Đây là bức tranh duy nhất được Van Gogh thực hiện trong thời kỳ ông đang điều trị chứng tâm thần trở nặng hồi năm 1889. Trước nay, bức vẽ này vẫn gây tranh cãi về tính xác thực. Bức vẽ đã nằm trong bộ sưu tập tranh cấp quốc gia của Na Uy kể từ năm 1910, nhưng tính xác thực của tranh vẫn chưa được kết luận dứt khoát kể từ đó đến nay.
Vào đầu tuần này, Viện bảo tàng Van Gogh nằm ở thành phố Amsterdam, Hà Lan, đã tuyên bố bức tranh này chắc chắn là một tác phẩm của vị danh họa. Trong bức vẽ được thực hiện vào tháng 8/1889, biểu cảm của Van Gogh gần như thờ ơ, vô cảm, vô hồn; tác phẩm có tông màu xanh - nâu chủ đạo gợi lên cảm giác ảm đạm, u sầu.
Phía bảo tàng Van Gogh nhận định: “Bức chân dung tự họa nằm ở thành phố Oslo cho thấy một con người đang có vấn đề tinh thần. Cái liếc ngang rụt rè có thể nhìn ra ngay và khá thường thấy ở những người bệnh đang vật lộn với chứng trầm cảm và các hội chứng tâm thần khác”.
Van Gogh đã tự mình vào điều trị tại một bệnh viện tâm thần cỡ nhỏ nằm ở xã Saint-Rémy, Pháp hồi tháng 5/1889, sau đó, ông đã bị một đợt rối loạn tâm thần rất nặng vào tháng 7, đợt trở bệnh đó kéo dài trong một tháng rưỡi.
Bức vẽ này có mối liên hệ với một bức thư mà Van Gogh đã viết cho người em trai Theo hồi tháng 9/1889 để nói về một bức chân dung tự họa mà ông “đã nỗ lực thực hiện khi đang ốm”.
Ông Louis van Tilborgh, một nhà nghiên cứu lâu năm làm việc tại Bảo tàng Van Gogh và là giảng viên lịch sử nghệ thuật tại Đại học Amsterdam cho biết rằng Van Gogh rất sợ phải thú nhận mình đang ở vào cùng một tình trạng giống như những bệnh nhân khác trong bệnh viện tâm thần.
Ông Van Tilborgh nhận định: “Van Gogh có lẽ đã vẽ bức chân dung này với mong muốn tự hàn gắn chính mình từ những gì ông nhìn thấy trong gương: một con người mà ông không hề mong muốn trở thành, nhưng không thể nào thoát ra khỏi.
“Đây là một phần lý do khiến bức tranh trở nên ấn tượng về mặt ý nghĩa, bởi nó là một liệu pháp tinh thần mà Van Gogh muốn tự dành cho mình. Đây là bức vẽ duy nhất mà Van Gogh đã sáng tạo khi đang chữa trị một đợt rối loạn tâm thần cấp độ nặng”.
Viện bảo tàng quốc gia The Nasjonalmuseet nằm ở thành phố Oslo, Na Uy đã mua bức họa này hồi năm 1910. Nhưng vì xuất hiện những câu hỏi về mặt phong cách và cách phối màu của tranh, nên một số chuyên gia nghệ thuật đã nghi vấn tính xác thực của tranh, cho rằng có thể tranh này không phải do Van Gogh thực hiện.
Phía bảo tàng The Nasjonalmuseet của Na Uy đã đề nghị Bảo tàng Van Gogh tiến hành giám định phong cách, kỹ thuật thực hiện, chất liệu và lai lịch, nguồn gốc của tranh hồi năm 2014. Sau nhiều năm tiến hành kiểm tra, kết quả chính thức đã được đưa ra hồi đầu tuần này.
Bà Mai Britt Guleng, đại diện bảo tàng The Nasjonalmuseet, chia sẻ rằng kết quả này thực sự làm ấm lòng những nhân viên làm việc tại đây.
“Khi chúng tôi đề nghị giám định tranh hồi năm 2014, nhiều phía đã cảnh báo chúng tôi rằng kết quả sau cùng có thể sẽ khiến chúng tôi rất thất vọng, và cũng có thể người ta sẽ chẳng bao giờ có được một câu trả lời sau cùng. Vì vậy, kết quả vừa được đưa ra khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc”, bà Guleng cho hay.
Một trong những lý do khiến một số chuyên gia nghi ngờ tính xác thực của tranh là bởi Van Gogh đã dùng một con dao chuyên dụng của họa sĩ để làm phẳng bề mặt tranh, đây không phải việc ông thường làm.
Nhưng theo ông Van Tilborgh đến từ Bảo tàng Van Gogh, đây không phải việc chưa từng xảy ra: “Van Gogh sử dụng cách thức này rồi, có những bức tranh khác mà ông đã dùng dao để làm phẳng bề mặt tranh, giảm độ gồ ghề của lớp sơn vẽ, bức tranh này chỉ hơi lạ là ông dùng cả vào vùng mặt”.
Ông Van Tilborgh tin rằng Van Gogh chủ ý làm giảm đi sự sống động trong bức chân dung để phản ánh tình trạng tâm thần của mình: “Đây không phải bức tranh đẹp nhất mà Van Gogh thực hiện nhưng càng tìm hiểu tôi càng thích bức tranh.
“Van Gogh từng nói rằng những bức tranh của ông đôi khi là tiếng khóc đau đớn. Đây chắc chắn là một tiếng khóc đau đớn. Bức tranh thuộc về một nhóm nhỏ những tác phẩm cho thấy những vấn đề sức khỏe tâm thần của Van Gogh và cách ông đương đầu với nó”.
Van Gogh chắc chắn đã nhìn vào gương khi thực hiện bức tranh, lúc này ông đã mất một bên tai sau sự vụ tự cắt tai xảy ra hồi tháng 12/1888. Hình vẽ bên tai còn lại trong bức tranh này không rõ nét và đó cũng là chủ ý của họa sĩ.
Van Gogh viết trong một bức thư thực hiện vào ngày 22/8/1889 rằng ông vẫn còn rất “bối rối” nhưng đã có thể vẽ trở lại, chính là để nói về bức chân dung tự họa này. Dù vậy, sự tiến triển của sức khỏe không kéo dài lâu bởi chỉ trong vòng một năm, ông đã qua đời ở tuổi 37 sau một vụ việc mà người ta cho là tự tử bằng súng.
Hiện bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam với cái tên “In the Picture” (Trong tranh). Sau đó, tranh sẽ được đưa về Oslo để trưng bày tại bảo tàng The Nasjonalmuseet khi một tòa nhà mới được khánh thành trong khuôn viên công trình vào mùa xuân năm 2021.
Bích Ngọc
Theo The Guardian/Forbes
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn