“BlacKkKlansman”, bộ phim tiểu sử làm về đề tài tội phạm, pha chất hài hước dí dỏm, là một trong những ứng cử viên ở hạng mục Phim hay nhất tại giải Oscar năm nay. Chuyện phim dựa trên cuốn hồi ký “Black Klansman” (2014) của người cảnh sát về hưu - Ron Stallworth (hiện 65 tuổi).
Lấy bối cảnh thập niên 1970 ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado, Mỹ, chuyện phim theo chân chàng cảnh sát “lính mới” người Mỹ gốc Phi Ron Stallworth khi bắt đầu vào làm việc tại sở cảnh sát thành phố. Ron trở thành cảnh sát da màu duy nhất trong sở, anh được giao nhiệm vụ làm cảnh sát ngầm.
Từ đây, Ron bắt đầu trà trộn vào một hội nhóm cực đoan phân biệt chủng tộc đang hoạt động âm thầm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho thành phố.
Việc “BlacKkKlansman” nhận được đề cử ở hạng mục quan trọng nhất của lễ trao giải Oscar sắp diễn ra, chính là một câu chuyện nhân văn khác của điện ảnh thế giới.
Sau việc “Black Panther” - bộ phim bom tấn siêu anh hùng quy tụ dàn diễn viên da màu - thắng lớn ngoài phòng vé và được đề cử là Phim hay nhất tại giải Oscar; thì thành công của “BlacKkKlansman” chính là dấu ấn “kim cương đen” tiếp theo của điện ảnh thế giới năm 2018.
Khi công chiếu tại LHP Cannes (Pháp) hồi mùa hè năm 2018, phim từng giành Giải thưởng lớn “Grand Prix” của ban giám khảo. Phim nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình, đặc biệt là lời khen dành cho diễn xuất của nam chính John David Washington (vai cảnh sát ngầm Ron Stallworth) và Adam Driver (vai cảnh sát điều tra Flip Zimmerman).
Hiện “BlacKkKlansman” đang nhận được 6 đề cử tại giải Oscar, trong đó có những đề cử quan trọng cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (Spike Lee), Nam phụ xuất sắc nhất (Adam Driver). Viện Phim Mỹ cũng chọn đây là một trong 10 phim hay nhất năm 2018.
Đối với người Mỹ khi xem “BlacKkKlansman”, họ tìm thấy một chuyện phim thời sự, được thực hiện nhẹ nhàng, dí dỏm, nhưng không kém phần sâu sắc, thấm thía.
Đối với người xem nước ngoài, “BlacKkKlansman” có thể được xem và hiểu theo một cách khác nữa: Khi cuộc đời có những bất công, khi cuộc đời “thụi” cho bạn nhiều cú đau điếng, bạn phản ứng lại cuộc đời thế nào?
Đó chính là câu trả lời mà nhân vật nam chính - anh chàng cảnh sát Ron - sẽ mang đến cho người xem một cách đầy thú vị.
“BlacKkKlansman” đề cập tới câu chuyện đầy sức nặng: sự phân biệt chủng tộc. Nhưng người xem có thể hoàn toàn yên tâm bởi chuyện phim không nặng nề. Qua cách nhìn của Ron và các cộng sự, phân biệt chủng tộc chỉ có hai dạng: một là những hành động ngớ ngẩn nhưng vô hại, hai là những hành động nguy hiểm cần chặn lại.
Bộ phim không định để người xem phải “đau đầu bóp trán” theo dõi, ngược lại, người xem có thể vừa thích thú xem vừa cười, dù những tiếng cười cũng khá sâu cay.
Đạo diễn người Mỹ gốc Phi Spike Lee (61 tuổi) vốn đã làm một số bộ phim về đề tài phân biệt chủng tộc, nhưng với “BlacKkKlansman”, lần đầu tiên ông nhận được đề cử cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải Oscar.
Nam chính của phim - John David Washington (34 tuổi) - chính là con trai của nam diễn viên kỳ cựu Denzel Washington (64 tuổi), quả là “hổ phụ sinh hổ tử”. Nhân vật cảnh sát Ron Stallworth được ưu ái dành cho rất nhiều khuôn hình đẹp với những góc máy được chăm chút.
Nhân vật Ron luôn nhìn thẳng vào ống kính, và vì thế mà nhìn thẳng vào người xem, với đầy sự tự tin, quyết đoán, nhưng điều đó sẽ không ngừng bị thử thách trong phim, từ cuộc phỏng vấn xin việc đầy tính “nắn gân”, tới những cuộc đối thoại “khó ở” với một số đồng nghiệp khó chịu trong sở, và đặc biệt là khi Ron thực sự lăn xả làm một cảnh sát chìm...
Từ một thanh niên vẫn còn hình dung khá đơn giản về đời sống xã hội, Ron dần trở thành một cảnh sáng vững vàng, “có nghề”. Đứng trước tất cả những xúc phạm mà anh phải đón nhận về màu da của mình, Ron đã luôn kiềm chế một cách hài hước bởi anh không muốn để mình quá dễ dàng đánh mất bình tĩnh trước những việc nhỏ không đáng đếm xỉa.
Những tình huống xúc phạm xảy đến với Ron trong phim được triển khai theo dạng những tình huống hài, khiến người xem có thể bật cười và rồi suy ngẫm đôi chút.
Chuyện phim dần đi vào mạch chính khi Ron nhìn thấy một quảng cáo khả nghi về một hội nhóm có nhiều dấu hiệu cực đoan, phân biệt chủng tộc. Để lấy được lòng tin ban đầu của thành viên trong nhóm qua cuộc chuyện trò điện thoại, Ron - chàng cảnh sát da màu - bắt đầu tung ra đủ lời thóa mạ về… da màu.
Những tình huống “dở khóc dở cười” kiểu như vậy đã giúp bộc lộ rõ khía cạnh “ngớ ngẩn” của sự phân biệt chủng tộc, mà không cần những tình huống nặng nề, “lên gân”. Đến đây, nhân vật cảnh sát Flip Zimmerman (nam diễn viên Adam Driver) bắt đầu nhập cuộc vào mạch phim.
Trong cuộc điều tra, Flip - một cảnh sát da trắng - làm nhiệm vụ thâm nhập trực tiếp vào băng nhóm cực đoan. Trong khi đó, Ron sẽ theo dõi gián tiếp mọi hoạt động. Bắt đầu từ đây, Flip và Ron “tuy hai mà một” trong cùng một nhiệm vụ điều tra.
Nếu Flip phải chịu đựng sức nặng tâm lý trong việc dấn thân vào băng nhóm cực đoan, thì Ron là người thực hiện các cuộc điện thoại thay cho Flip. Và một lần nữa phải cảm ơn khía cạnh hài hước của phim, bởi sau mỗi lần thâm nhập đầy hồi hộp của Flip, là những cuộc điện thoại đầy hài hước của Ron với những đầu não trong băng nhóm.
Thành công của “BlacKkKlansman” được xem là một điểm nhấn quan trọng trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn Spike Lee. Bộ phim đầy ý nghĩa, đầy sức nặng, nhưng cũng không thiếu sự hài hước, bông lơn, rất đời thường, vừa buồn bã, u ám, vừa dí dỏm, lạc quan...
Ở đó, có câu trả lời của anh cảnh sát da màu Ron Stallworth trước những giới hạn, định kiến bủa vây trong đời sống: Khi cuộc đời “thụi” ta nhiều cú, ta phải phản ứng lại thế nào?
Bích Ngọc
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn