Dạy con bằng âm nhạc
Tối ngày 18/2/2004, trong tiết xuân tại Nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ tôn vinh các gương mặt Việt kiều tiêu biểu được bầu chọn danh hiệu “Vinh danh nước Việt 2004” lần thứ nhất.
Danh sách 19 Việt kiều được vinh danh gồm có các nhà khoa học, nhà doanh nhân, nhà nghiên cứu kinh tế như chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, chuyên gia ngân hàng và đầu tư Vũ Giản, TS kinh tế Trần Văn Thọ, doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ; hoặc chuyên về âm nhạc như Đặng Thái Sơn, Trần Văn Khê, Nguyễn Thuyết Phong,Lê Phi Phi. Cao tuổi nhất GS.TS Trần Văn Khê (1921), trẻ nhất là chỉ huy dàn nhạc Lê Phi Phi (1967).
Nhạc sĩ Hoàng Vân cùng phu nhân được mời đến dự và nhận Vinh danh thay người con nơi phương xa. Trong không khí trang nghiêm linh thiêng ấy, ông bà bồi hồi nhớ về những người con của ông.
Mỗi bước đi của con được ông “dẫn lối” bằng âm nhạc: Khi con đi mẫu giáo từ nhà bước ra xã hội được dạy bảo cách xưng hô lễ phép, chào hỏi thân thiện hàng ngày: “Chim gặp bác chào mào: chào bác, chim gặp cô sơn ca: chào cô… Có con chim vành khuyên nhỏ dáng trông thật ngoan ngoãn quá…” Rồi con đến trường ông dạy con bằng “Em yêu trường em với bao bạn thân và cô giáo hiền, như yêu quê hương…”. Khi con khôn lớn ngày ra trường ông có “Tu hú kêu tu hú kêu, hoa gạo nở hoa phượng đỏ đầy ước mơ hi vọng…”
Ông có đến 4 ca khúc cho thiếu nhi được bình chọn danh sách “50 bài hát nhất nhất cho Thiếu niên nhi đồng” do Báo Thiếu niên tiền phong và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 2000.
Được dạy bảo trong ngôi nhà âm nhạc trong lành ấy, hai con đều trưởng thành và theo nghiệp ông gắn bó với Âm nhạc: Tiến sĩ Lê Y Linh - nhà nghiên cứu âm nhạc, và Lê Phi Phi chỉ huy dàn nhạc.
Âm thầm tự hào về những người con hiếu thảo
Tôi nhớ lần đến thăm ông mấy năm trước, thấy căn phòng trong phố cổ được thiết kế lại đầy ánh sáng và hiện đại. Ông tự hào kể: “Con gái Lê Y Linh về thăm bố mẹ thấy căn nhà cũ quá nên đề xuất sửa sang lại, ngặt nỗi nhà mình là diện phố cổ nên không thể thay đổi lớn được.
Linh mời một công ty thiết kế, sau một thời gian khảo sát họ trình bày bản thiết kế với một giá khá cao. Thế là Linh lên mạng internet tìm hiểu và tự vẽ thiết kế như thế này mà kinh phí chỉ bằng một nửa”.
Khi Lê Phi Phi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky, Matxcơva dưới sự giảng dạy của nghệ sĩ nhân dân Nga, giáo sư L.Nikolaev rồi lập nghiệp tại nước ngoài, ông rất trăn trở muốn con về bên cạnh bố mẹ nhưng lại nghĩ: “Môi trường ấy mới phát triển tài năng, mới có điều kiện biểu diễn” nên ông “đả thông” bà để con yên tâm.
Bằng lao động nghệ thuật nghiêm túc, các con ông đều trưởng thành tại những nơi có nền âm nhạc phát triển nhưng phải thật tài năng và lao động chăm chỉ mới có thể sống được bằng nghề.
Có lần Lê Phi Phi kể: “Ở Macedonia nơi gia đình đang sống, căn phòng trang trí nội thất Việt Nam mà bố Hoàng Vân lựa chọn kiểu đóng hàng gửi sang. Trong không gian thuần Việt ấy, gia đình tôi luôn nhớ đến quê nhà và mẹ cha thân yêu như hiện hữu bên gia đình tôi”.
Những buổi hòa nhạc tại Hà Nội mà Lê Phi Phi chỉ huy, ông bà đều đến dự rất chăm chú, thấy được một chỉ huy dàn nhạc tinh tế, chiếm lĩnh không gian chuẩn mực và hào hoa, ông rất hài lòng.
Nhạc trưởng chia sẻ: “Bố tôi Hoàng Vân là khán giả thường xuyên của phần lớn các chương trình tôi thực hiện ở Việt Nam. Trước khi biểu diễn, luyện tập, dàn dựng, đặc biệt là những tác phẩm của bố, tôi thường xuyên trò chuyện, hỏi han ông về mọi điều liên quan tới tác phẩm ấy như lịch sử ra đời, tại sao, nội dung, hoàn cảnh… để chuyển tải tinh thần của các tác phẩm của ông tốt hơn, giàu cảm xúc hơn.
Tôi không chỉ hỏi han, tham khảo được ở ông những thông tin liên quan tới tác phẩm của bố tôi mà ông cũng giúp tôi có được nhiều thông tin về tác phẩm của các nhạc sĩ cùng thời như Hồ Bắc, Nguyễn Đình Thi…
Các chương trình của tôi trực tiếp tham gia, ông thường không bao giờ nhận xét ngay mà phải qua một đêm, vào buổi sáng hôm sau, tôi giống như một cậu bé đến trả bài. Tôi rón rén mời bố đi ăn sáng, uống cà phê sau đó mới mạnh dạn hỏi bố những nhận xét về buổi biểu diễn hôm trước như thế nào. Ông luôn đưa ra những nhận xét rất nghiêm khắc đối với riêng tôi và với chất lượng nghệ thuật của chương trình”.
Những năm trước ông bà còn khỏe các con thường tổ chức những chuyến du lịch gia đình đón bố mẹ khi sang Thái Lan, khi sang Singapore, Indonesia để có dịp các con cháu đoàn tụ. Mấy năm gần đây, ông bà sức khỏe yếu các con đều thay nhau về chăm bố mẹ với lòng thành kính.
Âm nhạc là phải học suốt đời
Ông kể lại: “Hồi mới hòa bình, trong giới âm nhạc có một phong trào “Phá xiềng ca khúc” phải hướng tới những tác phẩm giao hưởng, thính phòng. Mà muốn thế phải được đào tạo bài bản. Tôi có may mắn ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ được cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh Trung Quốc.
Hồi đó nước CHND Trung Hoa mới thành lập được 5 năm, các thầy dạy ở đây đều là các Giáo sư âm nhạc được đào tạo ở châu Âu có trình độ cao. Tôi mới 24 tuổi đầy nhiệt huyết lại vừa từ chiến trường kham khổ được môi trường học hành rất tốt, ăn uống đầy đủ nên học hành hăng say lắm.
Ban đầu khó khăn là tập đàn, trước kia đến với âm nhạc theo tình yêu, chỉ chơi các đàn ghi-ta, măng-đô-lin, ac-cor-đê-ông, nay tập trên đàn piano, riêng việc nhìn bản nhạc và bấm phím đàn sao cho “ăn khớp” phải học đến đau ê ẩm cả ngón tay. Tự nhủ âm nhạc là một môn nghệ thuật, có tính khoa học rất cao phải học mới thành nhạc sĩ sáng tác được.
Hoàng Vân tốt nghiệp xuất sắc với “Giao hưởng thơ: Thành đồng Tổ quốc”, ông được chọn giữ lại học thêm chỉ huy dàn nhạc. Về nước ông được phân công về chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là Trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Có lần tôi trêu ông: “Kể ra bác về chỉ huy dàn nhạc đầu đàn của Đài tiếng nói Việt Nam hồi đó giành nhiều huy chương các kỳ hội diễn thì phải được danh hiệu NSƯT (dành cho nghệ sĩ biểu diễn) và dạy ở nhạc viện nhiều năm đào tạo nhiều nhân tài âm nhạc phải được Nhà giáo ưu tú (dành cho giáo viên đào tạo)”. Ông cười: “Mình nhạc sĩ sáng tác được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh là cũng được rồi”.
Tác phẩm đầy tâm huyết: “Giao hưởng hợp xướng Điện Biên Phủ”
Có lẽ trong sự nghiệp sáng tác, bản giao hưởng hợp xướng “Điện Biên Phủ” Hoàng Vân dành nhiều thời gian tâm huyết nhất: khởi bút vào năm 1990 đến năm 2005 ông mới hoàn thành nốt nhạc cuối cùng bản giao hưởng hợp xướng “Điện Biên Phủ”.
Biết được tin này, TBT báo Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn đề xuất ý tưởng và là đơn vị tài trợ làm một chương trình “Nhạc sĩ Hoàng Vân với Điện Biên Phủ”. Ý kiến được tác giả đồng thuận rất nhanh, Nhạc viện Hà Nội hết lòng ủng hộ, nhạc trưởng Lê Phi Phi thu xếp thời gian từ Cộng hòa Macedonia về dàn dựng chỉ huy chương trình của cha cùng dàn nhạc Giao hưởng - Hợp xướng Nhạc viện Hà Nội.
Nhạc trưởng cảm nhận: “Trước khi luyện tập, dàn dựng biểu diễn những tác phẩm của bố, tôi thường xuyên trò chuyện, hỏi han ông về mọi điều liên quan tới tác phẩm ấy như lịch sử ra đời, tại sao, nội dung, hoàn cảnh… để chuyển tải tinh thần của các tác phẩm của ông tốt hơn, giàu cảm xúc hơn. Được chỉ huy dàn nhạc dàn dựng những tác phẩm khí nhạc và nhạc giao hưởng hợp xướng của cha là việc hạnh phúc trong đời chỉ huy dàn nhạc của tôi. Càng “đi” vào tác phẩm càng hiểu thêm tâm hồn của người cha thân yêu của mình, càng yêu quý và tự hào về cha mình hơn bao giờ hết”.
20 giờ ngày 10 tháng 6 năm 2005 chương trình được bắt đầu với bản giao hưởng thơ số 1 “Thành đồng Tổ quốc”, tác phẩm là bài thi tốt nghiệp được điểm ưu tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh Trung Quốc. Dù đã sáng tác 55 năm nhưng vẫn mang cảm xúc vẫn tinh khôi như ngày nào.
Tiếp theo là Concerto chi violon và dàn nhạc dây “Tuổi trẻ và tình yêu” mà nghệ sĩ độc tấu là Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Ngô Văn Thành. Thật cảm động khi kết thúc nốt nhạc cuối cùng khán phòng vang lên những tiếng vỗ tay hào hứng, nhạc sĩ Hoàng Vân nâng bó hoa tươi thắm tặng nghệ sĩ độc tấu một cây violist bộn bề công việc quản lý mà vẫn thăng hoa với những giai điệu của tình yêu của tuổi trẻ này.
Sau giờ giải lao là bản giao hưởng và hợp xướng Điện Biên Phủ gồm 4 chương ngoài phần mở đầu (Overture): Trên chiến trường không bao giờ quên, Đọc thư hậu phương, Lá cờ của Bác, Bài hát các chiến sĩ trẻ.
Khi tiếng đàn, tiếng hát của dàn nhạc giao hưởng - hợp xướng Nhạc viện Hà Nội do 130 nghệ sĩ của Nhạc viện Hà Nội biểu diễn vang lên, không gian Nhà hát như tĩnh lặng. Ngay phần mở đầu (Overture) đầy ấn tượng.
“Điện Biên! Điện Biên! Nghe những tên làng tên sông tên suối, tên những chiến trường không bao giờ quên…”
Khi dồn dập hối thúc như những bước hành quân, như nhắc nhở của Trên chiến trường không bao giờ quên.
“Rừng núi cao cao, đồng ruộng xanh xanh, gạo trắng dân lành ớ ơ, từ ngày giặc lên chiếm đóng không còn thấy tiếng hát vui, vườn cam xanh xanh chúng phá sạch… Bộ đội ơi sao các anh chưa về, Bộ đội ơi sao các anh chưa về…”.
Lúc khoan thai sâu lắng khi người lính đọc “Lá thư hậu phương”: ca từ chất phác, giai điệu dân ca da diết:
“Con chim xanh đậu cành đu đủ, em gửi thư này mong chóng đến tay anh, nay em có mấy lời hỏi thăm anh, thăm anh nơi chiến trường, anh được khỏe em thật vui mừng quê nhà em vẫn ngóng tin anh, mẹ và em vẫn vui tíu tít bận rộn, từ việc xóm đến việc nhà, con bé lớn vẫn đi học…”
Rồi người lính vào trận với “Lá cờ của bác” : “Đêm đêm giữa rừng Việt Bắc, cửa phòng khuya đèn vẫn sáng ngời ngời. Bác ngồi đó, đêm nay Bác không ngủ, trước mặt Bác tấm bản đồ trải rộng. Bác từng giờ theo dõi bước quân đi… Trong mưa rét chiến sĩ ta đào trận địa, lục cục lào cào, dưới ánh chớp đại bác cầm canh…”
Và kết thúc là “Bài hát các chiến sĩ trẻ” đầy hào sảng cuả thế hệ chiến sĩ trẻ lực lượng kế cận các thế hệ đàn anh: “Việt Nam! Việt Nam! miệng núi đang phun lửa bốc cao, Việt Nam! Việt Nam! những tên làng tên sông tên núi, tên những anh hùng không bao giờ quên”
Người xem như mê đi trong biển âm thanh hùng tráng đó, cho đến khi cây đũa chỉ huy được dừng lại. Ánh đèn trong khán phòng bật sáng tiếng vỗ tay tràn ngập khắp khán phòng Nhà hát Lớn. Nhạc sĩ Hoàng Vân lặng lẽ thấm những giọt nước mắt hạnh phúc trên má, đón nhận những bó hoa của người hâm môn tặng ông.
Ai được dự buổi biểu diễn ấy sẽ mãi không quên dư âm hào sảng, kiêu hãnh về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Người viết bài này có một niềm hạnh phúc khi tấm ảnh chân dung chụp ông lại được ông dùng làm bìa cho tờ chương trình của buổi biểu diễn đầy ấn tượng này.
Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là tượng đài mãi cùng non sông đất nước Việt Nam. Và những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Phú Cương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn