Trong suốt sự nghiệp viết lách gần 4 thập kỷ qua, kể từ khi cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên “A Pale View of Hills” (tạm dịch: Góc nhìn mờ ảo của những ngọn đồi - 1982), cho tới nay, Kazuo Ishiguro (52 tuổi) mới cho ra mắt 7 tiểu thuyết cùng một truyện ngắn. Ngần ấy đã đủ để Ishiguro trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn học…
Là một nhà văn được ca ngợi bởi “những cuốn tiểu thuyết đầy sức mạnh cảm xúc vĩ đại, đã mở ra một biển cả sâu thẳm nằm bên dưới cảm nhận mơ hồ của chúng ta về sự kết nối trong thế giới này” (lời nhận xét của ủy ban trao giải Nobel về Kazuo Ishiguro), có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ khi biết tuổi thơ của Ishiguro bị ám ảnh bởi nhân vật… thám tử Sherlock Holmes.
Nói về thói quen đọc sách khi còn nhỏ, Ishiguro chia sẻ với tờ New York Times: “Giống như nhiều cậu bé, tôi hầu như chẳng đọc gì, cho tới khi tôi cầm tới những cuốn truyện về thám tử Sherlock Holmes trong thư viện nhà trường. Khi đó, tôi khoảng 9-10 tuổi, tôi bắt đầu đọc ngấu nghiến về thám tử Sherlock Holmes, về bác sĩ John Watson.
“Tôi bắt đầu cư xử theo các hình dung về nhân vật. Mọi người cũng thấy kỳ, nhưng khi đó, các bạn bè đều nghĩ chắc bởi tôi là… người Nhật nên thế. “Con chó săn của dòng họ Baskerville” vẫn là câu chuyện hay nhất về Sherlock Holmes trong tôi. Nó đáng sợ và đưa lại cho tôi những đêm mất ngủ. Tôi thích thế giới của Conan Doyle là bởi nó ấm áp và dễ chịu, nghe lạ không?”.
Nói về thói quen đọc sách của hiện tại, nhà văn Ishiguro cho biết: “Tôi thường phải giải thích cho vợ tôi hiểu rằng mỗi cuốn sách tôi đặt cạnh giường là một phần quan trọng trong kế hoạch của tôi, và không bao giờ được dọn sách đi chỗ khác. Tiểu thuyết gia yêu thích nhất một thời của tôi từng là nhà văn Nga Dostoyevsky, nhưng giờ, nữ nhà văn Anh Charlotte Brontë là số 1.
“Khi đọc lại các tác phẩm của Dostoyevsky bằng sự trưởng thành, tôi bị mất kiên nhẫn trước sự đa cảm của ông, và cả những đoạn dẫn giải quanh co đáng lẽ nên được cắt gọt đi. Đối với nữ văn sĩ Brontë, tôi nợ bà cả sự nghiệp của mình và nhiều điều khác nữa, tôi thích hai cuốn ‘Jane Eyre’ và ‘Villette’ của bà”.
Bên cạnh việc sáng tác văn chương, Ishiguro còn sáng tác những bài hát jazz, nói về sở thích này, nhà văn cho biết: “Giờ đây tôi chỉ còn viết lời bài hát. Nghệ sĩ saxophone Jim Tomlinson sẽ viết nhạc, chúng tôi cùng sáng tác với nhau để dành các ca khúc cho ca sĩ Stacey Kent. Tôi đã viết nhạc từ tuổi 15, đối với tôi, có sự liên kết mạnh mẽ giữa văn chương và âm nhạc.
“Phong cách viết văn của tôi đến từ những điều tôi học được lúc viết nhạc. Sự thân mật rỉ tai bằng lời nhạc khi ca sĩ biểu diễn trên sân khấu đưa tôi đến với những câu chuyện rủ rỉ trong văn chương. Đôi khi muốn đạt tới ý nghĩa huyền ảo, chúng ta đành phải đặt vào khoảng trống giữa hai đoạn nhạc hay hai đoạn văn.
“Tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết về jazz, cuốn ‘On the Road’ (Trên đường) của Jack Kerouac thật buồn bã. Nhưng ‘Phía nam biên giới, phía tây mặt trời’ của Haruki Murakami mới thực là hiện thân của tinh thần jazz trong văn chương - theo tôi; đọc tác phẩm ấy giống như ngồi nghe một bản jazz ballad buồn lúc đêm muộn”.
Khi được hỏi rằng nếu những cuốn sách của ông được chuyển thể thành phim, ông sẽ cảm thấy như thế nào và ông sẽ chọn cuốn nào để chuyển thể, Ishiguro đánh giá: “Sẽ rất tuyệt vời khi được thấy một ê-kíp làm phim chuyển thể một tác phẩm văn chương từng được sinh ra từ sự hỗn mang của trí tưởng tượng.
“Những tiểu thuyết của tôi như ‘The Remains of the Day’ (tạm dịch: Những gì còn lại của ngày) hay ‘Never Let Me Go’ (Mãi đừng xa tôi) đã được chuyển thể trước đây, và là những trải nghiệm tích cực. Tôi không bao giờ nghĩ phim phải là sự dẫn giải cho các tác phẩm của tôi.
“Phim ảnh độc lập với văn chương, giống như hai anh em họ vậy. Tôi muốn thấy cuốn ‘The Buried Giant’ (Người khổng lồ ngủ quên) được chuyển thể lên màn bạc nhất. Thực tế, hiện tại, nhà sản xuất phim người Mỹ Scott Rudin đã có quyền chuyển thể tác phẩm này”.
Nói về một cuốn sách giả tưởng nào đó chưa từng được ra mắt nhưng khiến ông rất háo hức đọc, Ishiguro hình dung: “Đó sẽ là một cuốn tiểu thuyết của Jane Austen, viết trong sự trưởng thành và chiêm nghiệm về những gì xảy ra với tình yêu, sau những ngày tháng yêu đương, tán tính, sau lễ cưới…”.
Ở thời điểm này, khi nhắc đến Kazuo Ishiguro - một nhà văn Anh gốc Nhật, người ta không khỏi không nhắc tới Haruki Murakami. Họ là hai người đàn ông Nhật nổi tiếng trên văn đàn thế giới. Điều thú vị là hai người họ đều đã từng nói về nhau trên mặt báo, và cả hai người đều thần tượng lẫn nhau.
Haruki Murakami từng nói về Kazuo Ishiguro trên tờ The Guardian (Anh) trong một lần được yêu cầu gọi tên những nhà văn mà ông yêu thích nhất, ngay lập tức, Murakami gọi tên Kazuo Ishiguro với lý do: “Tôi nghĩ anh ấy cống hiến hết mình cho việc viết lách”.
Ngược lại, khi trả lời tờ Telegraph (Anh), Kazuo Ishiguro cũng từng hào phóng dành lời tốt đẹp để nói về Murakami: “Haruki là một trong 3 hay 4 nhà văn thú vị và quan trọng nhất trong văn đàn thế giới hiện nay. Và rất khó để giải thích tại sao”.
Trong sự nghiệp của mình, nhà văn Kazuo Ishiguro mới cho xuất bản 7 cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, trong đó, độc giả Việt Nam đã biết tới ông qua một số đầu sách:
“Người khổng lồ ngủ quên” (2015): Tiểu thuyết lấy bối cảnh nước Anh thời xa xưa, ở một ngôi làng, có một đôi vợ chồng già sống lặng lẽ trong làn sương mù đặc trưng của xứ sở. Ngày tháng trôi đi, cuộc đời lặng lẽ không có chút gì biến động.
Cho đến một ngày, hai vợ chồng quyết định lên đường đi tìm người con trai nhiều năm không gặp. Họ không ngờ rằng, chờ đợi mình phía trước là một cuộc phiêu lưu kỳ lạ, cùng những con người lạ kỳ, đưa họ về với những ký ức đã từ lâu bị chôn vùi trong quên lãng.
“Người khổng lồ ngủ quên” là câu chuyện đượm u sầu, nhẹ nhàng và thấm thía như chính sự lãng quên. Cuốn sách đã từng rất được chờ đợi bởi sau 10 năm vắng bóng, Ishiguro mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới, sau cuốn “Never Let Me Go” (Mãi đừng xa tôi - 2005).
“Mãi đừng xa tôi” (2005): Kathy, Ruth và Tommy cùng học tại một ngôi trường đặc biệt. Tất cả họ đều có chung một số phận đã được định đoạt từ trước. Họ chấp nhận số phận, nhưng cũng đồng thời khát khao trì hoãn số phận ấy đến với mình. Tác phẩm lấy bối cảnh một thế giới giả tưởng, nói về khát khao tình yêu, hạnh phúc, khiến người đọc suy nghĩ về giá trị cuộc đời.
“Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông” (2009): Truyện ngắn kể về những con người đứng trên tầng cao của khách sạn sang trọng tại Hollywood hay trong căn hộ nghèo nàn ở London, họ là những con người mộng mơ, có thể là ngôi sao danh tiếng một thời, có thể là nghệ sĩ nghèo. Mỗi người đều đang nhìn lại tình yêu, mơ ước, quá khứ và hiện tại của mình.
Tất cả thấp thoáng như một giấc mơ trong thời khắc đêm buông. “Dạ khúc” là tập truyện ngắn đầu tiên của Ishiguro được xuất bản rộng rãi. Tác phẩm nhẹ nhàng, tinh tế, lắng đọng. 5 câu chuyện mang cùng một nội dung, kể về cuộc vật lộn của mỗi người trong việc giữ gìn sự lãng mạn, ngay cả khi bản thân đã già đi, các mối quan hệ đã tàn đi, sự sôi nổi cũng lụi dần.
>> Nobel Văn học gọi tên nhà văn gốc Nhật… Kazuo Ishiguro!
Trailer "The Remains of the Day" (Những gì còn lại của ngày - 1993)
Trailer phim "Never Let Me Go" (Mãi đừng xa tôi - 2010)
Tác giả: Bích Ngọc Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn