Thật ra thì không phải đến cuối tuần rồi, cầu thủ Hải Phòng mới khóc, mà họ đã khóc ngay sau trận thắng Long An ở vòng đấu trước. Từ thời điểm đó, đội bóng đất Cảng đã hiểu rằng ngôi vô địch khó thoát khỏi tay Hà Nội T&T, sau khi đội bóng thủ đô có chiến thắng trước đối thủ trực tiếp Than Quảng Ninh.
Thậm chí, trước nữa, từ lúc Hải Phòng liên tục mất điểm trong nhiều tuần lễ liên tiếp, từ chỗ dẫn đầu bảng với cách biệt chục điểm so với đối thủ xếp gần nhất, đến chỗ bị san bằng và bị vượt lên, người tinh ý đã xem Hà Nội T&T là ứng cử viên lớn nhất và duy nhất trên đường đua đến ngôi vô địch.
Trên đường đua ấy, Thanh Hoá cũng dần “buông súng” ở đoạn chót của mùa giải, đánh dấu bằng sự ra đi của HLV Lê Thuỵ Hải. Thỉnh thoảng Than Quảng Ninh có... tạt qua ngôi đầu, nhưng kỳ thực tham vọng của đội bóng vùng mỏ không lớn, thể hiện rõ nhất qua 2 trận đấu giữa họ với Thanh Hoá (hoà 2-2, dù chơi hơn 2 người) và Hà Nội T&T (thua 0-1, dù chơi trên sân nhà).
Nếu có điều đáng nói về V-League, người ta sẽ nói về lượng khán giả sụt giảm đáng lo ngại vào cuối mùa, cũng lại liên quan đến đội vô địch Hà Nội T&T.
Đội bóng của bầu Hiển thậm chí còn miễn phí vé cho người xem ở trận tranh ngôi vô địch với Thanh Hoá trên sân Hàng Đẫy, thuộc vòng đấu chót, nhưng sân vẫn không lấp đầy một nửa số chỗ trống.
Nhìn xuyên suốt toàn giải, tân vương của V-League cũng là một trong những đội thu hút khán giả kém nhất. Và vấn đề nằm ở chỗ không phải người hâm mộ được xem miễn phí hay không miễn phí, mà là họ sẽ được xem gì khi vào sân?
Vậy thì V-League đang cho người ta xem những gì? – Đó là một giải đấu bị than phiền về tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng”, liên quan đến nhiều trận đấu mà người ta nghi ngờ các đội cùng thuộc một ông chủ ấy dồn điểm cho nhau, để vượt lên trên trong những cuộc đua giành ngôi vô địch và giành quyền trụ hạng.
Đấy là một giải đấu mà số lượng đội quá chênh lệch so với chất lượng. Cuộc đua trụ hạng ngã ngũ quá sớm, khiến cho gần nửa cuối mùa giải nhiều đội cũng xong nhiệm vụ sớm. Thế là xuất hiện những trận đấu có chất lượng chuyên môn không cao, tính cạnh tranh thấp. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho lượng khán giả giảm sút mạnh ở phần cuối của mùa giải.
Giả sử V-League dừng lại ở mức 8 – 10 đội, cộng thêm việc số suất rớt hạng tăng lên, khi đó cuộc đua ở 2 đội bảng xếp hạng nhiều khả năng sẽ căng thẳng hơn, vì các đội phải cạnh tranh gắt gao với nhau, số đội hoàn thành chỉ tiêu quá sớm cũng giảm đáng kể.
Đằng này, giải đấu có đến 14 đội, trong khi chỉ có 1 suất rớt thẳng (tỷ lệ rớt hạng trung bình chỉ là hơn... 7%), suất còn lại là đá play-off với đội hạng dưới vốn quá chênh lệch về mặt đẳng cấp (xem như khả năng chiến thắng của đội thuộc V-League quá cao). Lại thêm chuyện có đến 4 – 5 đội ở giải đấu ấy bị cho là chịu chi phối bởi cùng 1 ông bầu, thế thì khán giả không hào hứng với tính cạnh tranh của V-League cũng không phải là điều lạ.
V-League vòng cuối ngoài mặt thì kịch tính, phút chót mới tìm ra nhà vô địch, nhưng thực tế có kịch tính đến mức hấp dẫn khán giả hay không lại là chuyện khác. Mà câu trả lời cho vấn đề này thì cứ nhìn vào lượng người đến sân ở giai đoạn cuối mùa thì khắc thấy.
Rồi nếu giải đấu càng ngày càng vắng người xem, kém sức hút đối với người hâm mộ, thì đã đến lúc những nhà tổ chức giải, những người quản lý bóng đá Việt Nam nên đặt câu hỏi họ đang điều hành giải như thế nào? Định hướng phát triển cho hệ thống giải quốc nội ra sao? – Để sân chơi quan trọng nhất trong cả hệ thống bóng đá quốc gia mỗi lúc một vắng khách?
Trọng Vũ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn