Chị đăng quang Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong khi mới 17 tuổi. Ở cái tuổi mọi thứ còn “non” đó, chị đã làm gì để tránh được những vấp ngã?
Tôi với Hà Kiều Anh có lẽ là hai hoa hậu đăng quang trẻ nhất trong lịch sử Hoa hậu Việt Nam. Tôi đăng quang khi mới 17 tuổi còn Hà Kiều Anh mới 16 tuổi. Thời điểm đó, tôi nhận được sự cổ vũ và ủng hộ nồng nhiệt từ phía ban giám khảo lẫn công chúng. Nhưng phải chia sẻ thật, khái niệm hoa hậu thời kỳ đó không giống như bây giờ.
Việc tôi tham gia Hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức hoàn toàn không giống các bạn trẻ ngày nay. Thời đó, tôi là một người tham gia công tác đội đoàn rất tích cực nên khi TW Đoàn phát động cuộc thi, tôi không hề nghĩ mình sẽ trải nghiệm hoặc thử sức ở một đấu trường nhan sắc mà chỉ nghĩ đơn giản, tham gia một hoạt động văn hóa vô cùng lớn của TW Đoàn với tư cách đoàn viên gương mẫu.
Giải thưởng của tôi thời đó không lớn như bây giờ mà chỉ là một chiếc xe đạp mifa thôi. Tất nhiên, một chiếc xe đạp mifa đối với tôi cũng lúc đó là cả một tài sản lớn. Tôi nhớ, giá trị của chiếc xe đạp thời đó tương đương với 2 chỉ vàng. Thậm chí, sau khi đoạt giải xong tôi còn không dám đi xe mà để dành.
Kết thúc cuộc thi, tôi quay trở lại với cuộc sống đời thường, vẫn đi học bằng chiếc xe đạp cũ. Tất nhiên, khi có danh hiệu, tôi ý thức hơn trong việc giữ gìn bản thân. Nó cũng tựa như một bản năng, khi mình đã đạt được một cái gì lớn lao sẽ muốn giữ trong sáng nhất. Và danh hiệu cũng tạo cho tôi một động lực lớn hơn đó là không được bỏ bê việc học dù có tham gia sự kiện này, sự kiện kia.
Thường người ta hay nghĩ cô gái có nhan sắc sẽ học hành không đến nơi đến chốn và tôi muốn đi ngược lại suy nghĩ ấy. Cho đến bây giờ tôi vẫn cố gắng thay đổi định kiến ấy. Nhưng phải thú thật, để làm được như thế không phải dễ chút nào. Khi các bạn được nghỉ ngơi, mình vẫn phải rèn luyện cái này, rèn luyện cái kia, bổ sung về tri thức… Trong suy nghĩ của bản thân, tôi luôn muốn công chúng cảm thấy rằng: “Cô ấy đăng quang vào thời điểm khó khăn nhưng đến bây giờ cô ấy đang cố gắng giữ được danh hiệu ấy”.
Cuộc sống của thời đó rất khó khăn nhưng cũng không thiếu cám dỗ và cơ hội. Nếu lựa chọn cuộc sống êm đềm và ít va chạm, tôi đã có thể lấy một người chồng có gia đình bề thế hoặc một người chồng có thể mang lại cho mình cuộc sống đầy đủ. Tuy nhiên, đó lại không phải là sự lựa chọn của tôi. Cái tôi mà tôi vẫn muốn khẳng định đó là một người phụ nữ xinh đẹp vẫn hoàn toàn có thể có cuộc sống tốt bằng chính đôi chân của họ.
Tôi đăng quang hoa hậu khi vừa biết điểm đại học và trong suốt 4 năm học đại học, có rất nhiều thứ có thể khiến tôi bị sao nhãng. Nếu tôi không có quyết tâm có thể giờ đây tôi đã khác. Quãng thời gian dài sống ở nước ngoài, tôi có rất nhiều đại gia theo đuổi. Nghĩa là tôi có nhiều thứ để cân nhắc bên cạnh việc học. Theo lẽ thường, nếu có một cuộc sống tốt đẹp như thế không có lí gì để mình lựa chọn con đường chông gai.
Vấn đề là dù sao tôi cũng là hoa hậu đăng quang đầu tiên, giống như chị cả trong gia đình. Đã là chị cả thì phải hành xử thế nào, sống ra sao để các em luôn thấy “chị ấy xứng đáng là chị cả”. Nếu bây giờ lấy thước đo ra để đo, tôi vẫn tự hào mình có đủ đầy, cả về học vấn lẫn gia đình.
Dù có rất nhiều cơ hội để có một cuộc sống nhàn hạ và đầy đủ nhưng Hoa hậu Bùi Bích Phương vẫn quyết tâm đi lên bằng con đường học vấn, tri thức.
Mọi người thường nói, làm hoa hậu cũng phải có số… nhưng tôi nghĩ, làm hoa hậu phải còn cần cả tố chất nữa. Không phải chỉ xinh thôi đã có thể trở thành hoa hậu. Nó cần rất nhiều sự nỗ lực mà những người bình thường không thể trông thấy được. Bản thân hoa hậu phải nỗ lực, phải hy sinh… rất nhiều thứ.
Và khi thời gian tỏa sáng qua rồi, bước vào đời thường, mọi người sẽ thấy điều đó rất cần thiết. Vì khi ở đỉnh cao, mọi thứ đến với mình rất dễ dàng nhưng khi đã qua rồi sẽ thấy làm thế nào để duy trì được phong độ, làm thế nào để giữ được vẻ đẹp hoàn thiện của vương miện đó không dễ dàng tí nào.
Có thể hình dung cuộc sống của chị hiện tại như thế nào?
Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Anh của Đại học Quốc gia, tôi cũng thi lấy học bổng để đi du học ở Hàn Quốc. Hoàn thành khóa học, tôi được mời làm cho Quỹ Giáo dục Quốc tế. Ở Quỹ này, tôi phụ trách 5 nước, ngoài Việt Nam còn có 4 nước Đông Nam Á khác. Tôi rất yêu thích công việc này, không phải vì thu nhập hoặc điều kiện nó mang lại mà là vì ý nghĩa thiết thực của nó đóng góp cho sự phát triển xã hội của mỗi quốc gia.
Thời điểm đó, tôi cũng có những lợi thế nhất định. Lợi thế ở đây không phải vương miện, không phải hình thức… mà là nói thành thạo 3 ngoại ngữ và bằng Thạc sỹ. Cho đến thời điểm này, khi đã ở vào tuổi 47 nhưng tôi vẫn có quyền được lựa chọn công việc chứ không phải công việc chọn mình. Sở dĩ tôi có được điều đó vì bản thân trang bị cho mình một hành trang tương đối tốt cả về học thức lẫn kinh nghiệm công việc.
Về cuộc sống riêng, hiện tôi đã có hai con, một trai, một gái. Dù các bạn ấy chưa lớn nhưng đều đang du học. Cá nhân tôi ngoài làm việc cho Quỹ thì cũng thành lập một doanh nghiệp riêng.
Nhiều hoa hậu thừa nhận, khi họ có danh hiệu, cuộc đời họ đã thay đổi. Đặc biệt, họ dễ kiếm ra tiền và bước lên đỉnh cao danh vọng rất nhanh. Bản thân chị vì sao lại lựa chọn con đường chông gai?
Mỗi người phụ nữ sẽ có một mục tiêu sống khác nhau. Có lẽ là con đường các hoa hậu khác chọn đã gặt hái được nhiều thành công. Riêng tôi, tôi hiểu danh hiệu hoa hậu mang lại rất nhiều cơ hội nhưng vấn đề là dùng cơ hội đó như thế nào. Như đã nói, nếu lựa chọn cuộc sống dư giả, bên cạnh người chồng làm chỗ dựa về mọi mặt thì tôi đã có mọi thứ từ năm 22 tuổi. Năm 22 tuổi, tôi được một doanh nhân nước ngoài rất thành đạt cầu hôn. Nếu tôi lựa chọn con đường đó, tôi vẫn có thể là tôi nhưng những gì tôi làm được sẽ khác bây giờ. Tuy nhiên, tôi đã không lựa chọn cơ hội đó mà muốn thử sức khác hơn một chút.
Tôi cũng sinh ra trong gia đình trí thức nghèo nên cái mà tôi khao khát đó là trở thành một doanh nhân và tự chèo lái một doanh nghiệp (dù to, dù bé) vươn tới thành công. Sở dĩ tôi khát khao như vậy vì muốn cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ được tốt đẹp hơn. Đấy chính là việc tôi tự mở ra một trang mới của cuộc đời thay vì đặt dấu chấm cho một trang chói lọi để kết hôn với một doanh nhân giàu có.
Tôi lựa chọn ra nước ngoài du học để tận mắt chứng kiến tại sao người ta có thể phát triển được, tại sao người ta giàu có khi có điểm xuất phát thấp. Khi học ở nước ngoài, tôi thường không bao giờ đưa danh hiệu vào học tập. Người ta thường giới thiệu đầy đủ danh hiệu khi tôi tham gia các cuộc thi nhan sắc. Tôi muốn người ta biết đến tôi trước hết không phải là một hoa hậu mà là đại diện cho một thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi muốn chứng minh cho họ thấy thế hệ trẻ Việt Nam luôn mong muốn đóng góp hoặc làm được điều gì đó cho gia đình, cho đất nước.
Tôi nghĩ rằng, khi đi tiên phong để chứng minh một nghịch lý thường rất vất vả. Vì ngày nay mọi người quy gán công thức người đẹp phải đi với đại gia. Tôi lại đang đi theo nghịch lý đảo, người đẹp không nhất thiết phải đi với đại gia. Và tôi đã chứng minh được vì hiện cuộc sống của tôi không thiếu bất cứ thứ gì. Tất nhiên, để đi được đến cái đích đó, mỗi người sẽ có cách đi riêng cho mình.
Tôi hài lòng với những gì mình đã bước qua và hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì đã chọn cho mình cuộc sống chông gai hơn sau khi đăng quang. Tôi nghĩ rằng, có hoa hậu thành đạt kiểu này, có hoa hậu thành đạt kiểu kia… mọi sự thành đạt đều rất đáng khích lệ vì như thế sẽ làm cho vườn hoa muôn sắc tỏa sáng lung linh. Và nếu lấy tiền tài hoặc tài sản ra làm thước đo cho sự thành công sẽ không thích đáng, thước đo cho sự thành công là khi nhìn lại chặng đường đã qua mình thấy trưởng thành hơn những gì mình xuất phát.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: (Còn tiếp)
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn