Khóc thét lên khi phải chụp ảnh với trăn
Nhiều khán giả đã bày tỏ nỗi sợ hãi trên trang cá nhân khi vô tình xem được màn thử thách các thí sinh chụp ảnh với trăn và rắn trong tập 5 của Vietnam's Next Top Model 2017. Bản thân các người mẫu sau khi nghe công bố thử thách cũng đều rất bất ngờ, nhiều người la hét thất thanh và không giấu được sự sợ hãi.
Người mẫu Chà Mi chia sẻ, bình thường cô đã rất sợ loài bò sát không chân vì thế khi bắt buộc phải chụp ảnh với trăn và rắn cô đã vô cùng hoảng sợ. Cô buộc phải hét liên hồi “Đừng sợ! Đừng sợ” để kìm hãm nỗi sợ hãi trong mình.
Người mẫu Hoàng Oanh cũng bày tỏ, cô rất áp lực khi chụp ảnh với trăn. Và thực tế là Hoàng Oanh đã khóc thét liên tục với nỗi sợ hãi lộ rõ trên khuôn mặt khi những chú trăn trườn lên mặt cô.
Người mẫu Lại Thanh Hương ngay khi vừa thấy nhân viên hậu đài bê chú trăn bỏ lên người mình cũng hét lên đầy khiếp đảm rồi nước giàn giụa. Cô chia sẻ: “Thực sự nó rất là kinh khủng vì đó là một trong những loài động vật tôi rất sợ”.
Tương tự, người mẫu Cao Thiên Trang vừa nhìn thấy trăn cũng đã khóc toáng lên với vẻ mặt vô cùng khiếp đảm. “Chân dài” này đã rất khó khăn khi buộc phải gồng mình lên để che lấp nỗi sợ hãi của mình trước ống kính.
Trong khi cảm giác sợ hãi chưa nguôi ngoai thì các cô gái của chương trình này lại phải đương đầu với thử thách mới khốc liệt hơn là chụp hình trong tư thế treo người trên một chiếc thang dây. Ngay khi giám khảo Nam Trung và Võ Hoàng Yến vừa công bố thử thách, các người mẫu đã vô cùng hoảng hốt và lo sợ. Chà Mi, Cao Thiên Trang liên tục run rẩy khi bám vào chiếc thang dây mỏng manh, dường như cả hai cô gái này đều không đủ sức để chống đỡ và đã ngã sõng soài xuống mặt đất. Chưa dừng lại ở đó, các thí sinh còn liên tục bị người đứng bên ngoài hất cả xô nước vào người khiến cho họ vô cùng vất vả để tạo dáng trên không.
Hoảng loạn khi hát trong bồn chứa đầy rắn, cóc, trăn…
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Vietnam's Next Top Model thử thách thí sinh bằng những trò “kinh dị” này. Trong các mùa trước, chương trình này thử thách thí sinh bằng những màn chụp ảnh trên nóc toà nhà 27 tầng nhìn xuống, tạo dáng lơ lửng giữa không trung với sợi dây xiết chặt vào cơ thể, tạo dáng với 50 chú rắn lục và tạo dáng cùng các loài chuột, nhện, tắc kè, thằn lằn, ếch… Một số thí sinh đã ngất vì quá sợ hãi và một số khác cũng suýt ngất khi phải đối diện với thử thách này.
Và đây cũng không phải là chương trình duy nhất trên truyền hình có những trò thử thách khiến người chơi lẫn người xem khiếp sợ.
Trước đó, chương trình “Đố ai hát được” cũng gây nên những phản ứng trái chiều khi khách mời được đặt trong những tình huống treo mình trên cao, từ từ bị thả vào một bồn nước chứa đầy rắn, trăn, cóc, nước đá… nhưng vẫn buộc phải hát đến hết bài. Người chơi lúc đầu muốn tìm cảm giác mạnh nhưng khi vào cuộc đã có không ít người muốn bỏ dở vì thách thức quá “dã man”.
Nhiều ca sĩ nam lẫn nữ đều khóc thét, cố vùng vẫy để thoát khỏi những con vật đáng sợ. Trong khi đó, bộ ba giám khảo liên tục thích thú, vỗ tay khen ngợi tinh thần dũng cảm của người chơi và cười sảng khoái trên nỗi sợ hãi của họ. Sau 10 tập phát sóng, do bị chỉ trích quá nhiều nên chương trình này đã tạm ngừng phát sóng một thời gian nhưng sau đó lại chuyển sang phát sóng trên HTV7.
Chương trình “Ánh sáng hay bóng tối” được Việt hóa từ format “Heaven or Hell” cũng khiến nhiều người xem bàng hoàng khi chứng kiến những trò thử thách kinh dị. Các trò thử thách người chơi trong chương trình “quái đản” như: ngâm đầu trong bể nước để bắt cá bằng miệng, kéo ngoạc mồm để giữ hai xô nước, nhúng ngập mặt trong một bát bột hỗn hợp để tìm một chiếc nhẫn, cạo trọc đầu kiểu kinh dị, dùng tay không để vặn bóng đèn đang cháy... Nhiều người đã buộc phải chuyển kênh vì không phù hợp với đối tượng trẻ em.
Nguy cơ bắt chước nếu không có cảnh báo
Đành rằng, đây là những chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền từ nước ngoài và được Việt hoá. Nghĩa là trên thế giới cũng đã thử thách người chơi bằng những trò “kinh dị” này. Tuy nhiên, theo nhà văn Đỗ Hoàng Diệu thì ở nước ngoài, các chương trình đều chọn người chơi rất kỹ. Họ có hẳn một đội ngũ chuyên gia “test” kỹ từng người rồi mới cho họ tham gia các thử thách của chương trình. Riêng ở Việt Nam, mọi sự thử thách dường như không hề được chuẩn bị tâm lý trước nên khi bước vào cuộc chơi nhiều người đã hoảng loạn, sợ hãi…
Bản thân nhà văn Đỗ Hoàng Diệu nhìn nhận đây là những trò thử thách kinh dị và chị không bao giờ dám xem. Theo tác giả “Bóng đè”, nếu nói đây là những trò thử thách để đo sự dũng cảm của người chơi cũng không hẳn bởi dũng cảm phải đặt trong điều kiện tự nhiên hoặc thuộc bản chất của con người, không có sự dũng cảm bắt buộc đường đột.
Hoa hậu Ngọc Hân cũng chia sẻ, cô rất sợ khi xem nhưng trò thử thách này chứ chưa nói đến chuyện phải trải qua với tư cách người chơi.
“Nếu bắt tôi phải chụp ảnh với trăn, rắn, nhện, bò sát… chắc tôi ngất ra luôn hoặc tôi sẽ xin bỏ cuộc. Có thể nó không nguy hiểm đến tính mạng nhưng không phải ai cũng có thể chịu đựng được những trò mang tính cảm giác mạnh này. Đặc biệt, ở nước ngoài, việc chuẩn bị cho những trò thử thách này thường được nhà sản xuất mua bảo hiểm, có đội ngủ y tế kiểm tra sức khoẻ, nhất là với người có tiền sử về tim… rồi mới để họ tham gia”,
PGS. TS Trịnh Hoà Bình - Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam nhận định, đối với ông đó là những trò thử thách nhắng nhố, quái dị, không mang ý nghĩa giáo dục.
“Vẫn biết xã hội thị trường cho phép người ta nghĩ ra đủ trò để thử thách hoặc phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng. Tuy nhiên, những trò thử thách kể trên khi đưa vào truyền hình thực tế sẽ tác động vào quá trình cảm thụ thẩm mỹ, tiếp nhận tri thức, học hỏi kỹ năng… của một số đối tượng khán giả. Thậm chí, nó có thể làm méo mó từ suy nghĩ đến nhận thức, đến con đường đưa ra hành động xã hội của giới trẻ. Con trẻ nếu xem quá nhiều nững trò đó có thể sẽ tin vào những điều quái dị hoặc nguy cơ bắt chước nếu không có cảnh báo”, PGS Trịnh Hoà Bình nói.
Theo PGS Trịnh Hoà Bình, bản thân những trò thử thách đó cũng tiềm ẩn những yếu tố bạo lực hoặc phản giá trị. Vì thế, nên hạn chế phát sóng những chương trình đó trên truyền hình. Nếu phát sóng phải có sự cảnh báo rõ ràng. Tương tự ở Đức, khi đưa nghệ thuật hiệu ứng gián cách lên sân khấu, người ta luôn cho người xem cảm giác là họ đang diễn kịch, không nên bắt chước.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn