"Nên xem hoa hậu như một giấc mơ đẹp của thời con gái"
Dù thời gian qua chị sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn theo dõi khá sát các cuộc thi nhan sắc trong nước. Bản thân chị nhìn nhận như thế nào về các cuộc thi hoa hậu gần đây?
Ngày xưa, phải hai năm mới có một cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và cũng chỉ có vài cuộc thi chứ không nhiều như bây giờ. Bây giờ, có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp nên rất khó quy tụ được những gương mặt đắt giá. Vài ứng viên sáng giá thì bị chia sẻ hết. Bởi lẽ đó mà chất lượng thí sinh của tất cả các cuộc thi người đẹp bây giờ làm đau đầu BGK.
Hoa hậu Việt Nam tồn tại 30 năm qua đã khẳng định được uy tín, sức ảnh hưởng và vị thế. Nhưng nếu muốn dài hơi phải nghĩ đến chuyện “hậu” hoa hậu tức là không nên để các hoa hậu mới đăng quang bị “bơi” hoặc bị mất phương hướng. Vì dù sao các em đăng quang khi tuổi đời còn rất trẻ.
Nhìn nhận xa hơn thì các em bây giờ có điều kiện hơn chúng tôi trước đây rất nhiều. Ngày xưa, chúng tôi toàn phải đi thi theo đoàn. Chẳng hạn đoàn Hải Phòng, đoàn TP.HCM, đoàn Hà Nội… Trong đoàn chỉ có một vài người đi theo chăm lo và giúp đỡ mọi thứ chứ không có người chăm sóc riêng như bây giờ.
Nhưng cái gì nó cũng vậy. Bên cạnh việc được chăm chút thì tính cạnh tranh cũng nhiều. Ngày xưa chúng tôi thi một tuần lễ là xong thì bây giờ các em phải thi hàng tháng. Các em phải vất vả nhiều hơn và thể hiện mình nhiều hơn.
Tôi nghĩ rằng, các em bây giờ không nên đặt quá nặng chuyện hơn thua. Nên xem hoa hậu như một giấc mơ đẹp của thời con gái, cứ vui hết mình đi, cháy hết mình, được hay không cũng không quan trọng… Vì cả quãng đời của mình còn ở phía trước, mình không thành danh ở hoa hậu thì cũng thành người ở đây. Hoa hậu không phải là đích đến cuối cùng của mỗi người mà thậm chí chỉ là điểm khởi đầu.
Số lượng các cuộc thi nhan sắc ngày càng tăng lên thì chuyện mua bán giải ngày càng xuất hiện nhiều theo cơ chế thị trường. Bởi vậy mà giá trị của danh hiệu cũng bị nhìn nhận khác đi, không còn giá trị nhiều như trước. Chị nghĩ sao về điều này?
Cuộc sống luôn vận hành theo một quy luật nhất định và có cung ắt hẳn sẽ có cầu… Nhưng tôi nghĩ, cái gì có giá trị đích thực sẽ tồn tại bền lâu, vàng không sợ lửa. Những người có nhan sắc, tri thức, bản lĩnh và tố chất hoa hậu… sẽ không sợ bị trộn lẫn vào đám đông. Nếu ai đăng quang “theo cơ chế thị trường” thì sẽ đến một ngày bị chính thị trường đào thải. Cuộc sống nào cũng sẽ có sự sàng lọc tự nhiên. Chúng ta cũng không nên quá bi quan hoặc mất lòng tin vào các cuộc thi hoa hậu mà đánh mất những cơ hội của mình.
Tôi rất ủng hộ chuyện ai cũng có thể đi thi hoa hậu, xấu cũng đi, đẹp cũng đi… nhưng đi trong tâm thế được trải nghiệm tuổi trẻ hoặc giao lưu học hỏi chứ đừng đặt nặng việc phải có vương miện mang về.
Sẽ xin con nuôi nếu một vài năm nữa không có con
20 năm trước, điều gì khiến chị đăng ký thi Hoa hậu Việt Nam?
Thời điểm đó tôi đã 22 tuổi, vẫn đang làm tiếp viên và đang theo học Đại học Luật. Một lần tôi đang ra máy bay để chuẩn bị cùng đoàn bay thì gặp một chú dẫn theo một nhóm các bạn gái đi thi hoa hậu. Tôi thấy mọi người đi thi hoa hậu cũng thích lắm.
Chú trưởng đoàn lúc đó nhìn tôi bảo “Này cháu, chú trông cháu cũng xinh xắn, cao ráo… hay cháu thử đi thi hoa hậu xem”. Nghe chú nói tôi không tin nhưng khi đi lên đi xuống ngắm mấy bạn mà chú dẫn đi thi tôi thấy mình cũng không thua kém gì mấy bạn đó cả. Và thế là tôi đăng ký đi thi vì nghĩ bây giờ không đi sẽ không bao giờ có cơ hội nữa bởi đã 22 tuổi.
Thời điểm đi thi Hoa hậu Việt Nam 1998, tôi có lợi thế hơn các bạn khác vì đã đi làm, có nhiều vốn sống và kinh nghiêm hơn nên luôn chủ động trong mọi tình huống.
Năm 1998, việc chị đăng quang Hoa hậu Việt nam đã làm đấy lên nhiều khen chê trái chiều bởi nhan sắc của chị không giống những hoa hậu đã đăng quang trước đó?
Năm tôi đăng quang Hoa hậu Việt Nam cũng là năm kỷ niệm 10 năm của cuộc thi. Thời điểm đó mọi người cũng muốn tìm một làn gió mới và tôi khi đó đúng là làn gió mới.
Thực ra, lúc đầu không ai nghĩ tôi sẽ đăng quang hoa hậu bởi hoa hậu trước nay phải là những những người mang vẻ đẹp Á Đông, còn tôi bị đánh giá mang vẻ đẹp phương Tây. Nhưng có một điều rất thú vị đó là năm 1998 đất nước đang chuyển mình nên vô tình các thành viên giám khảo cũng có những chuyển biến trong tư duy. Ngoài ra, xét về yếu tố sắc vóc lẫn ứng xử tôi cũng có những điểm cộng hơn hẳn những thí sinh khác.
Chuyện tôi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 1998 thời điểm đó cũng “chấn động” phết bởi có rất nhiều khen chê. Người chê bảo cô này hơi tây, miệng rộng đến mang tai… nhưng cũng không thấy nói cô này xấu, không thuyết phục.
Thật lòng là nếu phân tích ra tôi xấu ở điểm nào thì không ai liệt kê ra được xấu ở điểm nào. Dáng tôi cao ráo, da dẻ mịn màng, mắt mũi không dị tật… rõ ràng là tôi có sự tươi mới của thiên niên kỷ mới và chuyển đổi cách nhìn về một vẻ đẹp. Tôi chỉ tiếc là sau khi tôi đăng quang, Hoa hậu Việt Nam lại chưa có được bản quyền để tham gia các cuộc thi hoa hậu trên thế giới.
Có thể hình dung một cô gái 22 tuổi đối diện với những lời chê bai thời điểm đó như thế nào?
Tất nhiên khi nghe mọi người chê tôi cũng buồn lắm. Nhưng tôi nghĩ mình không bao giờ vừa lòng tất cả mọi người. Tôi lắng nghe mọi lời khen chê… để hoàn thiện mình. Tôi biết, không phải cứ khen mình sẽ vui, chê mình sẽ buồn mà mình phải sàng lọc để tiếp nhận.
Quan trọng nhất là mình đã có một mục đích và hướng đi cho mình thì cứ thế mà thẳng tiến. Với lại, sự thật đã an bài rồi, mọi người có chê hay khen thì cũng không thay đổi lại được kết quả. Thậm chí những người chê mình lúc đó chắc gì đã gặp mình bên ngoài.
Trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, chị có nghĩ việc đăng quang hoa hậu mất nhiều hơn được?
Không, tôi không nghĩ như thế. Vì tôi đã được sống một cuộc sống hơn rất nhiều bạn cùng trang lứa. Tôi đã được đi rất nhiều nơi, gặp được rất nhiều người, làm được rất nhiều việc mà những cô gái bình thường không bao giờ có cơ hội. Cuộc sống bao giờ cũng có những gian truân, thử thách, cứ bình tĩnh mà sống thôi.
Cho đến thời điểm này tôi vẫn cảm ơn cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1998 vì nhờ có cuộc thi đó mà tôi có thêm nhiều cơ hội để mở ra những trang mới của cuộc đời. Và cũng nhờ những vinh dự đó mà buộc mình phải cố gắng sống xứng đáng với vinh dự đó. Nó cũng khiến tôi phải nhìn lại bản thân và buộc mình phải vượt qua những ranh giới không được phép sa chân.
Ngày xưa tôi còn từng phải đi học làm sao để nói chuyện hấp dẫn hơn, nói tròn vành rõ chữ hơn… nó là cả một quá trình. Để trở thành người nghệ sĩ đa năng phải khổ luyện.
Tại sao chị đã hai lần lập gia đình và cũng đã lớn tuổi nhưng đến giờ chị vẫn chưa sinh con?
Cái đó phải hỏi ông trời chứ tôi không trả lời được (cười). Nhiều khi không phải cứ muốn là được. Nhưng ông trời không cho ai cái gì trọn vẹn. Mình có được cái này phải bớt đi cái khác. Hai vợ chồng tôi không quan trọng chuyện con phải con mình.
Hai vợ chồng có nói với nhau nếu vài năm nữa không thể có con thì đến lúc đủ duyên gặp đứa bé nào đó có thể nhận nuôi. Tôi nghĩ, việc nhận nuôi một đứa trẻ cũng như cho nó một hơi ấm tình thương, một cuộc đời mới. Ngoài đường có rất nhiều đứa trẻ như vậy mình không nhất thiết phải có con do chính mình đẻ ra.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn