Người dân Nga xem bóng đá ở trung tâm thương mại
Thực tế là hiện rất khó mua vé cho các trận đấu từ giai đoạn knock-out của World Cup 2018, trận càng được dự đoán hấp dẫn, giá vé càng cao.
Mấy ngày qua, tôi đã nghe CĐV của nhiều nước than thở không mua được vé xem các trận đấu của đội tuyển nước họ ở giai đoạn đấu loại trực tiếp, dù sẵn sàng ra giá cả ngàn USD/vé.
World Cup đúng là con gà đẻ trứng vàng của FIFA. Nếu như quốc gia chủ nhà phải đầu tư lớn để cải thiện cơ sở vật chất phục vụ World Cup, đặc biệt là hệ thống giao thông và sân bãi, thì FIFA không tốn tiền cho các khoản này.
FIFA cũng có hỗ trợ cho quốc gia chủ nhà của mỗi kỳ World Cup một khoản nhất định, nhưng khoản hỗ trợ đấy dĩ nhiên không thấm vào đâu so với con số hàng chục tỷ USD mà nước Nga hay các quốc gia chủ nhà của những kỳ World Cup trước bỏ ra, để tổ chức thành công World Cup trên sân nhà.
FIFA cũng có quy định tỷ lệ ăn chia với nước chủ nhà, xung quanh các khoản thu ở các kỳ World Cup. Tuy nhiên, khác biệt rất lớn của đôi bên ở chỗ FIFA không phải đối diện với những rủi ro trong đầu tư, cũng không phải lo bài toán sử dụng cơ sở vật chất hậu World Cup.
Đôi bên có thể cùng thu về hàng tỷ USD cho mỗi bên sau kỳ World Cup 2018, nhưng FIFA không cần phải bù lỗ cho việc chi tiền để cải thiện cơ sở vật chất phục vụ World Cup như nước chủ nhà Nga, cũng không phải đau đầu chuyện sau kỳ giải vô địch thế giới lần này, các SVĐ sẽ dùng như thế nào cho đúng công suất?
Đấy là bài toán xảy ra ở hầu hết các quốc gia tổ chức World Cup. Như nước Pháp sau World Cup 1998 hầu như không biết dùng sân Stade de France sao cho đúng tầm vóc của sân bóng này.
CLB nổi tiếng nhất của thủ đô Paris của nước Pháp là PSG nhất quyết vẫn chọn sân Công viên các hoàng tử để thuận tiện cho khán giả đến xem hàng tuần (vì gần trung tâm hơn), lại có kích thước phù hợp hơn, không bị “loãng” nếu như phải đá ở sân Stade de France.
Nam Phi sau World Cup 2010 cũng rơi vào tình trạng tương tự, các sân bóng thì hiện đại, hoành tránh, nhưng lại không mấy khi tổ chức các trận đấu đúng tầm.
FIFA thì lại khác, họ không lo chuyện đó, trong khi FIFA có quá nhiều nguồn thu, từ các nhà tài trợ cỡ bự, từ nguồn thu từ vé cao ngất nêu ở trên, từ bản quyền truyền hình…
Hôm trước, báo chí Anh có đưa tin FIFA chi 10.000 bảng/ngày (khoảng 13.000 USD và tầm 300 triệu đồng) cho các dịch vụ mà Maradona sẽ hưởng tại nước Nga, trong những ngày Maradona đến Nga xem World Cup.
Con số này thoạt nhìn thì lớn thật, với một người bình thường, nhưng với FIFA, số đấy chẳng thấm vào đâu cả. Tính sơ sơ, chỉ cần FIFA bán vài chục cái vé mỗi trận với giá vài trăm USD/vé, đã có thể đủ trang trải cho chi phí kể trên, trước khi dùng hình ảnh của Maradona quảng bá cho chính hình ảnh của giải đấu.
Mỗi trận, mỗi sân bóng tại World Cup có đến vài chục ngàn người, cùng vài chục ngàn chiếc vé được bán ra. Mỗi ngày có vài trận đấu như thế, cộng thêm tiền tài trợ, tiền bản quyền truyền hình ngày một phình to, FIFA thu bộn ở các kỳ World Cup.
Đấy là lý do mà FIFA đã thông qua việc sẽ nâng số đội dự VCK World Cup từ 32 hiện nay lến 48 vào năm 2026. Nhưng FIFA càng làm giàu theo cách kể trên, gánh nặng đối với quốc gia đăng cai càng lớn.
Và không phải quyết định nào của FIFA cũng nhận được sự ủng hộ của phần đông người hâm mộ trên khắp thế giới, như câu chuyện vé quá đắt đỏ và quá khó mua như CĐV các nước than thở mấy ngày gần đây! Theo cách nói của họ, World Cup và khâu bán vé của FIFA ngày càng xa tầm tay tầng lớp lao động bình dân!
Tác giả: Hải Yến (từ Moscow)
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn