Nhiều đêm thức trắng vì lần đầu được hoá thân thành Bác Hồ
Một số tác phẩm mà NSƯT Tiến Hợi đã từng thể hiện vai Bác Hồ nổi tiếng như: Đêm trắng, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông năm 1946...
Nghệ sĩ Tiến Hợi sinh năm 1959, quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội. Sở hữu giọng nói, sự giản dị của người dân xứ Nghệ, ông được vinh dự nhận vai diễn Bác Hồ trong vở “Đêm trắng” khi công tác tại Đoàn nghệ thuật Trường Sơn - Quân khu II vào năm 28 tuổi.
NSƯT Tiến Hợi kể: “Năm 1987, khi tôi đang công tác ở Đoàn Nghệ thuật Quân khu II thì Đoàn của tôi có nhận được kịch bản của tác giả Lưu Quang Hà. Kịch bản có tên “Đêm trắng”, trong kịch bản này có hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở giai đoạn 1947 - 1948. Nhận được kịch bản, lãnh đạo Đoàn khá bối rối vì không biết chọn ai đóng vai Bác Hồ. Nhiều ý kiến đưa ra, định sẽ mời các nghệ sĩ từng đóng vai Bác Hồ tham gia vở diễn nhưng nếu như thế thì mỗi lần mang vở diễn này đi các nơi sẽ hơi vất vả.
Cuối cùng, lãnh đạo Đoàn quyết định kiểu gì cũng sẽ phải chọn ra một người trong Đoàn đóng vai Bác Hồ. Thời kỳ đó, tôi mới 28 tuổi, người dong dỏng cao (cao 1m7), hơi gầy (nặng khoảng 53kg), giọng nói cũng hao hao giọng Bác Hồ…
Mọi người nhìn nhận tôi “hao hao giống Bác” nhất Đoàn nên đã cử tôi đi hóa trang. Khi tôi đến nhà NSƯT Nhữ Đình Nguyên hóa trang thì mất một tiếng đồng hồ mới làm xong. Hóa trang xong, chụp ảnh thử… ai cũng ngỡ ngàng vì giống Bác quá. Tôi xem ảnh cũng không thể ngờ khi mình hóa trang xong lại giống hình ảnh Bác Hồ đến vậy”.
Nam nghệ sĩ cho biết, khi được lãnh đạo Đoàn giao thể hiện hình tượng Bác Hồ, ông rất lo lắng và áp lực. Nhiều đêm ông phải thức trắng vì suy nghĩ bởi đó là lần đầu tiên ông vào vai Bác Hồ, một hình tượng nhân vật rất thiêng liêng và cao cả đối với mỗi người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, các cảnh Bác Hồ xuất hiện trong vở diễn cũng rất nhiều và thoại cũng rất nhiều.
Vì lẽ đó, NSƯT Tiến Hợi đề xuất với lãnh đạo Đoàn cho ông được xem một loạt các phim tư liệu về Bác. Ông đến Đài Tiếng nói Việt Nam và các Trung tâm lưu trữ để lục lại các băng tư liệu ghi lại các cuộc nói chuyện của Bác Hồ với đồng bào để nghe lại. Trong 2 tháng trời tập vở, ngày nghệ sĩ lên sàn tập, chiều lại về mở băng đĩa tư liệu ra xem, tối về mở băng tiếng ra nghe.
“Tôi đã nghe rất nhiều. Nghe để làm sao tôi thấm được tone (tông) giọng của Bác và luyện để tone giọng của tôi với Bác hòa làm một. Khi tôi xem băng đĩa, tôi nghiên cứu rất kỹ từng dáng đi, dáng ngồi và phong cách Bác nói chuyện với mọi người.
Riêng về thần thái của hình tượng nhân vật Bác Hồ thì khi NSƯT Nhữ Đình Nguyên hóa trang cho tôi có bảo, ánh mắt tôi sâu, trong ánh mắt toát lên sự nghị lực, dáng lại dong dỏng cao và có nét hao hao giống Bác. Đó là một lợi thế cực kỳ lớn để khi tôi hóa thân thành Bác Hồ trên sân khấu ở vở đầu tiên”, NSƯT Tiến Hợi nói.
Theo NSƯT Tiến Hợi, cái khó nhất khi thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở kịch “Đêm trắng” chính là phải làm sao thể hiện rõ nét nhất cốt cách và cá tính của Bác ở giai đoạn lịch sử đó. Và để làm được điều đó, nam nghệ sĩ không chỉ nỗ lực nghiên cứu, kiên trì tập luyện mà còn tham vấn ý kiến của rất nhiều người để mỗi khi bước lên sân khấu là mang đến cảm xúc chân thật nhất cho người xem.
Những cảm xúc lắng đọng không bao giờ quên
Nam nghệ sĩ nhớ mãi kỷ niệm khi Đoàn đưa vở kịch “Đêm trắng” lên công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, có một lần khi diễn xong, ông vào hậu trường để tẩy trang thì ông Vũ Kỳ - Thư ký nhiều năm của Bác Hồ vào tận nơi ôm lấy nam nghệ sĩ khóc. Lúc đó, nam nghệ sĩ cũng không kìm được nước mắt nên khóc theo.
“Lúc đó, tôi khóc vì hạnh phúc và tự hào, còn bác Vũ Kỳ thì khóc vì xúc động. Bác nói với tôi: “Cảm ơn Tiến Hợi. Không ngờ Tiến Hợi trẻ như thế này mà thể hiện vai Bác Hồ gần gũi, sống động, thân mật quá! Tiến Hợi cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo và thể hiện tốt hơn nữa hình tượng Bác Hồ trong sự nghiệp của mình”.
NSƯT Tiến Hợi hoá thân hình ảnh Bác Hồ thời trẻ trong phim "Hà Nội mùa đông năm 1946".
Rồi có một lần, khi kết thúc vở diễn, anh chị em nghệ sĩ ra chào khán giả thì tôi thấy bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi lên. Lúc đó, tôi thấy khóe mắt của bác Đại tướng có nước mắt nhưng miệng bác lại cười rất tươi. Bác lại gần bắt tay rồi trao hoa cho tôi và chỉ nói được đúng hai từ “Cảm ơn!”. Tôi lúc đó cũng rưng rưng xúc động, tay nhận hoa mà nước mắt cũng trào dâng. Hình ảnh đó, cảm xúc đó không bao giờ tôi quên được trong những năm tháng cuộc đời”, NSƯT Tiến Hợi xúc động kể.
Vở kịch “Đêm trắng” sau đó đã đem đi công diễn phục vụ các chiến sĩ biên giới phía Bắc 300 suất. Sau 300 suất diễn đó đã tạo đà cho nghệ sĩ Tiến Hợi thể hiện nhiều hơn vai Bác Hồ trong các tác phẩm nghệ thuật.
Năm 1987, NSƯT Tiến Hợi về công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội. Thời kỳ này, ông được đạo diễn Long Vân mời đảm nhận vai Bác Hồ - Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên nói về Bác Hồ thời trẻ. Với nghệ sĩ Tiến Hợi thì đây cũng là một bước ngoặt lớn bởi trước đó ông chưa bao giờ đóng phim điện ảnh.
“Lúc đó tôi đã gần 30 tuổi mà lại hoá thân hình ảnh Bác Hồ thời trẻ nên cũng có chút khó khăn. Nhưng tôi đã trao đổi với đạo diễn và ê-kíp làm phim, làm sao để có được vai Bác Hồ gần gũi, mộc mạc và chân thật nhất. Khổ nỗi, thời kỳ Bác Hồ rời bến cảng Nhà Rồng lên tàu sang Pháp lại có rất ít tài liệu ghi lại. Duy nhất chỉ có tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng.
Và khi đoàn phim vào quay ở Huế, tôi cũng phải thường lân la hỏi các cụ già xem thanh niên thời đó sống như thế nào, phong tục tập quán thời đó ra sao… Từ đó, tôi biết để xây dựng hình tượng nhân vật thanh niên Nguyễn Tất Thành có nghị lực và chí khí cách mạng”, NSƯT Tiến Hợi kể thêm.
Đặc biệt, trong bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1946”, lấy bối cảnh Bác Hồ trong giai đoạn lịch sử khi ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, sự thể hiện thành công của NSƯT Tiến Hợi đã góp phần đưa bộ phim đoạt giải Bông sen Bạc.
NSƯT Tiến Hợi tâm sự, bằng tấm lòng yêu quý Bác Hồ - vị cha già của dân tộc Việt Nam, trong mọi tác phẩm ông thể hiện (sân khấu, điện ảnh, truyền hình và phát thanh) ông đều cố gắng nuôi dưỡng cảm xúc nguyên vẹn với mỗi lần hóa thân hình tượng Bác.
Đặc biệt, bất kỳ lần nào bước chân lên sân khấu để thể hiện hình tượng Bác Hồ ông cũng đều nghiên cứu và tính toán rất nghiêm cẩn. Từ động tác, ánh mắt, tác phong và lời nói… để hình tượng của Bác phù hợp với mỗi thời kỳ lịch sử.
Với nam nghệ sĩ, việc thể hiện hình tượng Bác Hồ thời kỳ Người còn ở chiến khu là nhiều tư liệu nhất và cũng khó nhất. Bản thân ông cũng thích thể hiện hình tượng Bác Hồ ở thời điểm nhất vì tâm lý nhân vật cho đến hoạt động của Bác phong phú nhất.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn