Trước Khánh Ly có nhiều người hát nhạc Trịnh như Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy…, nhưng theo ca sĩ Quang Thành thì ca sĩ Khánh Ly là người táo bạo khi hát nhạc Trịnh Công Sơn. Vào những thập niên 60, hát nhạc Trịnh không phải để kiếm tiền. Và khi Khánh Ly hát đồng nghĩa với việc đánh đổi số phận, đánh đổi cả sự nghiệp...
Và có lẽ, vì giọng hát Khánh Ly thủy chung gắn bó với nhạc Trịnh và nhạc Trịnh qua giọng hát Khánh Ly trở nên ám ảnh, mới đủ sức gợi nhớ những ký ức xưa cũ cho nên bất cứ nghệ sĩ nào sau này dấn thân vào nhạc Trịnh cũng bị so sánh với “tượng đài” Khánh Ly.
Như lần này cũng thế, trở về Việt Nam thực hiện Live concert “Người về bỗng nhớ”, Khánh Ly cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi kết hợp cùng giọng ca vốn cho là “ma quái và nổi loạn” Tùng Dương trong hai đêm diễn đầu tháng 5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nữ danh ca tâm sự, bà nhận nhiều câu hỏi nghi ngờ khi kết hợp cùng Tùng Dương. “Trước kia, tôi cũng từng nghĩ, cậu này lập dị. Tôi cảm thấy phong cách của Tùng Dương kỳ quặc. Nhưng sau này, khi theo dõi Tùng Dương nhiều hơn, tôi nhận thấy giọng hát nam ca sĩ có nồng cháy, khắc khoải, đan xen chút ma quái”, bà nói.
Bà chia sẻ thêm lý do hát cùng nam ca sĩ có phong cách trái ngược với mình: “Cách đây khoảng 2 tháng, tôi vào facebook của con gái thấy con post bài “Quê nhà” của Trần Tiến do Tùng Dương hát, tôi xúc động và nghe đi, nghe lại. Tôi ít nghe ai hát, tôi cũng không nghe lại ca khúc mình hát vì rất bận. Nhưng với bài “Quê nhà” Dương hát thì khác, tôi nghe xong nghĩ bụng: “Sao lại có thằng bé nào hát hay thế?”
Hóa ra cậu ta không phải người chỉ biết gào thét, la hét trên sân khấu mà cũng có những cảm xúc sâu lắng. Rồi tôi lại thấy ở Tùng Dương một trái tim, một cảm xúc lớn giống hệt như thời còn trẻ của tôi vậy. Bây giờ được đứng chung sân khấu với “nó” thì thấy hào hứng lắm!
Qua buổi tập chương trình đầu tiên, đã thấy cả hai có sự ăn ý và màu giọng tương đối hợp rồi. Tùng Dương hát với tôi, đã phải hạ tông xuống để nâng giọng tôi lên.”
Khi được hỏi: “Làm sao để hòa quyện giữa giọng nam cao của Tùng Dương và nữ trầm của Khánh Ly? Bà có lo ngại bị khán giả ném đá khi hát song ca cùng Tùng Dương?” Bà trả lời: “Tôi là người bị ném đá nhiều nhất, đã qua “đỉnh đèo” rồi và giờ chỉ chờ "leo vào quan tài thôi". Trước đây, tôi hát với Chế Linh cũng bị chê. Hát với Thanh Tuyền cũng bị chê và hát với Bằng Kiều là ca sĩ trẻ đầu tiên ở bên Mỹ cũng bị nói ra, nói vào.
Khi hát với những người trẻ, tôi bị ném đá rất nhiều, giống như người ta đã bày sẵn cả đống đá, chỉ chực chờ để ném. Nhưng ở cái tuổi 75 rồi, tôi không sợ nữa, bởi có bao nhiêu gạch đá tôi đã hứng hết cả rồi. Tôi muốn làm mọi thứ để sau này, khi không hát được nữa, tôi sẽ mở những băng đĩa hát với Chế Linh, Bằng Kiều, Hồng Nhung... ra xem để cười và chảy nước mắt. Sẽ không ai có được niềm hạnh phúc và may mắn như tôi đã có”.
Trước những ý kiến trái chiều về các cách làm mới nhạc Trịnh mà nhiều nghệ sĩ thử nghiệm, Khánh Ly cho biết, bà luôn ủng hộ các ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh theo cách riêng. “Mỗi người có một cá tính riêng nên sẽ có cách thể hiện nhạc Trịnh khác nhau. Có người được công chúng ghi nhận nhưng cũng có người chưa thành công. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần người hát đặt cái tâm của mình vào đó để tôn vinh các tác phẩm của Trịnh Công Sơn thì đều đáng được ghi nhận”, bà nói.
Theo Khánh Ly, lúc sinh thời, Trịnh Công Sơn chưa bao giờ áp đặt bà phải hát như thế nào. “Ông Sơn không bắt người khác phải hát nhạc của ông ấy như thế nào. Họ hãy cứ hát theo cảm nhận của họ và thật vui khi càng ngày càng có nhiều người hát nhạc Trịnh Công Sơn”, bà giải thích.
Trước ý kiến cho rằng, đến thời điểm này vẫn chưa có ca sĩ nào hát nhạc Trịnh vượt qua được Khánh Ly. Nữ danh ca hóm hỉnh: “Chắc chắn không ai đi tìm một người như Khánh Ly. Tôi nghĩ rằng họ theo đuổi nhạc Trịnh là để đi tìm bản sắc riêng, thể hiện tình yêu của mình với nhạc Trịnh bằng những cách khác nhau.
Nếu ai cũng yêu nhau như nhau cả, thì thế giới hòa bình lâu rồi! Mỗi người hát một cách khác nhau sẽ tạo ra nhiều màu sắc cho âm nhạc khác nhau, càng làm thỏa mãn gu nhạc ngày càng đa dạng của người nghe. Chúng ta hãy cứ khuyến khích mọi người hát nhạc Trịnh Công Sơn đi, để Trịnh Công Sơn và nhạc của ông ấy được sống mãi”.
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn