Phong tục đòi "mội" trong tang gia của người Mường ở Bá Thước
Đó là phong tục từ bao đời nay trong đám tang của người Mường ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa).
Nghi thức ma chay của người Mường thể hiện được những tập tục cổ truyền, tỏ lòng thành kính, trả công ơn người đã khuất. Các phong tục này đã bắt rễ lâu đời ăn sâu vào tâm khảm của người dân, là chất liệu góp phần xây dựng nên bản sắc- bản ngã của dân tộc Mường.
Các nghi thức tang ma của người Mường cũng được quy định rất nghiêm ngặt. Từ trang phục của người chết, con cháu anh em họ hàng... cho đến việc xem ngày giờ nhập quan, cách bầy trí các đồ cúng lễ áo quan, các nghi lễ, nghi thức: đưa ma, quạt ma. Đặc biệt, đám tang của người Mường không thể thiếu được thầy mo.
Ngoài những nghi lễ tang ma đặc điểm chung của dân tộc Mường thì người Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa còn có phong tục đòi “mội” khi trong gia đình có người cao tuổi mất.
Cũng theo các cụ cao niên thì ý nghĩa của việc đòi “mội” đó là thông gia cảm ơn đấng sinh thành đã sinh ra chàng rể - người chồng của con gái mình, và cũng là trả ơn lễ nghi khi nhà trai sang hỏi cưới con gái mình trước đây.
Thông thường, nếu người mất đó có con trai thì con trai cả sẽ đứng ra đòi “mội” ở nhà thông gia. Trường hợp người mất không có con trai thì một người đại diện trong dòng họ sẽ đứng ra đòi “mội”.
Thủ tục đi “mội” bên thông gia bao gồm những thứ lễ mà trước đây đã nhận lễ khi gả con gái về nhà chồng.
Số lượng thông gia được đòi “mội” tùy thuộc vào số lượng con trai của người đã khuất đã lập gia đình. Lễ ma chay cho người đã khuất của người Mường có từ 1-2 “mội”.
“Mội” của thông gia sẽ là cây gỗ “mội” hình dáng như ngôi nhà sàn. Trong cây gỗ “mội” có hoa, quả, bánh kẹo, một con gà đã luộc chín, bên ngoài trang trí bằng giấy màu rực rỡ có hoa văn đặc trưng của dân tộc. Lễ thứ hai là một khiêng gạo và rượu, lễ thứ ba là một con lợn còn sống.
Điều đặc biệt trong thủ tục đi “mội” là ngày xưa khi nhà thông gia đến gần đến nhà tang gia thì họ bắn một phát súng chỉ thiên báo hiệu đã đến và gia đình tang gia chuẩn bị, khi nào chuẩn bị xong thì bắn một phát súng chỉ thiên để báo hiệu đã sẵn sàng thì lúc đó nhà thông gia mới được vào. Tuy nhiên, những năm sau đó, việc sử dụng súng bị cấm nên thủ tục này được bỏ đi.
Khi đến cổng thì gia đình tang gia cử một đại diện ra thưa chuyện chào đón, nhận lễ, theo sau là các con dâu, con gái, con cháu dòng họ để quỳ xuống lạy bên phía nhà thông gia.
Sau khi nhận lễ thì nhanh chóng được bày xếp vào chỗ gần quan tài và ậu mo. Lợn và gạo thì được mang ra giết thịt, và đồ cơm. Thủ lợn được làm trước tiên, luộc chín cùng với mâm xôi được đưa lên khu vực cúng lễ để ậu mo làm thủ tục cúng.
Phần còn lại thì trả lại cho thông gia một đùi thịt, và còn bao nhiêu thì làm thành mâm cơm (số lượng mâm tùy thuộc số lượng người nhà thông gia đi “mội”) để tiếp đãi nhà thông gia.
Hai bên đều cử ra những người có uy tín đại diện để trò chuyện qua lại giữa lúc hai bên cùng nâng chén rượu để chia buồn. Kết thúc, một lần nữa gia đình thông gia thắp hương để tiễn biệt người quá cố và ra về.
Mặc dù, một số nghi thức trong phong tục đi “mội” nay đã cắt giảm, song việc đòi “mội” vẫn là phong tục không thể thiếu bao đời nay trong đám tang của người Mường ở Bá Thước.
Ông Hà Đình Nguyên, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Điền Trung, huyện Bá Thước cho biết: "Đây là phong tục đã có từ lâu đời của người Mường xứ Thanh. Tuy nhiên, thể hiện rõ nét nhất vẫn là người Mường ở Bá Thước và huyện Cẩm Thủy. Dù trải qua thời gian nhưng phong tục hầu như còn nguyên vẹn, chỉ có một số nghi thức mất đi để phù hợp với thời thế".
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn