Câu chuyện đầu tiên khiến khán giả xúc động đến từ chị Võ Thị Mỹ Lệ. Chị Lệ đăng kí tham gia chương trình để hát cho một người bạn thân của mình là anh Nguyễn Hoàn Tú.
Anh Tú là một nghệ sĩ xiếc được gia đình truyền nghề từ khi còn bé. Tuy nhiên, cái nghề “sơn đông mãi võ” này thu nhập rất bấp bênh trong khi anh lại là trụ cột của gia đình. Những lúc không có show diễn, anh Tú thường đi làm thêm những công việc khác để trang trải cuộc sống gia đình. Dù có nhiều khó khăn hay trải qua thời gian khổ luyện cực nhọc nhưng vì quá đam mê nên anh vẫn một lòng theo đuổi con đường mình đã chọn.
Anh ước mong khán giả sẽ thích thú, yêu quí nghề xiếc này và không còn định kiến đây chỉ là một nghề “sơn đông mãi võ” nữa. Vì mỗi một nghệ sĩ xiếc công phu đều trải qua một khoảng thời gian tập luyện rất gian khổ, đánh đổi bằng máu và cả mạng sống của mình để cống hiến cho khán giả những tiếc mục thú vị. Chị Lệ muốn thông qua chương trình này để động viên cũng như góp một phần sức lực giúp anh vượt qua khó khăn và tiếp tục niềm đam mê của mình.
Câu chuyện tiếp theo của một người cha hát cho 3 cô con gái của mình, anh I Cũ Bkrông (I Chu) - Đắk Lắk. Gia đình anh có 3 đứa con gái, là gia đình duy nhất trong làng cho cả 3 đứa con đi học. Anh vợ chồng anh I Chu làm rẫy ngô, mỗi năm thu hoạch được vụ, vì thế cuộc sống khá khó khăn. Những lúc nông nhàn, anh cùng vợ đi bắt cá ngoài sông, đi làm thuê làm mướn, làm mọi cách để 3 đứa con được đi học.
Đối với anh, kiến thức là điều quan trọng nhất anh muốn mang đến cho các con cũng như đem đến một tương lai tươi sáng hơn. Anh I Chu sẽ hát cho 3 đứa con của mình như lời động viên các con bước tiếp trên con đường học tập. Lựa chọn bài hát “Yêu dân tộc Việt Nam” để thi ở vòng đầu tiên, giọng hát của người cha Tây Nguyên đã khiến nhiều người bất ngờ.
Hoàn cảnh tiếp theo của chị Ksor H’Hoanh là người dân tộc Ê Đê, Gia Lai. Chị hát cho người cháu cùng làng là Y Tói. Y Tói bị khiếm thị từ nhỏ, không được đi học, nhưng bù lại có khả năng nghe và cảm âm rất tốt, đặc biệt khả năng chơi trống Cajon thành thạo. Nhà Y Tói khá khó khăn, ba vừa mới mất gần 2 năm, còn mẹ một tháng phải đi chạy thận 3 lần, các em nhỏ đang đi học, mọi chi tiêu phải phụ thuộc vào Y Tói.
Y Tói bị khiếm thị nhưng vẫn đi làm rẫy, làm việc nhà, tối đi đánh trống kiếm thêm thu nhập. Tuy cơ thể bị khiếm khuyết, không hoàn thiện như người bình thường nhưng anh rất nghị lực và sống vô cùng tình cảm. Bản thân anh không muốn làm gánh nặng cho người khác mà còn thay ba chữa bệnh cho mẹ và chăm lo cho các em. Chị H’Hoanh sẽ hát cho Y Tói có tiền chữa bệnh cho mẹ. Với giọng hát nội lực của người con núi rừng, chị H’Hoanh có tiến sâu vào vòng trong giành chiến thắng cho người cháu của mình?
Câu chuyện cuối cùng dành cho người cha bị khiếm thị, anh hát để có thể tiếp tục lo lắng cho cô con gái bé nhỏ của mình. Anh tên là Bùi Văn Quẹo, sống tại tỉnh Bình Dương. Anh bị khiếm thị từ năm 16 tuổi, nhưng vẫn đi đứng bình thường, còn vợ anh tuy không có vấn đề về thị giác nhưng khuyết tật và không thể đi được.
Hàng ngày, anh đẩy vợ ngồi trên chiếc xe lăn đi khắp con đường, ngõ hẻm để bán vé số, vừa đi hát, vừa đi bán. Anh chị có một đứa con mới 2 tuổi, bé bị bệnh cườm nước, phải khám định kì nếu không sẽ bị mù. Anh muốn hát cho con có tiền khám và chữa bệnh. Tập 12 “Hát mãi ước mơ” được phát sóng lúc 20h25 ngày 18/5 trên kênh HTV7.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn