Khi cả một bộ phim được “cô đọng” lại bằng một khuôn hình
Thứ hai - 01/07/2019 07:20
(Dân trí) - Nhiếp ảnh gia người Anh Jason Shulman đã chụp hình những bộ phim bằng phương pháp chụp ảnh phơi sáng lâu, để ghi lại toàn bộ một bộ phim bằng một khuôn hình ấn tượng duy nhất.
Bộ phim hoạt hình “Alice in Wonderland” (Alice ở xứ sở thần tiên - 1951). Toàn bộ phim được nhiếp ảnh gia ghi lại trong một khuôn hình duy nhất. Các bức ảnh tạo nên bộ sưu tập “Photographs of Films” (Nhiếp ảnh chụp điện ảnh). Những bức ảnh đã từng được trưng bày tại nhiều sự kiện văn hóa ở Anh trong những năm qua.
Bộ phim 18+ “Deep Throat” (1972). Nhiếp ảnh gia Jason Shulman hướng ống kính về phía màn hình chiếu phim, tạo nên một bức ảnh phơi sáng lâu, ghi lại toàn bộ tiến trình phim. Các cảnh phim sẽ chồng lên nhau và sau cùng tạo nên một khuôn hình mờ nhòe đầy ấn tượng do các hình ảnh hòa trộn vào nhau.
Phim “Dr Strangelove” (1964) với những khuôn hình đen trắng.
Phim hài ca nhạc kinh dị “The Rocky Horror Picture Show” (1975). Với một bộ phim dài 90 phút, sẽ có khoảng 130.000 khuôn hình, mỗi khuôn hình đều sẽ được ghi lại trong bức ảnh, kết quả của cả trăm nghìn khuôn hình hòa trộn vào nhau là một bức ảnh mang phong cách ấn tượng.
Bộ phim phiêu lưu “Le voyage dans la lune” (Chuyến đi tới mặt trăng - 1902). Chia sẻ về những bức ảnh, nhiếp ảnh gia Jason Shulman cho hay: “Các bạn có thể hoán đổi các khuôn hình như tráo một bộ bài, không cần biết bạn hoán đổi kỹ như thế nào, sau cùng bức ảnh được tạo ra vẫn sẽ giống như bức mà tôi tạo ra đây”.
Phim “Taxi Driver” (Tài xế taxi - 1976). Nhiếp ảnh gia Jason Shulman nhận định: “Mỗi bức ảnh đều thể hiện một phần cốt lõi của bộ phim, giống như bộ gen được ghi lại bằng hình ảnh vậy”.
Phim hoạt hình “Dumbo” (1941).
Phim nghệ thuật của Nga - “The Mirror” (1975). “Bạn có thể học được điều gì đó về phong cách của một vị đạo diễn thông qua những bức ảnh này”, nhiếp ảnh gia Shulman nhận xét.
Phim kinh dị “The Texas Chainsaw Massacre” (Tử thần vùng Texas - 1974). “Người xem luôn có cảm giác lạ lẫm khi biết rằng trong một khuôn hình như thế này thu lại toàn bộ những gì diễn ra trong một bộ phim”, tay máy Shulman cho hay.
Phim “The Wizard of Oz” (Phù thủy xứ Oz - 1939). Nhiếp ảnh gia Shulman tiết lộ rằng ông không bao giờ thực hiện được phương cách chụp ảnh này đối với những phim của đạo diễn James Cameron, bởi kết quả tạo ra luôn là một màu xanh biển đơn giản, không có sự biến màu hay những sắc độ đậm nhạt, nông sâu. “Tôi đã từng thử chụp hình bộ phim ‘Avatar’ của đạo diễn James Cameron cũng như một số bộ phim khác của ông ấy, nhưng kết quả tạo ra đều là một màu xanh thuần túy, bởi ông ấy cúp hình rất nhanh, ống kính trong phim Cameron luôn luôn chuyển động”, nhiếp ảnh gia Shulman tiết lộ.
Phim “Blue Velvet” (Nhung xanh - 1986).
Bích Ngọc
Theo The Guardian
Nguồn tin: http://dantri.com.vn