Người xem đang mất dần lòng tin vào truyền hình thực tế?
Những ngày qua, câu chuyện người cha đơn độc tên là Đặng Hữu Nghị (Bình Chánh -TP. HCM) nuôi hai con trai bị teo não tham gia truyền hình thực tế đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả truyền hình. Rất nhiều tấm lòng đã tìm đến tận nơi ở của 3 bố con anh Nghị để động viên và giúp đỡ về vật chất. Tuy nhiên, sự việc sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều về hoàn cảnh thực sự của người đàn ông này.
Khi câu chuyện vẫn đang trong “vòng xoáy” của những điều sáng tối thì vợ cũ của người đàn ông này bất ngờ xuất hiện “tố” chồng mình đã “dàn dựng” nên câu chuyện chị bỏ con để “câu” lòng trắc ẩn của người đời. Sau đó, một số cư dân mạng đã đến tận nhà tìm hiểu và phát đi thông tin anh Nghị bị nhiều người gọi điện đe doạ, bắt anh phải trả lại tiền cho các mạnh thường quân và nói lời xin lỗi mọi người.
Cho đến thời điểm này, sự thật vẫn đang trong “ma trận” của những lời đồn thổi, những lời kể chưa có kiểm chứng… Nhiều người vẫn tỏ ra cảm thông cho hoàn cảnh đáng thương của người đàn ông này. Nhưng cũng có nhiều người phẫn nộ vì cảm thấy lòng trắc ẩn của mình bị lợi dụng.
Còn nhớ, cách đây không lâu, dư luận cũng từng “dậy sóng” với chuyện tình đầy cảm động của một cô gái mù đến từ Nghệ An với anh chàng đến từ Thanh Hoá (tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) trên truyền hình. Chuyện tình của cặp đôi này đẹp đẽ và thấm đẫm tình người tới mức ai xem cũng phải rơi lệ. Tuy nhiên, sau đó nhiều người đã chưng hửng khi biết sự thật là anh chàng này đã có vợ con riêng và chưa hề tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Câu chuyện của cựu thành viên nhóm Mắt Ngọc cũng từng khiến dư luận phẫn nộ khi đóng giả cô gái tên Huyền Minh mang hoàn cảnh đáng thương, làm phục vụ ở nhà hàng, bị tai nạn khiến khuôn mặt bị biến dạng bởi sẹo, quá tự ti về khuôn mặt của mình nên phải đeo mặt nạ tham gia X-Factor. Sự thật được phanh phuy khiến Anh Thuý phải nói lời xin lỗi, tự rút khỏi cuộc thi và chịu không ít những lời đàm tiếu.
Thực tế, trong mấy năm trở lại đây, khi truyền hình thực tế bùng nổ với đủ các thể loại như: thi hát, thi diễn hài, thi nấu ăn, thi tài năng, thi người mẫu, thi thiết kế, thi hùng biện... thì rất nhiều nhà sản xuất tìm đến “chiêu trò” để cạnh tranh. Và một trong những “vũ khí” lợi hại để kéo người xem đến với chương trình đó là nước mắt, lòng trắc ẩn... Người ta dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ chương trình truyền hình thực tế nào những câu chuyện cảm động về hoàn cảnh đáng thương của thí sinh, những nghị lực sống, những chuyện tình yêu đầy tình người...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho rằng, việc truyền hình thực tế lấy nước mắt hoặc khơi dậy lòng trắc ẩn của người xem sẽ không có gì là xấu nếu câu chuyện đó là sự thật 100%. Và việc đưa câu chuyện đó lên truyền hình với mục đích chính là để người xem thấy được xung quanh mình vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, nghị lực sống đáng khâm phục, chuyện tình yêu đáng được ngưỡng mộ... chứ không phải để “câu” rating thì chương trình đó sẽ rất nhân văn, đáng được ủng hộ.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là những chương trình như thế ngày nay rất hiếm. Nhiều câu chuyện lấy nước mắt của người xem trên truyền hình đã bị phanh phui bởi sự thật phía sau không phải như thế. Câu chuyện nhân văn đã bị phản tác dụng, người xem truyền hình mất dần lòng tin vào truyền hình thực tế. Và đó cũng là một dấu hiệu cho thấy truyền hình thực tế đang đi vào “ngõ cụt”.
“Đem con bỏ chợ” và sự thừa thãi nước mắt
Nhiều người cho rằng, nước mắt trên truyền hình thực tế đang bị thừa thãi, nhất là với các chương trình dành cho trẻ con. Có người còn đếm được, trong một tập phát sóng của “Giọng hát Việt nhí 2014”, có tới 4- 5 thí sinh có hoàn cảnh đáng thương. Những clip hậu trường đã được nhà sản xuất dày công tìm về tận nơi, phỏng vấn hàng loạt người... để làm nổi bật sự đáng thương của thí sinh. Trong khi đó, bản thân thí sinh lại không thực sự có tài năng nổi trội.
Người ta từng rơi nước mắt trước hoàn cảnh đáng thương của cô bé Thu Hiền (11 tuổi) ở Củ Chi tham gia “Giọng hát Việt nhí 2014” khi cô bé mồ côi cha, khát khao được đến trường học chữ, mưu sinh bằng nghề hát đám cưới. Cô bé Ngọc Anh bị khiếm thị bẩm sinh do bị bong võng mạc vì sinh non nhưng vẫn khát khao được đứng trên sân khấu “Giọng hát Việt nhí” để khẳng định mình. Những câu chuyện thương tâm đó đã nhanh chóng chìm vào lãng quên bởi sau đó nhà sản xuất đã không có động thái gì thêm. Các thí sinh trở lại với cuộc sống đời thường và vẫn chật vật với những gánh nặng mưu sinh.
Tương tự, chàng trai dân tộc Chu Ru – Ya Suy tham gia Vietnam Idol 2012 cũng từng lấy được thiện cảm của nhiều người khi xuất hiện với thân phận của một người mang hoàn cảnh éo le. Những cái tên khác như: Ngô Trung Quang – chàng thí sinh 18 tuổi thi “Thần tượng Bolero”, Đông Hùng ở Vietnam Idol 2013, Thái Ngân – thí sinh X-Factor mùa đầu tiên… đều mang thân phận đáng thương, gia đình gặp nhiều biến cố, phải bươn chải với cuộc sống một cách khó khăn.
Điều đáng nói là sau khi xuất hiện với những thân phận đáng thương thì những gương mặt này đã không có gì nổi bật. Rời cuộc thi, trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn chỉ là những cái tên mờ nhạt. Bản thân các nhà sản xuất cũng chỉ khơi gợi lòng trắc ẩn của khán giả truyền hình ở những tập đầu tiên rồi cũng “mặc kệ” thí sinh bơi trong cuộc sống của họ. Sự hỗ trợ để “thắp sáng tài năng” hoặc sự chia sẻ để cuộc sống của những thí sinh này bớt khó khăn đã không hề được thực hiện. Đó là lý do khiến không ít người đặt câu hỏi về mục đích phát những clip hậu trường về cuộc sống của thí sinh trên truyền hình thực tế.
Nhạc sỹ Lê Minh Sơn từng bày tỏ rằng, đã nhiều năm nay anh nói không với ti vi, với truyền hình thực tế. Bản thân anh thấy câu chuyện của truyền hình thực tế không có gì hấp dẫn, không đáng để những người như anh phải quá bận tâm. Và anh thường không tin những điều mà truyền hình thực tế phát, nhất là những câu chuyện đẫm nước mắt.
“Thí sinh đến với cuộc chơi là để khẳng định tài năng chứ không phải để lấy nước mắt người xem bằng hoàn cảnh. Nếu anh có tài năng thì dù hoàn cảnh có ra sao người ta vẫn bình chọn cho anh, còn anh không có tài năng mà chỉ đem hoàn cảnh ra câu kéo thì sớm muộn cũng bị người ta quên lãng”, nhạc sỹ Lê Minh Sơn nói.
Nhiều nghệ sỹ cũng khẳng định, “mô tuýp” nước mắt, sự đáng thương, nghị lực sống… trên truyền hình thực tế đang bị nhàm, nhảm và nhạt. Sự thật phía sau những câu chuyện thương tâm đang làm cho khán giả truyền hình giảm dần lòng tin. Và không có gì tàn nhẫn hơn khi lòng trắc ẩn bị lợi dụng cho những mục đích mang tính thương mại, “câu” rating…
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn