Lòng tự trọng của Kiatisuk và khát vọng lớn của bóng đá xứ Chùa Vàng
“Zico Thái” rời khỏi ghế HLV đội tuyển Thái Lan vì những trận thua tại vòng loại World Cup 2018. Giới bóng đá Thái Lan giờ không còn chấp nhận phải thua liên tục ở sân chơi vươn ra thế giới, cho dù đấy là thua Nhật Bản, Saudi Arabia, Iraq hoặc UAE – những “ông kẹ” thật sự của bóng đá châu Á.
Chỉ tiêu phải vào VCK World Cup 2018 là chỉ tiêu cho chính Kiatisuk đặt ra gần 3 năm trước, ngay sau khi ông đưa đội tuyển Thái Lan trở lại với ngôi vô địch AFF Cup 2014.
Khách quan mà nói, trong khoảng thời gian gần 4 năm dẫn dắt đội tuyển Thái Lan, Kiatisuk thành công nhiều hơn thất bại. Thần tượng số 1 của bóng đá đất Chùa Vàng giúp Thái Lan 2 lần vô địch AFF Cup (2014, 2016), giành lại vị thế số 1 khu vực từ tay Singapore và Malaysia, 2 lần vô địch SEA Games (2013, 2015), 1 lần giành HCĐ Asiad (2014).
Điều quan trọng hơn hết, Thái Lan gần như chiếm lại vị thế độc tôn tại Đông Nam Á, dám mơ những giấc mơ rất lớn tại châu Á dưới thời HLV Kiatisuk.
Nhưng dù thành công, Kiatisuk vẫn phải ra đi vì đơn giản ông nhận thấy rằng mình không thể nâng tầm đội tuyển Thái Lan, bóng đá Thái Lan lên một tầm cao hơn nữa: Tầm vóc hàng đầu châu lục.
Không có chuyện Kiatisuk nói riêng và bóng đá Thái Lan nói chung hài lòng với thành tích độc tôn ở khu vực. Ngay cả tấm HCĐ danh giá tại Á vận hội vẫn không làm thoả mãn khát vọng của họ.
Càng không có chuyện Kiatisuk sau khi thất bại tại vòng loại World Cup, quay lại tìm niềm an ủi trong niềm vui đứng đầu Đông Nam Á, hay cố một kỳ SEA Games nữa vào tháng 8 tới đây để vớt vát danh hiệu (hợp đồng của Kiatisuk với đội tuyển Thái Lan đến tận cuối năm mới hết hạn).
Thành ra, việc Kiatisuk từ chức HLV đội tuyển Thái Lan càng cho thấy khát vọng lớn, giấc mộng lớn của bóng đá xứ Chùa Vàng. Càng cho thấy người Thái thật sự nghiêm túc trong kế hoạch chinh phục vé dự VCK World Cup, hoặc gia nhập nhóm các đội đứng đầu châu Á như họ từng tuyên bố.
Đấy cũng là khác biệt cực lớn giữa giới bóng đá Thái Lan và giới bóng đá Việt Nam, giữa Kiatisuk và những nhà chuyên môn đang nắm các đội tuyển của bóng đá nội.
Bóng đá Việt Nam: Quanh quẩn trong “ao làng” SEA Games
Trong bóng đá Việt Nam, có lẽ sẽ rất khó có chuyện HLV đội tuyển quốc gia phải mất việc nếu đội tuyển thi đấu bết bát tại vòng loại World Cup, hoặc dưới nữa là vòng loại châu Á. Mục tiêu của bóng đá nội vẫn là những mục tiêu ngắn qua từng năm, mang tên AFF Cup, rồi SEA Games.
Khi tập trung đội tuyển theo mô hình “2 trong 1” để tham dự vòng loại Asian Cup 2019, đang bị các chuyên gia phản đối, chúng ta bảo rằng đội tuyển ấy là để chuẩn bị cho... SEA Games.
Khi vượt qua vòng bảng AFF Cup hồi năm ngoái, giới bóng đá Việt Nam hài lòng với thành tích toàn thắng (dù đụng toàn đối thủ yếu), rồi thưởng to cho nhau. Lúc bị Indonesia đánh bại trong trận bán kết, giới điều hành bóng đá Việt Nam hài lòng vì đội tuyển thể hiện được tinh thần tốt (dù chẳng ai chiến thắng trong thể thao đỉnh cao chỉ dựa vào tinh thần).
Sau trận giao hữu hoà hú vía với đội hình 2 của Trung Hoa Đài Bắc, đội tuyển Việt Nam hài lòng vì... không cầu thủ nào chấn thương.
Tiếp đến, sau khi không thể vượt qua đội bóng chẳng mấy tên tuổi trên bản đồ bóng đá thế giới là Afghanistan, chúng ta lại một lần nữa hài lòng vì đội tuyển... hoà trong thế thắng.
Chúng ta thiếu những đòi khắt khe với chính mình, để vươn ra xa hơn cái thói quen quanh quẩn với những mục tiêu tầm khu vực. Cả làng cầu dường như nín thở chờ thành tích ở SEA Games vào tháng 8 tới đây, ở một giải đấu mà Thái Lan và nhiều nước bắt đầu chỉ xem là sân chơi phụ (ở kỳ SEA Games gần nhất cách nay 2 năm, Thái Lan thậm chí còn không cử... HLV trưởng sang chỉ đạo đội tại Singapore).
Rồi cho dù có đứng đầu kỳ SEA Games tới đây, chúng ta cũng chẳng có gì đảm bảo rằng bóng đá Việt Nam sẽ hơn Thái Lan, rằng bao giờ chúng ta sẽ đến được trình độ châu Á? Bao giờ xem chuyện phải chiến đấu nghiêm túc để giành vé dự VCK World Cup là chuyện đương nhiên?
Ngay ở thời điểm có trong tay nhà chiến lược biết hướng đội tuyển đến các giải đấu châu Á và thế giới là HLV Miura, chính cơ quan điều hành bóng đá nội lại gây sức ép sa thải ông này, để thay bằng một vị HLV gần 2 năm nắm đội tuyển vừa qua chỉ dám nghĩ đến mục tiêu SEA Games.
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới có người dám đặt mục tiêu vào VCK World Cup và dám từ chức vì thất bại ở vòng loại World Cup như Kiatisuk của bóng đá Thái Lan?
Trọng Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn