưa được tiến hành? Và vì sao Bộ chưa có biện pháp quyết liệt để buộc BTC Hoa hậu Đại Dương 2017 phải thực thi việc này?”, ông Phạm Cao Thái - Chánh Thanh tra chia sẻ rằng, sau khi BTC Hoa hậu Đại Dương 2017 xem xét trao danh hiệu cho thí sinh Lê Âu Ngân Anh trái với quy định, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, Thanh tra Bộ cùng Cục NTBD đã xử lý theo quy định.
Việc thu hồi vương miện của Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh, pháp luật không quy định cơ quan quản lý nhà nước được phép thu hồi mà quyền thu hồi thuộc về đơn vị trao tức BTC cuộc thi.
“Đối với cơ quan quản lý nhà nước, ngay cả giới truyền thông cũng thế thôi… Lê Âu Ngân Anh đã không còn là Hoa hậu Đại Dương nữa rồi. Còn Công ty này vẫn công nhận cô này là Hoa hậu thì đó là việc của người ta, mình không thể nhảy xổ vào để bắt họ không được làm thế. Bộ cũng không được phép nhảy vào tước vương miện của Lê Âu Ngân Anh vì không có quy định nào cho phép làm điều đó.
Chắc chắn những gì thuộc về quản lý nhà nước thì Bộ sẽ xử lý theo đúng quy định. Nếu bây giờ công ty Võ Việt Chung International xin cơ quan quản lý cấp phép cho Lê Âu Ngân Anh ra nước ngoài tham dự các cuộc thi nhan sắc thì chắc chắn Bộ sẽ không bao giờ cấp phép”, Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL nhấn mạnh.
Về chuyện Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận mà đêm chung kết đã diễn ra liệu có đúng quy định?, ông Phạm Cao Thái cho rằng, cho đến thời điểm này, Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu vẫn diễn ra đúng quy định của pháp luật. Những ồn ào liên quan đến việc tranh chấp giữa các thành viên trong hội đồng quản trị của công ty tổ chức cuộc thi này mặc dù Thanh tra Bộ biết nhưng để xác minh được cụ thể phải có sự phối hợp với các cơ quan khác. Điều này nằm ngoài phạm vi quản lý của Thanh tra Bộ.
Theo ông Phạm Cao Thái, thông tin mà Bộ nhận được về cuộc thi là vào ngày 18/4. Ngay chiều 18/4, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Thanh tra phải vào cuộc xác minh. Đầu tiên là xác minh tư cách pháp nhân của công ty tổ chức cuộc thi hoa hậu. Sau khi xác định được tư cách pháp nhân hợp pháp, Thanh tra Bộ đã làm việc trực tiếp với những người có đơn. Tuy nhiên, khi đó cuộc thi đã sát với thời gian diễn ra đêm chung kết nên buộc phải linh hoạt để cuộc thi diễn ra.
“Một sự kiện văn hóa thì mình cũng phải hành xử có văn hoá. Ngày 19/4, người làm đơn yêu cầu cơ quan thanh tra phải ra quyết định dừng đêm chung kết của cuộc thi lại. Trong khi ngày 20/4, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến tỉnh đã có mặt tại Phú Quốc để dự đêm chung kết rồi. Nếu dừng đêm chung kết lại thì thiệt hại đó ai chịu và cơ sở để dừng cũng không có”, ông Thái nói thêm.
Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cũng khẳng định, không có chuyện thời gian qua Bộ cấp phép tràn lan các cuộc thi hoa hậu. Các cuộc thi hoa hậu quy mô toàn quốc một năm không quá hai lần, quy mô cấp tỉnh một năm không quá một lần. Phân cấp cấp phép rồi nên không có chuyện muốn cấp là cấp.
Việc hậu kiểm các cuộc thi nhan sắc, nhất là với các người đẹp đã có danh hiệu, ông Thái cho biết, sau khi người đẹp đạt danh hiệu, quản lý nhà nước cũng chỉ quản lý những gì nhà nước cho phép. Hoa hậu khi đạt vương miện có những cam kết gì trong phạm vi quản lý nhà nước thì quản lý nhà nước mới can thiệp.
“Bây giờ Bộ phải đi quản lý những lùm xùm ngoài phạm vi quản lý của Bộ thì khó quá. Nói thật, bây giờ Bộ đi quản lý chuyện Hoa hậu Kỳ Duyên ngủ quên gác chân lên ghế thì làm sao mà quản lý được. Nếu các hoa hậu có hoạt động gì đó mà cần thiết phải xử phạt hoặc tước theo quy định thì chúng tôi mới xử lý”, ông Thái bày tỏ.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn