Vào ngày 11/12/1993 cách đây 25 năm, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. 10 năm sau, vào ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (đến năm 2008 được gọi là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại). Đây là 2 di sản vật thể và phi vật thể đầu tiên tại Việt Nam được ghi danh là Di sản thế giới.
Từ đó đến nay, Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhã nhạc đã được nghiên cứu và phục hồi hệ thống bài bản, nhạc cụ, y phục, tập huấn, đào tạo, tổ chức trình tấu tại không gian diễn xướng nguyên thủy, biểu diễn giới thiệu ở trong và ngoài nước.
Đã có khoảng 170 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, tiêu biểu như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, Đông – Tây Khuyết Đài, điện Long An, cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc (khu vực đàn chính), tổng thể lăng Gia Long, các công trình tại lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, chùa Thiên Mụ, cung An Định, 10 cổng Kinh thành và Quan Tượng Đài, sông Ngự Hà…
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn nhiều tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng như 10 nhạc khúc trong lễ Tế Giao, 9 nhạc khúc trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan dương, Vạn thọ và Tết Nguyên đán, 37 nhạc khúc diễn tấu với dàn Tiểu nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu trong các đợt vua ngự, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc... nghiên cứu dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu, 2 vở tuồng cung đình cổ và 25 trích đoạn tuồng phục vụ cho lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật.
Một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn được phục hồi thành công như lễ Tế Giao, lễ Tế Xã Tắc, lễ Truyền lô - Vinh quy bái tổ (lễ vinh danh tiến sĩ dưới thời Nguyễn), lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình, Văn hiến kinh kỳ…
Đặc biệt trong các dịp lễ hội Festival Huế, các loại hình nghệ thuật cung đình bao gồm cả lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, ẩm thực, trò chơi.. đã thực sự đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của tỉnh Thừa Thiên Huế, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế.
“Chặng đường 25 năm phục hưng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế thực sự là chặng đường khó khăn gian khổ với rất nhiều thử thách, nhưng cũng là chặng đường gắn liền với những thành tựu to lớn của sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế. Trong chặng đường trước mắt và tương lai lâu dài, di sản văn hóa chắc chắn vẫn sẽ là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của cố đô Huế"- TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trao đổi.
Cũng trong đợt này, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp UNESCO Việt Nam” năm 2018 cho 10 cá nhân tại Huế có đóng góp xuất sắc vào việc xây dựng và phát triển sự nghiệp UNESCO của Việt Nam, gồm:
8 cá nhân thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là ông Phan Thanh Hải, Giám đốc; ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc; ông Nguyễn Minh Biểu, nguyên Giám đốc BQL Dự án trùng tu di tích Huế; bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; bà Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế; ông Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế; bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học; bà Lê Thị Thanh Bình, phụ trách phòng hợp tác đối ngoại; và 2 cá nhân khác là ông Phan Thuận An, nhà nghiên cứu Huế; ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tác giả: Đại Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn