“De Bruyne cứ ôm lấy cột dọc và nhất quyết không chịu buông tay. Cậu ta đang thực sự giận dữ. Cả ba chúng tôi cố gắng kéo cậu ấy ra nhưng không nổi” - HLV đội trẻ của Genk, Frank De Leyn hồi tưởng lại vụ việc. Thời điểm ấy, cậu bé De Bruyne bị khiển trách sau buổi tập và bị phạt dọn sạch sân. Nhưng nó đã khiến De Bruyne giận dữ.
“Tôi đã phải đứng lại ấy bởi biết rằng De Bruyne có thể đứng đó cả đêm. Sau cuộc trò chuyện dài, tôi mới thuyết phục được cậu ta buông tay. Chúng tôi cùng nhau đi về khách sạn. Đó là cầu thủ cứng đầu cứng cổ. Nhưng tôi nghĩ rằng, sự bướng bỉnh ấy đã giúp cho De Bruyne vươn tầm trở thành ngôi sao” - ông Frank De Leyn kể tiếp.
Có lẽ, sự bướng bỉnh ấy đã làm nên một De Bruyne vô cùng gan dạ sau này. Thất bại ở “miền đất hứa” Chelsea có thể là sự kiện tủi nhục với cầu thủ trẻ. Nhưng De Bruyne đã làm lại, vươn mình trên đất Đức, trước khi trở thành tiền vệ công hàng đầu thế giới trong màu áo Man City.
Theo mô tả của tờ Guardian, 99% quãng thời gian của mình, De Bruyne sắm vai kẻ lạnh lùng. Cầu thủ này trầm tính, ít nói và rất hiếm khi giao tiếp với đồng đội. Nhưng De Bruyne lại là người bình tĩnh và gan dạ nhất trong đội bóng. Theo bác sĩ của Man City, những thử nghiệm về mức độ căng thẳng của De Bruyne trước mỗi trận đấu luôn ở mức dưới trung bình. Tuy nhiên, đôi lúc, ngôi sao người Bỉ lại tựa như “máy sấy tóc”. Ở trận đấu với Napoli tại Champions League vào năm 2017, người ta đã thấy De Bruyne giận dữ chưa từng thấy.
“Hãy để tôi nói, cứ mặc kệ tôi” - De Bruyne như thể muốn hét vào mặt David Silva khi cầu thủ này cố gắng ngăn người đồng đội tranh cãi với trọng tài ở trận đấu ấy. Cuối cùng, anh bị các đồng đội lôi đi. Sau đó, De Bruyne tức giận: “Đó cũng giống như cuộc tranh luận với vợ tôi thôi. Ở cấp độ này, một cuộc tranh luận đôi khi có thể giúp mọi người tốt hơn”.
Người bạn thân của De Bruyne từng ví cầu thủ này như “máy sấy tóc” bởi anh ta thường trả lời những tin nhắn một cách khô khan trên WhatsApp. Đó cũng là hình ảnh của De Bruyne trên sân. Hầu hết thời gian, cầu thủ này điềm tĩnh, khiêm tốn nhưng nếu như điều đó không làm vừa lòng De Bruyne, tất cả sẽ “liệu chừng”.
Ngay từ khi là cầu thủ trẻ ở Genk, De Bruyne đã nổi tiếng là người nóng tính. Cầu thủ này từng công khai khiển trách đàn anh Elyaniv Barda vì không có thái độ tập luyện nghiêm túc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình vào năm 2012, De Bruyne thẳng thắn chia sẻ: “Đó thực sự là nỗi xấu hổ. Nếu anh không muốn thi đấu thì tốt nhất nên rời đi”.
Và khi tới Wolfsburg, De Bruyne từng chửi bới cậu bé nhặt bóng vì đã chậm trễ đưa bóng vào cuộc. Sau đó, anh đã phải xin lỗi và tặng cậu bé một chiếc áo có chữ ký của mình. Hầu hết những vụ “nổi sóng” của De Bruyne đều không có ác ý. Đó là sự “phun trào” cảm xúc của cầu thủ này.
Sự thẳng thắn, ý chí mạnh mẽ luôn là “vũ khí” giúp De Bruyne vươn tầm. Khi 11 tuổi, De Bruyne từng tới nói với mẹ của mình: “Con muốn học tiếng La tinh trong 2 năm. Sau đó, con sẽ tới học ở trường Topsport. Tới năm 18 tuổi, con sẽ tập trung hoàn toàn vào bóng đá”.
Tại căn nhà của mình ở Drongen, De Bruyne dán đầy hình ảnh của Liverpool trong phòng ngủ. Mẹ anh là người Bỉ sinh ra tại Burundi và lớn lên ở London. Ông nội của anh là người hâm mộ Liverpool tới cuồng nhiệt. Thưở nhỏ, De Bruyne ngủ trên bộ ga trải giường in hình Liverpool, mặc chiếc áo của Michael Owen. Đó vẫn là niềm tự hào trong bộ sưu tập của anh từ thưở nhỏ.
Giống như nhiều đứa trẻ khác, De Bruyne chơi bóng bất cứ lúc nào có thể. Và có chi tiết khá hay. Thưở nhỏ, do phá hỏng quá nhiều đồ đạc, De Bruyne bị ép phải chơi quả bóng nhựa. Sau đó, những đứa trẻ đã “đàm phán” để được sử dụng trái bóng da. Nhưng với điều kiện, họ đều phải sử dụng chân không thuận. Chính sự bất lợi ấy đã trở thành điều vô cùng tốt với De Bruyne sau này. Cậu bé đã tập luyện chân trái tới mức thuần thục không khác gì chân phải.
Trong suốt sự nghiệp, De Bruyne luôn tâm niệm rằng phải thi đấu ở mức độ cao hơn. Tám tuổi, cậu bé tới nói với thầy ở học viện VV Drongen rằng muốn tham gia các buổi tập của Gent vì nó chất lượng hơn.
Và có lẽ, De Bruyne phải thầm cảm ơn những HLV ở Gent bởi luôn khiển trách cầu thủ này ngay cả khi anh chơi tốt. Tới năm 14 tuổi, De Bruyne chuyển qua lò đào tạo của Genk (lò đào tạo trứ danh ở Bỉ).
Nhưng theo chia sẻ của De Bruyne, hai năm đầu tại CLB thực sự là quãng thời gian khó khăn và cô độc nhất của anh. “Hai năm đầu ở Genk là quãng thời gian cô độc nhất của tôi. Tôi không thể hòa nhập với các đồng đội. Trong năm đầu, tôi phải lủi thủi ở trọ một mình, trước khi dọn tới ngôi nhà chung. Nhưng ngay cả khi ở đó, tôi vẫn không thể làm quen với ai”.
Tuy nhiên, trái bóng tròn thôi thúc De Bruyne vượt qua nỗi sợ hãi. Đường tạt bóng tuyệt đẹp cho Christian Benteke ở cấp độ U21 đã đưa De Bruyne lên đội 1. Sau đó, anh cùng Genk vô địch Bỉ, trước khi được Chelsea chiêu mộ để thay thế Lampard. De Bruyne hay tới mức HLV cũ của anh, Hein Vanhaezebrouck từng ví cầu thủ này như Johan Cruyff.
Nhưng việc chuyển tới CLB lớn đã khiến De Bruyne gặp khó khăn trong việc thích nghi. Sau đó, anh được đưa tới Bremen theo hợp đồng cho mượn và thi đấu khá tốt. Khi Jurgen Klopp mở lời đưa anh về Dortmund để thay thế Gotze, De Bruyne đã hỏi ý kiến của HLV Mourinho và... bị từ chối.
Dù vậy, khi trở lại Chelsea, De Bruyne lại gặp khó khăn trong việc thích nghi. HLV Mourinho từng bực dọc với màn trình diễn của cầu thủ này trong trận đấu với Swindon ở League Cup. “Tôi chẳng thích cách anh ta chơi cũng như tập luyện chút nào” - chiến lược gia người Bồ Đào Nha chia sẻ.
Mối quan hệ giữa De Bruyne và Mourinho tiếp tục rạn nứt. Tới mức, cầu thủ này công khai chỉ trích ông thầy: “Ông ấy chỉ ra cho tôi những con số thống kê của tiền vệ công như kiến tạo, ghi bàn, tỷ lệ chuyền bóng, rê bóng... Ông ấy muốn tôi cải thiện. Thế nhưng, tôi ngay lập tức đáp lại: ‘Xin lỗi, điều đó phi thực tế lắm. Tôi chẳng có nhiều cơ hội để thể hiện mình. Làm sao để so sánh tôi với những người khác được?.
Ông ấy muốn bán đứt tôi cho khuất mắt, chứ không phải cho mượn nữa. Tôi có cảm giác như mình không bao giờ được đối xử công bằng”.
Sau đó, De Bruyne bị bán đứt cho Wolfsburg với giá 25 triệu euro. Nhưng đó cũng là tiền đề để De Bruyne chứng minh rằng HLV Mourinho đã sai lầm.
Nhưng niềm tin mà Pep Guardiola đặt vào De Bruyne lại khác với Mourinho. Ông đã cố gắng thử nghiệm cầu thủ này một cách tối đa, để De Bruyne có thể phát huy. Và điều quan trọng, chiến thuật của Pep Guardiola cũng hợp với De Bruyne hơn Mourinho. “Đó là HLV tốt nhất mà tôi từng làm việc” - De Bruyne chia sẻ.
HLV người Tây Ban Nha muốn bóng luân chuyển thật nhanh, liên tục. Các cầu thủ cần phải suy nghĩ và đọc trước tình huống. De Bruyne là một người suy nghĩ rất nhanh và có kỹ thuật để biết được mình làm gì với quả bóng.
Trong mùa giải đầu tiên ở Man City, De Bruyne đã đá cặp với David Silva ở hàng tiền vệ. Và HLV Pep Guardiola đã thành công khi buộc De Bruyne phải di chuyển liên tục tới các vệ tinh xung quanh và phải thích ứng với nhiều vị trí khác nhau (có lúc là tiền vệ cánh, có lúc là số 9 ảo). Điều đó giúp De Bruyne cảm thấy hài lòng: “Việc được thi đấu ở nhiều vị trí giúp tôi hiểu các đồng đội, biết được họ muốn gì”.
Ở mùa giải ấy, De Bruyne đã gây ấn tượng mạnh với 18 đường kiến tạo thành bàn. Tỷ lệ chuyền bóng thành công của cầu thủ này đã cải thiện rõ rệt từ 78% lên 84%. Và khi thích ứng được với hệ thống của Pep Guardiola, De Bruyne đã mặc sức phát huy tài năng, với điểm mạnh di chuyển của mình. Và thậm chí, De Bruyne hiểu chiến thuật của Pep Guardiola tới mức có thể tung ra những đường chuyền mà không cần quan sát, bởi anh hiểu đồng đội đứng ở đâu.
De Bruyne được ví như đỉnh của những chiếc tam giác mà HLV Pep Guardiola xây dựng trên sân. Anh là trung tâm của sự kết nối từng mắt xích của Man City với nhau.
Tờ Guardian đã ví: “Pep Guardiola đã đưa trình độ của De Bruyne tới thiên hà khác, liên tục giúp anh vượt qua giới hạn bản thân và so sánh với những cầu thủ hàng đầu thế giới”.
Nhưng thế nào, De Bruyne vẫn luôn là chàng trai bộc trực và luôn sẵn sàng hướng tới những điều khó khăn mà mình không thể chinh phục.
H.Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn