Năm 2019 Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ tiếp tục khai quật di tích hào thành phía Đông và Tây, với tổng diện tích hơn 7.000m2.
Trong đó, hố khai quật tại hào thành phía Đông có diện tích 3.000m2; hào thành phía Tây có diện tích 4.000m2.
Qúa trình khai quật nhằm tìm hiểu rõ hơn về kiến trúc hào thành khu vực Thành nhà Hồ. Đồng thời, đánh giá vị trí khu vực hào thành với mối tương quan giữa kiến trúc hào và hệ thống tường thành phía trên.
Công tác khai quật sẽ kéo dài từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020. Đến nay đã thu được một số kết quả bước đầu.
Về di tích, hào thành là kiến trúc hào nước chạy xung quanh 4 tường thành, quy mô hào khá rộng lớn, một bộ phận dựa trên địa hình tự nhiên và được mở rộng tạo thành kiến trúc nền gia cố chân thành và hào bao bọc cho toàn bộ kinh thành phía trong.
Kết quả khai quật cung cấp nguồn tư liệu về mặt bằng tổng thể nền gia cố chân thành với dấu tích đá dăm bao phủ trên bề mặt. Điều này, cho thấy sự tồn tại một công trường tinh chế đá tại chỗ trước khi đưa lên dựng thành.
Bên cạnh đó, làm rõ kết cấu kiến trúc hào thành 4 phía với dấu tích bờ kè gia cố hai bên thành hào bằng đá kích thước nhỏ, vừa và lớp đất sét lẫn nhiều sạn sỏi đầu ruồi đầm gia cố bề mặt bờ kè. Đồng thời thấy rõ được độ rộng của lòng hào cũng như độ sâu của đáy hào.
Các di vật thu được trong hố khai quật chủ yếu nằm trên khu vực nền gia cố chân thành, một phần nhỏ ở lớp lắng đọng hào, gồm nhóm các loại hình vật liệu kiến trúc; nhóm các loại hình đồ dùng sinh hoạt; nhóm công cụ sản xuất.
Di vật trong khu vực nền gia cố chân thành chủ yếu là các tảng đá khối nhỏ và dăm đá, vật liệu gạch, ngói, tiền đồng, đồ sành, đồ gốm sứ.
Tại khu vực hào thành cũng được tìm thấy các loại hình trên bề mặt bờ kè và nhiều hơn cả là lớp lắng đọng lòng hào. Hiện vật chủ yếu thuộc niên đại Lý-Trần-Hồ-Lê-Nguyễn.
Dựa trên những kết quả đã khai quật trong 3 năm 2015, 2016 và 2019 có thể hình dung được kết cấu hào thành. Từ đó, đưa ra những cứ liệu khoa học về hình dáng, kích thước, kết cấu, chức năng, sự tồn tại và vai trò của hào thành trong lịch sử hình thành tồn tại và phát triển của Thành nhà Hồ; làm rõ được khu vực nền gia cố chân thành.
Qua những kết quả khai quật nêu trên cho thấy, Thành nhà Hồ là một công trình kiến trúc thành đá quy mô và đồ sộ của một vương triều xưa.
Đây là lần đầu tiên các nhà sử học tìm thấy cấu trúc góc hào thành phía Tây cũng như phần nền gia cố chân Thành nhà Hồ. Các nhà nghiên cứu thống nhất kết luận, hào thành là một bộ phận quan trọng cấu thành Thành nhà Hồ; hào có chiều rộng 50-60 m, sâu khoảng 6,8-7,2 m, chiều dài chưa thể xác định.
Từ kết quả khai quật trên, các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện các ngành liên quan cho rằng, cần sớm khôi phục lại hào thành và cảnh quan xung quanh hào nhằm phục dựng lại thủy hệ trong khu vực Thành nhà Hồ, tạo thành bức tranh tổng thể về môi trường, văn hóa, lịch sử để thu hút khách du lịch.
Đồng thời, tập hợp các tư liệu hồ sơ khai quật làm cơ sở quan trọng đề nghị tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương để khôi phục lại hào thành; tổ chức hội thảo về kết quả khai quật để thấy được tầm quan trọng và quy mô của hào thành...
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thành nhà Hồ, còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389 - 1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400 - 1407).
Trải qua hơn 600 năm, tòa thành kỳ vĩ này vẫn trường tồn với thời gian. Cách đây tròn một năm, vào tháng 6/2011, tại kỳ họp lần thứ 35 của tổ chức UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp), Thành nhà Hồ được tôn vinh là Di sản văn hóa của nhân loại.
Duy Tuyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn