Sáng 5/5, buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Kim Thiếp Vũ Môn” của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh với chủ đề “Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” đã diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
Buổi tọa đàm do NXB Văn học và Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức, với sự tham dự của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh và nhiều học giả trong lĩnh vực lịch sử và văn học như GS.TS Trần Ngọc Vương, GS.TS Trần Nho Thìn, PGS.TS Phạm Xuân Thạch…
“Kim thiếp vũ môn” là tác phẩm viết theo kiểu chương hồi, với độ dày hơn 400 trang, lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Ngoài tính chính nghĩa, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc vốn thường được đề cập trong tất cả các tác phẩm lịch sử Việt Nam, cuốn sách còn đi sâu phân tích các yếu tố về khoa học kỹ thuật, vũ khí, nguồn lực con người. Đây được cho là một ý tưởng giải thích lịch sử khá táo bạo và thú vị, đồng thời gợi ra loạt suy nghĩ về cách viết tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, dũng cảm tiếp cận những vấn đề mà các nhà văn, nhà nghiên cứu thường lảng tránh.
Tác giả hoàn toàn tôn trọng các sự thật có ghi chép trong chính sử, ngoài ra còn bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép. Đây là một điểm sáng làm nên giá trị về nội dung của tác phẩm. Cũng có thể sử sách từng chép những sự kiện ấy, nhưng xâm lược phương Bắc thi hành chính sách tiêu diệt văn hóa bản địa đã tiêu hủy hết mọi thư tịch do người Việt viết…
Tại buổi tọa đàm, có rất nhiều ý kiến, tham luận về vấn đề "hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử Kim Thiếp Vũ Môn như thế nào?"
GS.TS. Trần Ngọc Vương cho rằng, “Kim Thiết Vũ Môn” không phải là một cuốn tiểu thuyết văn học mà là một giả thuyết khoa học được trình bày dưới dạng tiểu thuyết lịch sử. Thông qua ngôn ngữ văn chương, người đọc có thể tiếp cận những thông tin liên quan tới thành tựu và trí tuệ người Việt, đặt trong sự phức tạp và phong phú của quan hệ với các nước trong khu vực…
GS.TS Trần Nho Thìn đánh giá: "Lịch sử là tài sản chung của mọi người, nói lịch sử là nói sự thật. Nhưng tiểu thuyết lại đòi hỏi phải hư cấu. Vậy hư cấu thế nào thì vừa? Có lẽ nên hư cấu sao cho độc giả đã bắt đầu đọc là muốn đọc tới cùng, khi ấy họ không còn câu nệ lắm với sự thật lịch sử".
Theo GS.TS Trần Nho Thìn, cuốn sách có 2 nội dung lớn đáng chú ý. Đó là vấn đề về trí tuệ, sáng tạo của người Việt trong lĩnh vực vũ khí thời trung đại mà các tiểu thuyết lịch sử nói chung là các nghiên cứu lịch sử hiện nay chưa được chú ý nhiều. Thứ hai là giải thích nguyên nhân chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đối với nhà Minh cũng chính là nhờ phát minh ra súng Họa Hổ.
Dịch giả Trần Đình Hiến, dịch giả gây chú ý khi dịch cuốn “Báu vật của đời” nói: “Đọc cuốn sách này, ai cũng sẽ nhớ về tổ tiên, ông bà cha mẹ, nhớ quê hương, đất nước mình…”.
Nhà giáo Vũ Thế Khôi lại bày tỏ: "Tôi đọc "Kim Thiếp Vũ Môn" vô cùng hứng thú, bởi nó có độ tin cậy cao. Là một nhà khoa học về vật lý nhưng Thâm Giang Trần Gia Ninh lại rất say mê tìm hiểu về lịch sử quê hương, đất nước. Ông cần mẫn nhặt từng "viên gạch" từ lịch sử Trung Quốc, lịch sử Việt Nam, từ gia phả, thần phả và từ các nhân chứng để xây dựng nên tiểu thuyết lịch sử Kim Thiếp Vũ Môn đầy tâm huyết như thế".
Về phần mình, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh bộc bạch: " Tiểu thuyết thì phải hư cấu nhưng có người chỉ lấy một sự tích rồi hư cấu tất cả. Tôi chỉ có 1 phần hư cấu, tất cả mọi nhân vật và sự kiện gần như thật 100% chỉ có làm như thế nào kết nối lại thôi. Cái kết dính và tạo cho tâm hồn thì đấy là một phần hư cấu của tôi”.
Ông cũng tự nhận mình chỉ là một kẻ ngoại đạo, một nhà nghiệp dư trong lĩnh vực văn chương. “Tác phẩm này ra đời với mục đích đơn giản là để lưu trữ lại những ghi chép, đúc kết của tôi, những điều không thể nói hết bằng lời”, tác giả chia sẻ.
Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh tên thật là Trần Xuân Hoài, sinh ra trong một gia đình nho gia truyền thống ở Hà Tĩnh. Khi mới 10 tuổi, ông được gửi vào trường thiếu sinh tại Trung Quốc, sau đó có cơ hội học tập và làm việc ở nhiều cơ sở nghiên cứu trên thế giới.
Ông là Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Ông có hơn 50 công trình gồm sách, báo chuyên môn, bằng sáng chế... chủ yếu bằng tiếng Anh, Đức, Nga … và được ký tên là Trần Xuân Hoài.
Bút danh Trần Gia Ninh được ông dùng khi viết những vấn đề khoa học qua các tác phẩm gần đây như “Kim Thiếp Vũ Môn”, “Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt”, “Lạm bàn về dạy và học tiếng Trung Quốc ở Việt Nam”, “Cần một giải pháp xây dựng đội ngũ khoa học mới”...
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn